Cuộc đấu tranh chống gián điệp biệt kích ở miền Bắc

Đấu tranh chống gián điệp biệt kích (GĐBK) của Mỹ - ngụy đánh ra miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ là cuộc đấu tranh khó khăn, gian khổ, phức tạp nhưng ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng, chung sức chung lòng cùng Lực lượng CAND phòng, chống có hiệu quả, đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch thâm độc của kẻ thù, góp những chiến công ngời sáng vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Đế quốc Mỹ ráo riết tiến hành chiến tranh GĐBK đối với miền Bắc Ngay khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, hỗ trợ Diệm thôn tính các phe phái, thiết lập quyền thống trị ở miền Nam với bộ máy ngụy quyền, lực lượng ngụy quân cùng các đảng phái chính trị phản động hòng biến chúng thành công cụ cho tham vọng xâm lược. Thực hiện âm mưu này, Mỹ lập kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, thôn tính miền Bắc và sau đó là các nước Đông Dương mà mở đầu là phát động cuộc chiến tranh GĐBK với âm mưu cơ bản là "đánh Cộng sản trong lòng Cộng sản", hòng không chỉ ngăn chặn nguồn chi viện của các nước XHCN cho Việt Nam, ngăn chặn nguồn chi viện của miền Bắc cho miền Nam mà còn làm cho miền Bắc suy yếu và rối loạn đi đến tự sụp đổ. Năm 1956, Mỹ tiếp quản căn cứ GCMA (Gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù) của Pháp tại Nha Trang, thành lập trung tâm huấn luyện và chỉ huy GĐBK đặt tên là "Liên đội biệt động", ngụy danh là "Liên đội quan sát số I". Mỹ cử những chuyên gia CIA dày dạn kinh nghiệm từng hoạt động ở chiến trường Triều Tiên sang Việt Nam nghiên cứu tình hình và hoạch định kế hoạch xâm lược, trong đó có Lansdale. Trong báo cáo trình Tổng thống Mỹ, Lansdale nhấn mạnh: "Việc vô hiệu hóa và đánh bại thách thức của Việt Cộng ở Nam Việt Nam là một nhiệm vụ sẽ đơn giản hơn nhiều nếu sự giúp đỡ của miền Bắc Việt Nam bị loại trừ". Lúc này, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) báo cáo tình hình hoạt động của "Cộng sản" ở miền Nam với Tổng thống Mỹ Kennedy và Kennedy khẳng định: Mỹ "cần có du kích hoạt động ở miền Bắc". Có thể xem đây là điểm khởi đầu của âm mưu lớn với những chiến dịch hoạt động ngầm lớn nhất và phức tạp nhất mà chính quyền Mỹ thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh lạnh - đó là cuộc "chiến tranh gián điệp biệt kích" đối với miền Bắc Việt Nam. Cùng với nhịp độ của cuộc chiến tranh xâm lược, từ năm 1956 đến 1975 chiến tranh GĐBK phát triển với quy mô, cường độ, mục tiêu khác nhau nhưng có thể chia làm 2 giai đoạn: - Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1956 đến cuối 1963 Cuối năm 1956 đến đầu 1957, Lansdale tổ chức tuyển trong hàng trăm sĩ quan từ lực lượng tình báo và quân sự của chính quyền Diệm, chọn được 65 tên đưa đi huấn luyện tại Philippines và bổ túc nghiệp vụ tại Mỹ (School Ranger) rồi đưa về Nha Trang làm hạt nhân xây dựng lực lượng biệt kích. Khóa đầu tiên gồm 18 toán do cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện. Đến giữa năm 1957, Mỹ phát triển Liên đội biệt động thành "Sở kỹ thuật" với lực lượng biệt kích gồm hàng trăm tên, do cố vấn Mỹ trực tiếp quản lý, điều hành và huấn luyện. Trong năm 1958, cố vấn Mỹ chỉ huy nhiều toán GĐBK xâm nhập ra miền Bắc qua tuyến biên giới Việt - Lào để thăm dò tình hình cũng như đáp ứng yêu cầu diễn tập rút kinh nghiệm trước khi phát động cuộc chiến tranh. Ngày 1/1/1959, CIA và chính quyền Diệm ký thỏa thuận chung, cùng tiến hành các điệp vụ ngầm chống Hà Nội và lần lượt thành lập 3 trung tâm huấn luyện GĐBK tại Long Thành (Biên Hòa), Mỹ Khê (Đà Nẵng) và Phú Bài (Huế) do Đại tá Lê Quang Tung, Trung tá Trần Khắc Kính chỉ huy (Trần Khắc Kính bị bắt, tập trung cải tạo sau ngày 30/4/1975), nhưng thực chất do Đại tá Smith và Đại tá Bell chỉ đạo và điều hành. Đơn vị dân quân xã Phú Hải, Hà Cối, Quảng Ninh tham gia truy bắt toán GĐBK xâm nhập bờ biển Hà Cối ngày 28/7/1963. Đầu năm 1961, Mỹ - Diệm tung toán GĐBK đầu tiên bằng đường không vào địa bàn Quảng Bình, ta bắt gọn; sau đó chúng tung toán Castor vào địa bàn tỉnh Sơn La, tung điệp viên ARES bằng đường biển vào Hồng Quảng (Quảng Ninh), ta bắt gọn; lập chuyên án mang bí số PY27 tại Sơn La và BK63 tại Hồng Quảng, đấu tranh bằng chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ" thành công. Hai chuyên án này được xem như chuyên án tạo nguồn, giúp Cơ quan Công an nắm địch khá toàn diện để điều khiển trung tâm chỉ huy của chúng tại Sài Gòn phải hoạt động theo sự sắp đặt của ta. Từ năm 1961 đến 1963, Mỹ - ngụy đã tung ra miền Bắc hàng chục toán GĐBK bằng đường không, qua biên giới Việt - Lào, đường biển và vượt giới tuyến nhưng đều không có hiệu quả. Chúng không hề biết rằng tất cả các toán xâm nhập đều nằm trong sự kiểm soát của Công an Việt Nam hoặc bị truy lùng, đánh đuổi ngay khi vừa vào đất ta. - Giai đoạn thứ hai, từ năm 1964 đến 1975 Mặc dù tập trung tối đa cho cuộc chiến tranh GĐBK nhưng tình hình chiến sự ở miền Nam ngày càng xấu đi, những chiến lược chiến tranh Mỹ - ngụy triển khai với nhiều kỳ vọng đều thất bại. Viện trợ của phe XHCN cho Việt Nam vẫn không gián đoạn, miền Bắc ngày càng được củng cố vững chắc. Lực lượng quân sự, vũ khí, khí tài từ miền Bắc được chuyển vào Nam ngày càng nhiều. Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ (MACV) buộc phải xem xét lại kế hoạch tác chiến và đi đến kết luận "gây sức ép đối với miền Bắc" bằng việc "gia tăng hoạt động bí mật đối với Bắc Việt Nam". Ngày 15/1/1964, Tổng thống Johnson phê chuẩn bản kế hoạch OPLAN34A (Kế hoạch 34 ALFA), chọn ra những loại hình hoạt động có hiệu quả nhất để triển khai và giao cho MACV thực hiện với sự trợ giúp của CIA. MACV thành lập đơn vị chuyên trách nghiên cứu và điều hành cuộc chiến tranh GĐBK mang mật danh "Nhóm nghiên cứu và quan sát - SOG", thành lập 3 bộ phận riêng biệt đảm trách từng lĩnh vực hoạt động mang mật danh OP34, OP37, OP39. Từ đây cuộc chiến tranh GĐBK phát triển với quy mô mới, cường độ ngày càng quyết liệt. Đặc biệt, SOG chú trọng hoạt động của Biệt hải, trọng tâm nhằm vào địa bàn các tỉnh duyên hải Khu IV, phá hoại các công trình ven biển, thả hàng tâm lý chiến, bắt cóc ngư dân đưa về "làng miền Bắc" trên đảo Cù Lao Chàm khai thác, giao nhiệm vụ đánh trở lại.

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2010/5/72152.cand