Cuộc chiến không khoan nhượng

Cuộc chiến thị phần của các CTCK đang bước vào giai đoạn cực kỳ khốc liệt, mà ở đó các đối thủ đang trở nên cân tài cân sức, sẵn sàng tấn công trực diện vào thế mạnh của nhau và chênh lệch tạm gọi là lớn/nhỏ đang ngày càng thu hẹp.

Đua nhau mảng khách hàng tổ chức

Từ cuối năm 2013 đến nay, trong top 10 thị phần xuất hiện CTCK BIDV-BSC, cái tên không hề xa lạ với dân chứng khoán kỳ cựu. BSC đang bước vào năm thứ 15 hoạt động (thành lập năm 1999), đã từng là “ông lớn” cho đến hết giai đoạn hoàng kim 2006-2007 rồi chùng xuống và chỉ thức giấc từ năm 2011 khi quyết định niêm yết CP tại HOSE.

Trong 2 năm qua, BSC thay đổi, tuyển mới đội ngũ nhân sự và hoạt động rất tích cực. Gần đây BSC cùng Vinatex đứng ra tổ chức các buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào Vinatex. Chừng đó cũng quá đủ để BSC tái khẳng định vị thế của mình trên TTCK.

Và nếu thời gian tới CTCK này có tham gia thêm một đợt cổ phần hóa và IPO tầm cỡ như Vinatex, các CTCK khác sẽ phải dè chừng. Kỳ vọng này đã phần nào được thể hiện thông qua giá CP của BSC (mã BSI) trên sàn trong thời gian qua đã có lúc tăng từ dưới 5.000 đồng/CP lên tiệm cận 8.000 đồng/CP.

Mới đây, CTCK VN Direct (VND) đã tổ chức một tour gặp gỡ các doanh nghiệp niêm yết dành cho NĐT tổ chức, một tín hiệu rất đáng chú ý. Từ trước đến nay, nói đến khách hàng tổ chức, nhiều người sẽ nghĩ đến những cái tên như HSC, SSI và một số CTCK lớn khác. Nay có vẻ VND, vốn đã có thị phần lớn từ khách hàng cá nhân, cũng muốn tham gia mạnh ở mảng khách hàng tổ chức.

Ngoài ra có thể kể đến một số trường hợp khác cũng đẩy mạnh tham gia thị phần khá “khó tính” này như Maybank KimEng hay VPBS. Một chi tiết đáng lưu ý là tour gặp gỡ doanh nghiệp không phải là sản phẩm mới lạ mà CTCK dành cho khách hàng tổ chức và điều này dẫn đến 2 khả năng: Nếu VND hay đơn vị khác sử dụng sản phẩm này làm tốt hơn, chẳng hạn dẫn được NĐT đi gặp những doanh nghiệp tiềm năng, hoặc họ muốn gặp và đầu tư hiệu quả áp lực dành cho các CTCK khác không nhỏ.

Mặt khác, có thể vì ngày càng nhiều CTCK tham gia mảng khách hàng tổ chức, nên các CTCK đi trước phải tiếp tục có những giải pháp, sản phẩm, dịch vụ tốt hơn để đảm bảo lợi thế cạnh tranh của mình. Tất cả tạo nên một chu trình cạnh tranh - tự nâng cấp, củng cố và dẫn đến dịch vụ dành cho khách hàng, cho TTCK tốt hơn. Ai cũng biết càng nhiều NĐT tổ chức quan tâm và tham gia TTCK thanh khoản càng gia tăng và điều đó có lợi cho tất cả.

NĐT hưởng lợi

Bảng xếp hạng thị phần tại HNX mới đây xuất hiện một cái tên gây ngạc nhiên: CTCK Đại Dương (OCS). Thực ra OCS đã xuất hiện từ khá lâu trên thị trường nhưng hoạt động không có nhiều điểm nổi trội. Ngay cả lúc này khi OCS đã vào top 10 không phải ai cũng ấn tượng với cái tên này. Nhưng điều đó có khi không quan trọng vì CTCK có thể bằng nhiều cách khác nhau chen chân được vào top 10, rồi từ đó định hình tên tuổi của mình.

Với trường hợp của OCS có thể thấy được một số vấn đề: Có thể “cửa” để các CTCK lọt vào top 10 không khó, tức chỉ cần thực sự nỗ lực đẩy doanh số, trong điều kiện thị trường thuận lợi là có thể đạt mục tiêu. Nhưng điều quan trọng là khả năng trụ lại được top 10 như thế nào, bởi những năm qua các CTCK lọt vào top 10 đợt này rồi lại “out” đợt sau đó không phải hiếm.

Ở đây cần nói đến một nguyên nhân giúp các CTCK dễ vào top 10 hơn. Đó là thị phần đang tiếp tục hút vào một vài ông lớn, nên chênh lệch giữa các nhóm ở dưới trở nên cân bằng hơn và cơ hội để vượt lên cũng nhiều hơn. Nhưng ở đây cũng cho thấy sự khốc liệt khi các CTCK nếu đã vượt qua được các đối thủ vừa tầm với mình sẽ phải tìm cách để chinh phục được tốp trên.

CTCK Đông Á (DAS) đã có chục năm hoạt động. Vào giai đoạn từ năm 2007 trở về trước, DAS dù có những lợi thế và cả vị thế trong hoạt động, nhưng chưa để lại một dấu ấn thật sự nào về thế mạnh của công ty. Nhưng khoảng 3 năm nay, DAS đã âm thầm tái cấu trúc hoạt động và đang có những bước tiến khá vững chắc.

Một lợi thế rất đáng chú ý của DAS nằm ở hệ thống giao dịch trực tuyến của công ty đang nằm trong nhóm những hệ thống có sự tương tác, thuận lợi cho khách hàng nhất. Với lợi thế có ngân hàng mẹ đứng sau (Ngân hàng Đông Á), DAS có thể xử lý các thao tác như chuyển tiền từ tài khoản chứng khoán sang thẻ ATM, ứng tiền trực tuyến, margin rất nhanh chóng và hệ thống giao dịch khá nhiều tiện ích, dễ sử dụng.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH

Mặt khác, theo như các nhân viên môi giới nhận xét, DAS cũng là một trong những CTCK có chế độ cho môi giới, chẳng hạn như hoa hồng, vào loại tốt. Thông qua trường hợp của DAS có thể thấy chiến lược các CTCK theo đuổi để đẩy mạnh thị phần và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình. Trong chừng mực nào đó, các yếu tố như chiến lược, đột phá chưa nhiều, ăn thua nằm ở sự bền bỉ, khả năng theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình.

Điều cũng đáng chú ý là ngoài DAS hay BSC vẫn còn nhiều CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau, có những lợi thế đặc biệt, chỉ cần quyết tâm chạy, sau một thời gian sự khởi sắc sẽ được chứng tỏ. Càng nhiều CTCK hoạt động tích cực, NĐT càng có nhiều tiện ích và chất lượng dịch vụ của TTCK ngày càng được nâng cao.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140705/cuoc-chien-khong-khoan-nhuong.aspx