Cuộc “di cư” lần thứ hai

Tiến sĩ Trần Vinh Dự

Tôi có hai người bạn thành đạt.

H là Tổng Giám đốc tại một quỹ đầu tư lớn ở TP.HCM. Anh từng đi du học và lập gia đình ở nước ngoài. Cách đây 8 năm, anh bỏ việc ở nước ngoài để về nước. Giờ đây, anh lại muốn nộp hồ sơ xin di trú cho gia đình sang Bắc Mỹ. Anh chưa tính sang đó sống ngay, nhưng đối với anh, đó là một cách bảo hiểm.

T là chủ một doanh nghiệp cổ phần cũng ở TP.HCM. Anh từng bán một công ty do anh gầy dựng và thu về một khoản tiền lớn. Hiện nay, anh vẫn còn sở hữu 2 công ty ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiếm khi anh ở Việt Nam mà dành phần lớn thời gian ở Mỹ với gia đình, nơi anh mới mua một căn biệt thự giá hơn 3 triệu USD hồi đầu năm 2012.

Trở thành thường trú nhân, hay còn gọi là người có “thẻ xanh”, hoặc trở thành người song tịch - vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch một nước khác đang là một xu thế thời thượng.

Hợp pháp và hợp lý...

Làm thủ tục xin định cư ở nước ngoài là việc hoàn toàn hợp pháp ở Việt Nam. Kể từ 1.7.2009, khi Luật Quốc tịch mới có hiệu lực, công dân Việt Nam được quyền có hai quốc tịch. Theo Bộ Tư pháp, kể từ ngày này, người Việt Nam ra định cư, nhập quốc tịch ở nước ngoài đương nhiên mang quốc tịch Việt Nam mà không phải đăng ký. Điều đó có nghĩa người Việt Nam có thể xin quốc tịch nước khác như Mỹ hay Canada, mà không sợ mất quốc tịch Việt Nam.

Đối với nhiều người, việc có quốc tịch thứ hai cũng không quá quan trọng. Điều họ cần là quyền được định cư lâu dài ở nước mà họ lựa chọn ngoài Việt Nam. Như vậy, chỉ cần là thường trú nhân (có thẻ xanh) là đủ. Điều đó có nghĩa, việc có hay không có quyền có hai quốc tịch theo luật Việt Nam không phải là yếu tố thúc đẩy họ xin định cư ở nước ngoài.

Xét về mặt cá nhân, việc thu xếp để có thêm một lựa chọn về nơi ở là chuyện bình thường và hợp lý. Cả H và T đều muốn con cái khi lớn lên được sống trong một môi trường tiên tiến và thụ hưởng một nền giáo dục tốt. Ngay cả không định cư dài hạn ở một nước khác mà có được tự do trong việc đi lại và thay đổi môi trường sống theo sở thích cũng là một chuyện thú vị, mặc dù tốn kém. Đó là chưa kể đến việc một số người trở nên giàu có như T muốn đa dạng hóa tài sản của mình. Giữ một số bất động sản ở nước ngoài cũng là một lựa chọn thông minh.

Việt Nam đang giàu lên. Cùng với sự phát triển chung, Việt Nam ngày càng có thêm nhiều người giàu. Đi kèm với đó là ngày càng nhiều người có nhu cầu lấy thường trú nhân ở các nước phát triển như H và T. Điều này xem ra có vẻ rất bình thường.

Không có số liệu chính thức về số hồ sơ xin định cư mà các hãng tư vấn định cư hoạt động ở Việt Nam đang giải quyết. Vì nhiều lý do tế nhị, cũng ít có người công khai chuyện xin quyền định cư ở nước khác. Thế nhưng, có nhiều bằng chứng gián tiếp cho thấy phong trào này đang phát triển mạnh. Ngày càng có nhiều hãng tư vấn di trú quốc tế tham gia thị trường Việt Nam và hoạt động một cách tích cực như IMG, Kornova, USIS, Harvey Law Group (HLG), Immigration (IMM), US Investment (USI), ImmiCa... để phục vụ các khách hàng tiềm năng như H và T. Một số hãng lớn trong năm 2012 đã bị quá tải và phải thuê ngoài để có đủ nhân lực xử lý hồ sơ.

Thậm chí đã xuất hiện một số doanh nghiệp Việt Nam ngấp nghé đầu tư vào Bắc Mỹ hoặc Úc trong các ngành liên quan đến nông lâm nghiệp với mục đích tạo càng nhiều công ăn việc làm ở các nước này càng tốt. Lý do là số lượng công ăn việc làm tạo ra càng nhiều thì các chủ dự án này càng xin được nhiều suất thẻ xanh. Các suất này sau đó có thể bán lại cho các “nhà đầu tư”, thực chất là những người bỏ tiền ra mua thẻ xanh để vào các nước phát triển.

Nhiều câu chuyện có vẻ hợp lý về mặt cá nhân nhưng khi gộp với nhau lại là tín hiệu cho thấy nhiều sự bất bình thường về mặt xã hội.

... Nhưng bất bình thường

Các đợt di cư ồ ạt ra nước ngoài thường là dấu hiệu cho thấy những vấn đề về mặt xã hội. Lý do thông thường nhất là khó khăn về kinh tế, hiểm họa chiến tranh, bất ổn chính trị, phân biệt chủng tộc… Làn sóng di cư ở Việt Nam cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 là một ví dụ. Kinh tế Việt Nam trước Đổi Mới đã gặp nhiều khó khăn. Vì thế, một số người di cư ra nước ngoài với hy vọng tìm được miền đất hứa.

Thế nhưng, cuộc di cư lần này lại khác hẳn. Cái khác cơ bản nhất: đây là phong trào di cư của những người giàu, những người thực sự có tiền để trở thành các nhà đầu tư và lấy thẻ xanh qua hình thức đầu tư.

Lý do thông thường khiến những người giàu muốn định cư ở nước phát triển là tìm đến một môi trường xã hội tốt hơn cho gia đình khi họ có khả năng chi trả cho một cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, đây không phải là lý do tạo ra các đợt di cư đột biến.

Lý do thường được nghe đến nhiều nhất trong số các chủ doanh nghiệp muốn di cư ra nước ngoài là sự bế tắc về cơ hội kinh doanh hiện nay cũng như sự bi quan về triển vọng của kinh tế Việt Nam. Cũng chính từ sự bi quan này, một số chủ doanh nghiệp lo lắng các bất ổn xã hội có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Khi còn có điều kiện về tài chính, việc thu xếp để gia đình họ có quyền thường trú ở nước khác xem ra là một dạng mua bảo hiểm khôn ngoan.

Cuộc di cư của những người giàu thường có hại cho nền kinh tế nếu nó diễn ra trên diện rộng. Đầu tiên là sự thất thoát về chất xám. Không phải ai giàu có cũng giỏi, nhưng khá nhiều người trong số họ có kinh nghiệm, khả năng kinh doanh, hiểu biết và thông minh. Sự ra đi của những cá nhân này là một thiệt thòi lớn cho nền kinh tế.

Thứ hai là sự thất thoát về của cải. Những người ra đi lần này không phải với hai bàn tay trắng như phần lớn những người di cư cách đây hơn 30 năm. Họ ra đi, mang theo khối tài sản lớn, thường là hàng triệu USD. Nhiều chủ doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã có bất động sản và tài khoản tiền mặt lớn ở nước ngoài.

Thứ ba là các phong trào này tạo ra tâm lý lo ngại cũng như làm giảm nhiệt huyết của những người ở lại. Nó cũng làm nản lòng những người muốn đến Việt Nam đầu tư và làm ăn.

Dù có những tác động bất lợi như vậy, nhưng việc lựa chọn di cư là một quyền hợp pháp của người dân. Vì thế, không thể ngăn chặn xu hướng này bằng các mệnh lệnh hành chính. Cũng không thể ngăn chặn bằng những lời kêu gọi suông. Chỉ có thể giữ chân họ bằng cách tạo cho họ niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như niềm tin vào sự an toàn của bản thân họ và gia đình ở Việt Nam. Muốn vậy, Chính phủ phải cho thấy khả năng dẫn dắt đất nước, thực hiện được những lộ trình và giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn. Và trên hết là nâng cao uy tín chính trị của người lãnh đạo để thuyết phục người dân tin vào tính khả thi của những cải cách.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=15138-cuoc-di-cu-lan-thu-hai