Cuộc chiến Syria tiết lộ gì về trật tự thế giới?

Cuộc chiến Syria dường như không có hồi kết và là hậu quả của một chuỗi những sự kiện “tồi tệ” của lịch sử.

Syria là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, dù đã giành độc lập từ Pháp năm 1946 nhưng người dân luôn phải sống trong một đất nước với những bất ổn liên miên do xung đột lợi ích của nhiều tổ chức.

(Ảnh: Reuters)

Nội chiến Syria bắt đầu nổ ra từ năm 2011, khi phong trào Mùa xuân Ả Rập tại Ai Cập, Tunisia và Libya truyền cảm hứng cho những phong trào biểu tình chống chính phủ tại Syria bùng nổ. Những nhóm đối lập hình thành phe phái chính trị và quân sự để chống chính quyền, gây căng thẳng giữa hai phe, tạo thành cuộc nội chiến.

Tới năm 2014, một nhóm cực đoan tự xưng là Nhà nước Hồi giáo IS nổi dậy và tiến hành những hoạt động khủng bố cực đoan, chúng nhanh chóng chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq và lan sang Syria, khiến cuộc nội chiến càng thêm rối ren.

Tới tháng 9/2014, Mỹ, Anh và một số đồng minh thành lập liên quân tiến hành không kích nhằm diệt IS ở Iraq và Syria. Sau đó, tháng 9/2015, Nga tham gia không kích tại Syria. Mâu thuẫn quan điểm giữa Nga và Mỹ về chế độ Assad và mục tiêu, lợi ích của mỗi bên trong cuộc chiến đang chi phối và khiến tình hình Syria ngày càng rối ren.

Mỹ các các đồng minh phương Tây muốn phá hủy cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS và lật đổ chế độ Assad, đưa phe dân chủ đối lập lên nắm quyền.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng về lượng người nhập cư khổng lồ từ Syria vào và lực lượng người Kurd có vẻ mâu thuẫn tư tưởng với phong trào Sunni.

Với Iran và Saudi Arabia, Syria là mặt trận mới mà hai quốc gia này phải giành giật để trở thành siêu cường trong khu vực, có thể thấy rõ điều đó qua các cuộc xung đột phe phái ở nhiều quốc gia xung quanh, nơi Hồi giáo Sunni và Shia ngày càng hiếu chiến và gay gắt hơn.

Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất vẫn dành cho nước Nga. Chiến trường Syria là cơ hội tuyệt vời đưa nước Nga trở lại chính trường quốc tế trong bối cảnh Moscow bị cô lập và trừng phạt bởi phương Tây do những mâu thuẫn liên quan tới vấn đề Ukraine.

Người ta vẫn thường tranh cãi về điều mà Putin thực sự muốn ở Syria. Một số cho rằng ông muốn một cảng nước ấm, số khác nói rằng Putin không muốn mất một đồng minh, và những người còn lại khẳng định rằng ông muốn đánh bại một cuộc cách mạng “màu sắc”, hay đánh bóng hình ảnh của ông tại quê nhà.

Hiểu Nga sẽ hiểu được tình hình Syria. (Ảnh: Getty)

Thông qua cuộc chiến tại Syria, Nga muốn phát đi thông điệp rằng Kremlin kiên định với mục tiêu chống IS, trái với Mỹ và đồng minh phương Tây. Rõ ràng, can thiệp quân sự vào cuộc chiến Syria đang giúp Nga thể hiện sức mạnh trên bản đồ chính trị thế giới.

Với Washington, cuộc chiến Syria khiến Mỹ phải thay đổi vị thế và chiến lược chính sách đối ngoại. Mỹ phải đối mặt với đối thủ mới nổi là Trung Quốc nên cần phải thay đổi chiến lược, xoay trục sang châu Á, từ chối tiến hành cuộc chiến tại Trung Quốc, nơi Mỹ đã sa lầy trong thời gian dài. Để kiềm chế Bắc Kinh, một đối thủ mạnh, Washington buộc phải duy trì quan hệ ôn hòa hơn với Moscow.

Cuộc chiến Syria cho thấy Mỹ đã không còn hứng thú với Trung Đông cũng như sự tự tin của một “cảnh sát trưởng” trong trật tự thế giới, đồng thời cho thấy sự hình thành của một thế giới với trật tự đa cực hơn.

Còn với châu Âu, cuộc chiến Syria đẩy các đồng minh thân cận vào những mâu thuẫn nội bộ về vấn đề sử dụng vũ lực và hợp thức hóa can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này.

Hậu quả của cuộc chiến xảy ra với châu Âu chỉ sau 2 năm, một cuộc di cư tồi tệ nhất trong lịch sử đã xảy ra khi người dân Syria vượt biên, vượt biển tìm đường tới châu Âu để mong muốn có một cuộc sống mới. Trong khi đó, nhiều người châu Âu, đặc biệt là thanh niên, đã bị cực đoan hóa tư tưởng và gia nhập đội ngũ những kẻ khủng bố của IS đặt ra thách thức cho các quốc gia này.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cuoc-chien-syria-tiet-lo-gi-ve-trat-tu-the-gioi-a301370.html