Cuộc chiến nhân lực ngành CNTT: Người thiếu, chuyên môn lại yếu, Kỳ 1: Nhu cầu tăng, nhân lực nhỏ giọt

Cách mạng công nghiệp 4.0 lặng lẽ thâm nhập vào đời sống xã hội đến mức tưởng như đó là điều tự nhiên. Thế nhưng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ có thể tụt lại phía sau nếu không thể đáp ứng được nguồn lực để hòa mình vào guồng quay công nghệ.

Ngành CNTT đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: P.V

Chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu

Hầu như mọi hoạt động từ giao thông, sản xuất, y tế, an ninh… đều dần sử dụng công nghệ thay thế sức người. Nhưng, để đạt hiệu quả tối đa thì con người mới là yếu tố cốt lõi mang đến thành công. Một khảo sát của Vietnamworks đối với nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2013 - 2016, nhu cầu tuyển dụng tăng 2,5 lần. Xu hướng từ nay cho tới 2020 sẽ tiếp tục tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự khối ngành CNTT, tình trạng khan hiếm nhân sự sẽ diễn ra khốc liệt hơn hiện tại. Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM Trần Anh Tuấn cho rằng: “CNTT là nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tại TPHCM hiện nay, và trong tương lai sẽ là ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất” do nhu cầu phát triển xã hội như giao thông thông minh, an ninh mạng, các nhu cầu lập trình hoặc thiết kế 3D...

Tuy nhiên, một thực tế là sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường thường không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp CNTT, khiến tình trạng khan hiếm nhân lực vốn đã thiếu người lại càng thiếu hơn bởi phải dành nhiều nguồn lực để chọn lọc hoặc đào tào lại. Cụ thể, dự tính nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 là khoảng 400.000 người, trong khi toàn bộ hệ thống cung cấp nhân lực về CNTT trên cả nước chỉ có khả năng đáp ứng quá nửa con số ấy. Sự thiếu hụt nhân sự không chỉ khiến doanh nghiệp loay hoay trong việc triển khai phát triển, mà còn dẫn tới tình trạng bất ổn định trên thị trường lao động bởi sự giành giật nhân sự một cách âm thầm giữa các doanh nghiệp. Sự bất ổn định đó nếu tiếp tục không được xử lý ổn thỏa có thể tiếp tục làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software nhận định, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội cạnh tranh sòng phẳng trong sân chơi CNTT toàn cầu, nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Việt Nam cần mở rộng quy mô đào tạo kỹ sư CNTT từ nay đến năm 2020 lên gấp 3 lần mới có thể đáp ứng về số lượng.

Dốt ngoại ngữ, kém năng lực

Để đối phó với thực trạng khan hiếm nguồn lực, một số doanh nghiệp CNTT đầu đàn đã xây dựng chính sách đào tạo nguồn lực tại chỗ. Ví dụ như FPT đã đầu tư Đại học FPT, nhưng vẫn không đủ phục vụ bởi theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT thì “ mỗi năm nhu cầu của FPT cần tuyển tới 5.000 người” .

Cách đây không lâu, Viettel cũng tha thiết xin tiếp nhận Học viện Bưu chính - Viễn Thông để giải quyết bài toán nhân sự của mình. Tuy việc xin tiếp nhận không được như mong muốn, nhưng theo kế hoạch đến 2020, Viettel sẽ mở rộng kinh doanh tới 20 quốc gia trên thế giới. Như vậy, nhu cầu nhân lực của Viettel sẽ tăng lên gấp bội. Thế nhưng, chất lượng kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ của sinh viên ngành CNTT mới ra trường lại rất hạn chế. Bởi vậy, việc tuyển kỹ sư CNTT làm chuyên gia đi triển khai dự án ở nước ngoài càng khó khăn hơn nhiều.

Theo PGS. TS Trần Quang Anh - Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn Thông thì “điểm yếu nhất của sinh viên ngành CNTT khi tốt nghiệp ra trường không phải là chuyên môn mà chính là vấn đề ngoại ngữ. Năng lực ngoại ngữ kém trở thành rào cản hạn chế cơ hội các em tiếp cận với thị trường tuyển dụng đa dạng trong nước, và thị trường nhân sự chất lượng cao của doanh nghiệp quốc tế. Đồng thời, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thế giới, thiếu ngoại ngữ sẽ biến các bạn trẻ trở thành thợ thủ công, làm việc theo kinh nghiệm bởi không thể tiếp cận và học hỏi được những thay đổi, tiến bộ mới của thế giới. Như vậy là các bạn đã tự đào thải mình khỏi chính môi trường chuyên môn được đào tạo. Còn về chuyên môn nghiệp vụ, thực tế các doanh nghiệp thường phải đào tạo nhân sự mới khoảng 3 tháng đến 1 năm vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan là do cá nhân nhân sự đó thiếu năng động, ít va chạm dẫn tới khi tham gia công việc còn nhiều ngỡ ngàng. Khách quan là do hệ thống đào tạo của chúng ta chưa xây dựng đủ các kỹ năng để một sinh viên ra trường có thể trở thành thợ lành nghề ngay”.

Trước thực tế khan hiếm nguồn cung, thị trường lao động ngành CNTT đang có nguy cơ rối loạn bởi sự giành giật nhân sự của các doanh nghiệp và tâm lý làm việc thiếu tính ổn định của người lao động. Vậy các doanh nghiệp CNTT sẽ sử dụng những chiêu thức nào để giành giật nhân tài? Lời giải cho bài toán nhân sự càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết!

Theo dự báo của Vietnamworks, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ được các trường cho “ra lò” trong hai năm, 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT. Việt Nam sẽ cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành CNTT vào năm 2020. Nhưng nhiều khả năng số nhân lực thiếu hụt lên tới 500.000 người.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-nghe/cuoc-chien-nhan-luc-nganh-cntt-nguoi-thieu-chuyen-mon-lai-yeu-ky-1-nhu-cau-tang-nhan-luc-nho-giot-677780.bld