'Cuộc chiến' mới sau quyết định sa thải Giám đốc FBI

Cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Giêm Cô-mi (James Comey) đã đồng ý ra điều trần công khai trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Phiên điều trần này rất được chờ đợi bởi có thể nó sẽ giúp giải đáp những thắc mắc, hoài nghi của dư luận trong và ngoài nước Mỹ những ngày qua.

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Ri-chắc Bơ (Richard Burr), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cho biết, ủy ban này mong muốn được lắng nghe điều trần của cựu Giám đốc FBI về vai trò của ông trong những đánh giá của cộng đồng tình báo liên quan đến khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Đồng thời, ông Ri-chắc Bơ cũng bày tỏ hy vọng rằng, cựu Giám đốc FBI Giêm Cô-mi sẽ làm rõ với người dân Mỹ về những sự kiện gần đây mà truyền thông đưa tin rộng rãi.

Cựu Giám đốc FBI Giêm Cô-mi chuẩn bị có phiên điều trần quan trọng. Ảnh: Washington Times

Được biết, phiên điều trần công khai đối với ông Giêm Cô-mi dự kiến sẽ được tổ chức sau ngày 29-5. Thượng nghị sĩ Mác Oan-nơ (Mark Warner), quan chức cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, bày tỏ hy vọng rằng, phiên điều trần sẽ làm sáng tỏ những nghi vấn xung quanh việc ông Giêm Cô-mi bị sa thải.

Ngày 9-5 vừa qua, Giám đốc FBI Giêm Cô-mi đã bất ngờ bị Tổng thống Đô-nan Trăm sa thải trong bối cảnh ông này đang phụ trách cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng như một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chỉ trích quyết định trên, coi việc sa thải ông Giêm Cô-mi là một đòn tấn công vào cuộc điều tra của FBI, đồng thời yêu cầu chuyển cuộc điều tra này sang một ủy ban hoặc ủy viên công tố độc lập. Lãnh đạo phe thiểu số Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chắc Xchu-mơ (Chuck Schumer) nói với hãng tin Reuters: “Tại sao nó lại xảy ra vào lúc này? Chúng ta biết FBI đang điều tra xem liệu chiến dịch tranh cử của ông Đô-nan Trăm có liên hệ với Nga hay không. Có phải với tổng thống, các cuộc điều tra này đang tiến quá gần tới đích?”.

Những ngày qua, các nghị sĩ Đảng Dân chủ tiếp tục gây sức ép đối với Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm liên quan tới quyết định sa thải Giám đốc Giêm Cô-mi.

Ngoài ra, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu cựu Giám đốc FBI ra điều trần công khai sau khi xuất hiện một bản ghi nhớ có nội dung Tổng thống Đô-nan Trăm đề nghị ông Giêm Cô-mi ngừng cuộc điều tra về mối quan hệ giữa cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mai-cơn Phlin (Michael Flynn) với Nga. Các nghị sĩ nói trên cũng yêu cầu ông Đô-nan Trăm phải công khai toàn bộ những bản ghi âm bí mật các cuộc đối thoại giữa hai người. Theo tiết lộ của truyền thông Mỹ, bản ghi nhớ này do chính cựu Giám đốc FBI Giêm Cô-mi ghi lại ngay sau cuộc gặp với ông Đô-nan Trăm tại Phòng Bầu dục, một ngày sau khi ông Mai-cơn Phlin từ chức vì các cáo buộc liên lạc với Nga. Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ đã bác bỏ những thông tin này.

Một trong những điều dư luận băn khoăn nhất hiện nay là số phận cuộc điều tra liên quan đến sự can thiệp của Nga sẽ đi về đâu nếu FBI có giám đốc mới. Để trả lời cho câu hỏi này, tờ Politico dẫn lời bà A-sa Ran-ga-pa (Asha Rangappa), Phó hiệu trưởng Trường Luật Yale, từng là nhân viên đặc biệt tại Đơn vị Phản gián thuộc FBI cho rằng, trong trường hợp FBI có tân giám đốc thì cuộc điều tra về Nga sẽ không bị hủy bỏ. Theo bà A-sa Ran-ga-pa, cho dù là với mục đích gì thì một nhà lãnh đạo cũng không thể hủy bỏ quá trình điều tra đang được tiến hành, nhất là một cuộc điều tra được dư luận và Quốc hội theo dõi sát sao như vậy. Ở thời điểm hiện nay, các cuộc điều tra về Nga đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của giới chức và người đứng đầu FBI. Cuộc điều tra liên quan đến vai trò của Nga có sự tham gia của hàng trăm nhân viên tại khắp các văn phòng của FBI trên cả nước và vụ việc chưa thể kết thúc nếu họ chưa hoàn tất phần việc của mình.

Bên cạnh đó, bà A-sa Ran-ga-pa cho rằng, FBI là một cơ quan hành pháp và cơ quan này luôn bảo mật các hồ sơ của mình một cách nghiêm ngặt. Bởi vậy, tất cả các tài liệu chính thức tại văn phòng của ông Giêm Cô-mi liên quan đến cuộc điều tra về mối liên hệ của Nga, chẳng hạn như các bản ghi nhớ quá trình điều tra, các kết luận, những quyết định liên quan và nội dung liên lạc với những quan chức khác về vụ việc này, đều sẽ được coi là hồ sơ lưu trữ. Các tài liệu điều tra của FBI là tài sản của Bộ Tư pháp và vì chúng thuộc về vấn đề pháp lý nên dù ông Giêm Cô-mi có bị sa thải thì các tài liệu này vẫn sẽ không bị tiêu hủy.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-chien-moi-sau-quyet-dinh-sa-thai-giam-doc-fbi-507904