Cuộc chiến giành vỉa hè: 'Chỉ số ít muốn làm nhẹ nhàng, mềm dẻo'

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cho rằng, cuộc chiến giành lại vỉa hè cũng đặt ra trách nhiệm phải quy hoạch những công năng trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương.

Lực lượng công an, dân phòng các phường ở Hà Nội đồng loạt kiểm tra, xử phạt các hành vi lấn chiếm vỉa hè trái phép. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia đánh giá cao cuộc chiến giành lại vỉa hè đang được triển khai rộng trên cả nước nhưng cũng đặt ra trách nhiệm phải quy hoạch những công năng trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương trong đó có tính đến việc thuê vỉa hè.

Không để cá nhân hy sinh quyền lợi 90 triệu dân

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Vỉa hè-chống ùn tắc và trách nhiệm công dân” vào sáng 24/3, khẳng định việc lập lại trật tự vỉa hè đã được quy định trong các quy định của pháp luật, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, chức năng của vỉa hè, của lòng đường, lề đường cũng như có quy định sử dụng phần diện tích này cho các hoạt động giao thông và một số hoạt động phi giao thông (thuộc quy định của địa phương). Luật không có câu nào nói vỉa hè chỉ để đi bộ cả, chỉ có điều chức năng căn bản của nó là đi bộ phải được đáp ứng đầu tiên.

Trong việc lâp lại trật tự kỷ cương của vỉa hè, nhiều người thích câu nói việc làm này phải “có tình, có lý" nhưng ông Hùng đưa ra quan điểm ngược lại phải nói “có lý, có tình”.

“Lý chính là pháp luật, là thỏa thuận, cam kết của hơn 90 triệu người dân Việt Nam trong việc thực hiện hành vi bảo vệ chức năng giao thông của vỉa hè và cái tình quan trọng nhất là làm sao giữ được cam kết ấy để bảo vệ được đại đa số quyền lợi của người dân. Không thể để vài cá nhân mà hy sinh quyền lợi của 90 triệu người dân. Cái tình ở đây cần phải hiểu cho đúng,” ông Hùng cho hay.

[Chiến dịch đòi lại vỉa hè: Cần sự trong sáng và nghiêm minh]

Đặt niềm tin tưởng và chia sẻ với lãnh đạo các địa phương trong lập lại trật tự vỉa hè đang thực sự đi vào đời sống của nhân dân, theo ông Hùng, bản thân những người có quyền lợi bị ảnh hưởng cũng đa số ủng hộ, chỉ số ít nói muốn làm nhẹ nhàng đi, mềm dẻo. Trong quá trình triển khai và thực thi pháp luật, thậm chí có cá nhân có thể vi phạm nhưng rất ít.

“Bản thân tôi là người trực tiếp chạy bộ trên vỉa hè ở những tuyến phố khó khăn nhất về vỉa hè như Đội Cấn,Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng... sau 4 ngày Hà Nội ra quân, hầu hết những người bị đập bậc tam cấp của nhà mình cũng đều ủng hộ, chỉ có điều họ mong muốn phải công bằng,” ông Hùng dẫn chứng.

Là một người ủng hộ quản lý trật tự giao thông đô thị, chuyên gia Lương Hoài Nam cũng chỉ ra bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện? nguyên nhân cơ bản do đây là hành vi chiếm dụng của công thành tư, như cha ông ta thường nói “đất có thổ công, sông có hà bá”.

Giải thích rõ hơn, theo ông Nam, về pháp luật, “thổ công” ở đây chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, thực tế khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò “thổ công” bị đánh tráo, toàn dân không phải thổ công nữa mà là “ông khác”.

“Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên tiếng về thực trạng có lực lượng ‘bảo kê’ cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cuộc chiến lập lại trật tự, kỷ cương đang diễn ra vô cùng khó khăn. Lý do chính bởi lợi ích từ việc lấn chiếm này rất lớn,” ông Nam chỉ ra thực tế.

Quy hoạch công năng nền kinh tế vỉa hè

Đưa ra một số quan điểm từ người quản lý tới người dân đều nói vỉa hè là phần dành cho người đi bộ, ông Nam cho rằng, ngoài đi bộ, vỉa hè còn có nhiều công năng khác. Ở nhiều nơi, trên vỉa hè còn có hoạt động thương mại dịch vụ, mô hình nhà hàng cà phê, sạp báo, quầy bán rau quả…

Nhấn mạnh trách nhiệm phải quy hoạch những công năng trên từng lô vỉa hè cho phù hợp với từng địa phương, theo ông Nam, Nhà nước phải mở rộng hành lang pháp lý theo hướng đưa ra quy chế cho thuê sử dụng vỉa hè. Bởi không làm theo hướng này, chỉ sau mấy tháng dẹp loạn, vỉa hè sẽ quay lại như cũ.

“Việc giải quyết vỉa hè bị lấn chiếm liên quan tới 2 cụm vấn đề đó là nền kinh tế vỉa hè bao gồm kinh tế mặt tiền và kinh tế hàng rong; kết cấu giao thông vận tải. Nếu chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè, không thay đổi kết cấu giao thông, giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng thì không giải quyết được gốc rễ vấn đề,” vị chuyên gia này đánh giá.

[Công an Hà Nội dọn dẹp vỉa hè phố cổ, tháo dỡ hàng loạt biển vi phạm]

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, nếu cho thuê hết vỉa hè cho nhà mặt phố thì nhu cầu để xe không chỉ dành cho nhà mặt phố, mà đó là nhu cầu chung.

“Thực ra, trên 1 tuyến phố, 1 biển số nhà cùng 1 mặt phố có nhiều hộ khác nhau, vậy phân chia vỉa hè đó cho ai? Sử dụng chung thì về nguyên tắc không đúng. Hiện trên một số tuyến mới quy định được chỗ đỗ. Về nguyên tắc mình phải hài hòa lợi ích chung. Trên từng tuyến phố phải bố trí đỗ xe phù hợp mới đảm bảo bền vững,” ông Viện nói.

Theo ông Viện, Nghị định 36 nghiêm cấm mọi hình thức cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán, nhưng lại được phép sắp xếp một phần vỉa hè, lòng đường ở những nơi thích hợp để kinh doanh, buôn bán, đảm bảo đời sống nhân dân, nhưng không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại phố Trần Xuân Soạn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặt câu hỏi tại sao Hà Nội kẻ vạch trắng trên vỉa hè? ông Viện lý giải vì hiện nay cần đảm bảo giao thông tĩnh. Vỉa hè là vừa là giao thông động nhưng cũng vừa là giao thông tĩnh. Hà Nội và các tỉnh thành phố khác cũng đang sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè làm nơi bố trí giao thông tĩnh, nơi đỗ ôtô và xe máy.

“Theo quy định, vỉa hè tính từ sát mép tường trở ra nên có quy định kẻ vạch đến đó để hướng dẫn nhân dân để xe máy cho ngay ngắn. Hà Nội có 11 quận đã thực hiện theo quy định hướng dẫn để xe vào bên trong sát với tường, riêng quận Hoàn Kiếm đang xin để xe phía ngoài vỉa hè để dân tham gia giao thông bên trong, tiếp cận được với các cửa hàng kinh doanh mặt phố để người dân kinh doanh thuận tiện hơn. Tuy nhiên, thành phố đang chỉ đạo đẩy vào trong để người dân trách được hàng hóa hay những việc lấn chiếm,” vị Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết.

Để người đi bộ phù hợp, ông Khuất Việt Hùng cho rằng nên để xe phía ngoài hơn là để xe từ mép tường ra sẽ tránh việc người đi bộ suốt ngày húc vào gốc cây. Vì thế, xe để sát mép ngoài sẽ hạn chế người đi xe máy không lao lên vỉa hè, còn phần trong giữ cho đi bộ thông thoáng.

Tại buổi tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia đánh giá cao việc lập lại trật tự trên vỉa hè, tuy nhiên cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc, tùy theo từng tuyến phố, lấy mục tiêu trung tâm là người đi bộ và giao thông tĩnh./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cuoc-chien-gianh-via-he-chi-so-it-muon-lam-nhe-nhang-mem-deo/437533.vnp