“Cuộc chiến” với giờ học của con

Nhà chị Hiền chỉ có hai vợ chồng với cậu con trai 8 tuổi, nhưng tối nào gia đình chị cũng như có chiến sự bởi tiếng quát tháo của bố mẹ, tiếng thút thít của cậu con. Sự ồn ào diễn ra thường xuyên đến nỗi cả xóm đều biết đó là giờ vợ chồng chị dạy con học bài.

Chị Hiền than thở, chẳng phải chị muốn quát tháo cậu con trai đâu, nhưng quả thật mỗi lần kèm con học là một lần chị thêm stress. Cậu bé cứ học trước quên sau, rồi thì sai tư thế dù mẹ đã liên tục nhắc, chưa kể chốc chốc lại kiếm cớ để kéo dài thời gian thư giãn. “Ban đầu chồng thấy tôi cứ to tiếng với con cũng sốt ruột, góp ý tôi phải kiên nhẫn và nhẹ nhàng. Nhưng sau vài lần kèm con học bố nó còn căng thẳng hơn cả mẹ. Vậy nên cứ tối đến nhà tôi lại náo loạn cả lên”.

Không chỉ vợ chồng chị Hiền mà tâm lý bí bách, bực bội khi dạy con học còn diễn ra ở rất nhiều phụ huynh. Anh Huy, tại khu đô thị Văn Quán, chia sẻ: “Mỗi tối dạy con học là một trận chiến đối với tôi. Tôi luôn cố gắng hướng dẫn tỉ mỉ, thậm chí làm mẫu cho con, nhưng bé vẫn làm sai. Ngay sau khi giảng bài thì cháu hiểu, nhưng sau vài phút hỏi lại cháu lại làm sau, có lúc trả lời đúng nhưng viết vào vở thì sai.

Tôi thường xuyên phát cáu, thậm chí còn đánh con. Biết là không nên nóng giận, nhưng nhiều lần tôi không thể kiềm chế”. Mỗi lần anh Huy dạy con là ông bà nội lại nhấp nhổm, mỗi khi anh cáu, ông bà lại kiếm cớ vào phòng để giúp anh hạ hỏa. Thương con xót cháu nhưng ông bà cũng chẳng biết can thiệp ra sao.

Tương tự, cứ tầm 8 giờ tối cư dân xóm Đình, phường Mai Dịch, thường đùa nhau rằng sắp đến giờ các con “lên chầu”. Bởi trong xóm có mấy gia đình có con học tiểu học. Và như một lịch hẹn trước cứ đúng giờ này là những nhà đó lại vang lên tiếng bố mẹ quát tháo, tiếng con trẻ thút thít, cãi cự. Mấy cụ lớn tiếng bảo “sao giờ bọn trẻ nó khổ thế, có mỗi chuyện học mà cứ như đánh nhau”.

Không chỉ những bé trai mới có sự lơ đễnh, thiếu tập trung mà những tình huống này còn xảy ra với những bé gái. Nhiều phụ huynh đã phải thốt lên rằng việc dạy con học giờ chẳng hề đơn giản và nhẹ nhàng. Điều khiến nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực nhất là sự khác biệt quá xa giữa chương trình học của con với thế hệ của họ. Chính bởi vậy mà nhiều phụ huynh không thể giảng giải nổi cho con những bài học tưởng chừng đơn giản, kể cả những người có học thức cao. Đó cũng là lời lý giải cho chuyện con thường cãi lại sự hướng dẫn của bố mẹ rằng “cô giáo con không dạy thế”.

Theo những chuyên gia tâm lý ngành sư phạm, dạy học là cả một nghệ thuật. Đôi khi bố mẹ có học vấn cao, bằng cấp này nọ cũng không thể dạy con học giỏi. Muốn dạy được đòi hỏi phải có phương pháp, cách diễn đạt, cách dùng từ ngữ và cả thái độ và hiểu tâm lý trẻ cũng rất quan trọng. Chẳng hiếm chuyện ông bà là giáo sư mà cũng không thể giúp đứa trẻ lớp 3 hiểu nổi một bài toán phổ thông.

Hơn nữa, không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng tiếp thu kiến thức nhanh chóng. Có trẻ bản tính thông minh láu lỉnh, nhưng lại khó học, có trẻ lại tiếp thu rất chậm, đòi hỏi phải có thời gian mới hiểu được.
Cô Hoàng Bích Ngọc, giáo viên trường tiểu học, cho biết kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm qua cho thấy nhiều trẻ gặp khó khăn về tư duy trừu tượng, tức là trẻ chỉ tiếp thu dễ dàng khi nhìn thấy trực tiếp, qua các giáo cụ trực quan. Có trẻ lại bị chi phối về tâm lý. Với những trẻ bị đặt nặng trách nhiệm học hành, điểm số, hay không tìm thấy niềm vui trong những giờ trên lớp thì chúng rất sợ học, lo lắng và chán nản. Với những trường hợp như vậy thì trẻ không thể tiếp thu, phụ huynh và cô giáo cần tìm hiểu kỹ để làm tâm lý tốt cho trẻ, tạo một môi trường thân thiện và mới lạ, lôi cuốn trẻ có hứng thú tìm hiểu, học hỏi.

Theo các chuyên viên tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục, thái độ của người dậy cũng rất quan trọng. Khi hướng dẫn trẻ học, người lớn thường đứng từ góc nhìn của người đã biết mọi thứ, lấy góc nhìn của mình làm chuẩn, nên khi giảng giải nhiều lần mà trẻ không hiểu là dễ nổi cáu, lớn tiếng quát mắng. Chính điều này khiến trẻ càng thêm căng thẳng, lo sợ và không thể tiếp thu. Chúng sẽ không còn khả năng tập trung và xử lý bài tập. Và khi đó, phụ huynh càng giảng bài chúng càng không hiểu bài. Tình huống này lặp lại nhiều lần khiến việc học trở thành nỗi ám ảnh đối với trẻ, không ít trẻ đã rơi vào tình trạng trầm cảm, tự kỷ hoặc cố tình “giấu dốt”.

Lời khuyên cho phụ huynh lúc này là kiềm chế cảm xúc, biết kiên nhẫn. Để xóa bỏ sự nóng giận thì có thể im lặng, và giải tỏa bằng một hành động nào đó không liên quan đến trẻ như rửa mặt, uống nước hay ra ngoài hít khí trời vài phút… Đặc biệt, khi tâm trạng không vui, không thoải mái thì đừng trực tiếp dạy con. Và quan trọng hơn cả, bạn phải hiểu rõ tính cách, cũng như khả năng của con mình để có phương pháp tiếp cận hợp lý nhất.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà giáo đều có chung quan điểm rằng phụ huynh nên khuyến khích và tìm cách tạo cho trẻ hứng thú học và phụ huynh cũng nên học cùng con. Có như vậy mọi “mâu thuẫn” trong cuộc chiến “học hành’ giữa cha mẹ và con cái sẽ nhanh chóng được xóa bỏ.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/%e2%80%9ccuoc-chien%e2%80%9d-voi-gio-hoc-cua-con