Cuộc chiến giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống

Là loại hình kinh doanh không chịu sự quản lý của cơ quan nào nên mức tăng giá của xe ôm truyền thống thường vô tội vạ. Ngược lại, khách hàng đi xe ôm công nghệ hầu như sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá xăng. Chính vì thế, loại hình này đã đánh bật xe ôm truyền thống ngay từ khi xuất hiện.

Ngay từ khi xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… loại hình xe ôm công nghệ như Grabbike, Ubermoto gần như đã đánh bại xe ôm truyền thống, chiếm lĩnh được hầu hết sự lựa chọn của khách hàng khi có nhu cầu di chuyển bằng xe ôm nhờ áp dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là sự chênh lệch về giá cả.

Tuy nhiên, cũng chính điều này đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ dẫn đến những vụ việc xô xát, ẩu đả, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Hút khách do chênh lệch về giá

Hiện nay, trên hầu khắp các tuyến đường của Thủ đô Hà Nội, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh một chiếc xe ôm Grab (Grabbike) đang hoạt động nhờ vào màu xanh của chiếc mũ bảo hiểm và áo đồng phục của lái xe.

Tại các khu vực như bến xe, nhà ga, cổng trường học… xe ôm công nghệ tập trung khá đông chờ đón khách. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh với phần mềm của hãng vận tải như phần mềm Grab, Uber có sẵn, qua một vài thao tác đơn giản là khách hàng đã có thể đặt được một “cuốc” xe ôm công nghệ với đầy đủ các thông tin liên quan: Điểm đón, điểm đến, giá cước, tên lái xe, biển số xe, nhãn hiệu xe…

Ngày càng có nhiều người lựa chọn xe ôm công nghệ.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất cũng là yếu tố quyết định khiến khách hàng từ bỏ xe ôm truyền thống để lựa chọn xe ôm công nghệ chính là sự chênh lệch về giá. Đối với cùng một đoạn đường thì giá của một “cuốc” công nghệ thường rẻ hơn một nửa so với xe ôm truyền thống. Đặc biệt, nếu như cứ mỗi lần giá xăng tăng cao, xe ôm truyền thống cũng đồng loạt tăng giá theo.

Là loại hình kinh doanh không chịu sự quản lý của cơ quan nào nên mức tăng giá của xe ôm truyền thống thường vô tội vạ. Ngược lại, khách hàng đi xe ôm công nghệ hầu như sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá xăng. Chính vì thế, loại hình này đã đánh bật xe ôm truyền thống ngay từ khi xuất hiện.

Chị Phạm Thị Huyền, nhà ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Con tôi hàng ngày đi học bằng xe ôm từ nhà đến Trường THCS Thăng Long khoảng hơn 8km, nếu đi xe ôm truyền thống thì phải mất 70.000 đồng, nhưng cháu đi Grabbike chỉ hết khoảng gần 30.000 đồng. Rất may là có Grabbike, nếu không thì khoản chi phí đi lại của cháu rất tốn kém”.

Là người thường xuyên di chuyển bằng xe ôm, chị Thanh Hằng, đường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Ngay từ khi Grabbike xuất hiện, tôi đã không còn đi xe ôm truyền thống nữa. Bởi lẽ, trong khi xe ôm truyền thống thường “hét giá cao rồi còn kì kèo giá cả, thái độ nhiều khi thiếu lịch sự thì đối với Grabbike, tôi được biết trước giá và giá lại rẻ hơn rất nhiều, cung cách phục vụ lịch sự hơn”.

Cạnh tranh khốc liệt

Là một trong 2 hãng xe ôm công nghệ, Grabike được triển khai tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 11-2014 và có mặt ở Thủ đô Hà Nội vào tháng 5-2015. Đến nay sau 2 năm có mặt, có thể nhận thấy, lượng khách ở Thủ đô Hà Nội sử dụng Grabbike đã tăng cao. Ngày càng nhiều người biết đến loại hình xe ôm này để sử dụng.

Ưu điểm của Grabbike là biết trước giá – giá cước hiển thị rõ ràng trên ứng dụng nên khách không lo về bắt chẹt giá, chỉ việc trả đúng số tiền và an tâm thực hiện chuyến đi. Garbbike dễ sử dụng, biết rõ thông tin tài xế, có thể đánh giá tài xế để góp phần cải thiện dịch vụ.

Tuy nhiên, với mức giá thấp hơn so với xe ôm truyền thống nên khi loại hình này ra đời đã nhận được sự phản ứng của nhiều tài xế truyền thống. Những người hành nghề xe ôm truyền thống cho rằng, Grabbike phá giá xe ôm hiện nay, “cướp” miếng cơm của họ khiến cho xe ôm truyền thống mất một lượng lớn khách hàng.

Theo đại diện của Công ty TNHH Garbtaxi thì xe ôm truyền thống thường hoạt động theo nhóm, theo bến bãi, nên họ nghĩ rằng đó là bến bãi riêng, là địa bàn của họ nên khi Grabbike vào đón khách là bị chửi mắng, đuổi đánh.

Theo ghi nhận của đơn vị này, tính đến nay đã có hơn 100 vụ tài xế Grabbike bị hành hung, trong đó chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay là gần 50 vụ. Gần đây nhất có thể kể đến chính là vụ “hỗn chiến” giữa xe ôm truyền thống và Grabbike trước cổng Bến xe Miền Tây tại TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 19-6.

Làm thế nào để tránh xảy ra các vụ va chạm, hành hung của xe ôm truyền thống với các Grabbike, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc truyền thông của Grab Việt Nam cho biết: “Bắt đầu khi tài xế tham gia huấn luyện đầu vào chúng tôi đã trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó trong trường hợp bị hành hung, trộm cướp và các rủi ro khác.

Đồng thời luôn tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn và chủ động trang bị cho các tài xế kiến thức và kỹ năng phòng vệ cơ bản và thực hành ứng phó các tình huống nguy hiểm trong quá trình hoạt động với các võ sư. Trong các buổi họp mặt tài xế định kỳ hằng tháng, an toàn luôn là chủ đề được Grab lưu ý nhấn mạnh. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ ổn định tình hình trật tự tại các điểm nóng hay xảy ra tranh chấp giữa xe ôm truyền thống và Grabbike để tránh căng thẳng kéo dài”.

Có thể nói, vận tải hành khách áp dụng công nghệ thông tin ra đời đã dẫn tới cuộc cạnh tranh giữa loại hình truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự tiện lợi, văn minh mà loại hình ứng dụng quản lý xe bằng công nghệ thông tin điện tử qua điện thoại thông minh rất thuận lợi cho người tiêu dùng và được người dân hưởng ứng cao.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay chính là sự quản lý của các cơ quan chức năng để tạo ra một môi trường cạnh tranh an toàn, lành mạnh giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống. Để từ đó loại trừ nguy cơ mất an ninh trật tự.

Nguyễn Hương-Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/quan-ly-de-tao-moi-truong-canh-tranh-an-toan-446907/