Cuộc chiến không người thắng cuộc Suy thoái đa dạng sinh học tại Hải Dương đang ở mức báo động Bé gái 3 tuổi tử vong nghi bị ngã ở cơ sở mầm non tư thục FLC ra mắt Quỹ học bổng đồng hành cùng sinh viên tài năng Hà Nội: Cả gan vào siêu thị chào bán hàng gi

Liệu chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ có thể giải quyết được những bất đồng quan điểm giữa hai nước liên quan tới vấn đề kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump, trong quá trình vận động tranh cử, đã chỉ rõ Trung Quốc là nước lấy đi việc làm của Mỹ và cần có biện pháp mạnh tay với hàng hóa từ nước này.

Đầu tháng tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lần đầu tiên đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng đầy nắng và gió Mar-a-Lago, bang Florida. Tại đây, hai nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới có thể đắm mình trong không gian yên tĩnh và cảnh sắc bình yên tại khu resort của gia đình ông Trump.

Đầu tháng tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lần đầu tiên đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: internet

Địa điểm để đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình đã được lựa chọn kỹ càng vì đây giống như một cuộc gặp gỡ không chính thức hơn là một cuộc họp cấp quốc gia tại Nhà Trắng. Bởi, theo giới phân tích, không dễ gì có thể đưa ra được giải pháp cho những bất đồng giữa hai nước, trong đó có vấn đề kinh tế.

Có khả thi?

Cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson đã có chuyến thăm tới Trung Quốc. Tại buổi họp báo sau đó, theo tường thuật của các hãng tin quốc tế, những vấn đề gai góc, trong đó có kinh tế, có vẻ được các nhà lãnh đạo hai nước gác sang một bên.

Trước đó, khi còn đang vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế dao động từ 10% đến 45% do thâm hụt thương mại nghiêm trọng với quốc gia này. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, động thái này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, liệu ông Trump có thể làm được việc này và làm bằng cách nào? Tờ National Law Review phân tích, Mỹ và Trung Quốc là hai trong số 164 thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được lập ra năm 1995 với mục đích ngăn chặn các cuộc chiến tranh thương mại.

Tất cả các thành viên đều phải thực hiện quy tắc tối huệ quốc, nghĩa là không được phân biệt đối xử giữa các thành viên trong WTO thông qua việc đánh thuế, trừ những trường hợp rất hãn hữu. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump vẫn có thể áp thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc nếu họ thấy rằng Trung Quốc trợ giá xuất khẩu hoặc hàng hóa của Trung Quốc ồ ạt đổ vào Mỹ làm ảnh hưởng tới các ngành sản xuất của nước này.

Song, theo quy định WTO, để thực hiện được điều trên, chính quyền của ông Trump sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể áp thuế được. Hoặc, nếu muốn áp thuế nhanh hơn, Mỹ có thể đơn phương rút lui khỏi tổ chức này.

Ông Robert Lighthizer, người vừa được ông Trump bổ nhiệm làm Đại diện thương mại Mỹ, từng ám chỉ rằng, Trung Quốc đã thao túng tiền tệ và là nguyên nhân chính lấy đi việc làm của người dân Mỹ. Ông này cũng cho hay Mỹ sẽ phải có những biện pháp cứng rắn với mối đe dọa mang tên Trung Quốc bằng việc có nhiều biện pháp mới vượt ra ngoài khuôn khổ của WTO.

Trong khi đó, phía Trung Quốc lại không muốn vậy. Tại buổi họp báo diễn ra mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho hay: “Chúng tôi không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ. Điều này sẽ không làm thương mại giữa hai nước công bằng hơn”. Đồng thời, phía Trung Quốc cũng cho rằng, nếu chiến tranh thương mại xảy ra thì các công ty lớn của Mỹ mới chịu phần thiệt thòi.

Không có người thắng cuộc

Thực tế, rất nhiều công ty lớn của Mỹ đầu tư tại Trung Quốc sẽ chịu cú sốc lớn khi Mỹ áp thuế biên giới và thuế nhập khẩu vào hàng hóa Trung Quốc như Apple chẳng hạn. Điều này là đúng trong bối cảnh các công ty lớn trong ngành điện tử, dệt may của Mỹ đều phụ thuộc một phần hoặc hoàn toàn vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Nhưng khi áp thuế quá cao, các công ty này dễ dàng tìm sự “thay thế” ở các thị trường khác có chi phí lao động rẻ hơn như Thái Lan, Mexico và cả Việt Nam. Thực tế, chi phí lao động của Trung Quốc đã tăng lên chóng mặt trong những năm gần đây ở mức tiệm cận với chi phí lao động tại một số nước châu Âu khiến nhiều công ty Mỹ đã chuyển hoạt động của mình sang nước khác. Việc áp thuế nhập khẩu vào hàng hóa của Trung Quốc sẽ chỉ làm cho xu hướng này trở nên rõ ràng hơn.

Ngược lại, các công ty của Trung Quốc lại không có được sự “linh hoạt” như các công ty Mỹ khi họ khó có thể tìm được nguồn cung lớn nông sản chất lượng như ngũ cốc hay các sản phẩm công nghệ tiên tiến. Daniel Rosen, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu Rhodium Group nói: “Trung Quốc không dễ gì tìm kiếm được các bộ phận của máy bay Boeing từ các nước khác”. Do đó, các công ty của Mỹ sẽ thích ứng nhanh hơn so với các công ty Trung Quốc khi chiến tranh thương mại xảy ra.

Trung Quốc cũng đang ở thế yếu khi nước này liên tục xuất siêu sang Mỹ, đạt gần 366 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015, tăng 6,6% so với năm trước đó. Do đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này khó có những biện pháp trả đũa đủ gây tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ.

Song, công bằng mà nói, Mỹ cũng cần tới Trung Quốc do sự đan xen trong chuỗi sản xuất giữa hai quốc gia. Trung Quốc đã vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ từ vị trí thứ 11 trong 100 năm qua. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tạo ra khoảng 1,8 triệu việc làm cho công dân Mỹ, theo một báo cáo kinh tế của Oxford xuất bản tháng 1-2017. Mỹ cũng được hưởng lợi từ nguồn hàng giá rẻ của Trung Quốc. Theo đó, mỗi gia đình Mỹ tiết kiệm được 850 đô la Mỹ mỗi năm nhờ nguồn hàng giá rẻ này.

Ngành dịch vụ của Mỹ, lĩnh vực có thặng dư thương mại lên tới 30 tỉ đô la Mỹ với Trung Quốc năm 2015, cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu cuộc chiến thương mại xảy ra. Trong trường hợp này, nếu Trung Quốc hạn chế sinh viên và khách du lịch tới Mỹ thì doanh thu của ngành dịch vụ sẽ không được như kỳ vọng. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho hay, sẽ không có người thắng cuộc thực sự.

Tới nay, vấn đề gì sẽ được đưa vào bàn đàm phán giữa hai quốc gia vẫn chưa chắc chắn, nhưng có một điều chắc chắn rằng việc đưa ra giải pháp cho những vấn đề nan giải trên sẽ thực sự khó khăn cho cả hai quốc gia.

Nguồn TBKTSG

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/cuoc-chien-khong-nguoi-thang-cuoc_n20627.html