Cuộc chiến giành lại quyền mưu sinh tại U Minh Hạ

Những bất cập trong cách quản lý khiến người dân dưới tán rừng U Minh Hạ (UMH) nghèo đi. Không thể chịu được những bất hợp lý, bất công, bất bình đẳng, người dân UMH vùng lên đấu tranh. Mục đích của cuộc tranh đấu này đơn giản chỉ để giành lại quyền mưu sinh, dẫu rằng họ vác đơn đi xin làm… giám đốc.

Anh nông dân nghèo bỗng trở thành giám đốc.

Những khoản thu… “trời ơi”

Ông Nguyễn Hoài Tâm - nguyên cán bộ Lâm ngư trường (LNT) Trần Văn Thời, sống và làm việc tại rừng tràm UMH hơn 25 năm nay - quả quyết với tôi: “Dân sống trong vùng rừng tràm UMH, Cà Mau không nghèo. Sở dĩ nghèo là do cơ chế chính sách của các LNT, Cty lâm nghiệp đặt ra khiến cho người dân phải oằn vai gánh vác”.

Ông Tâm phân tích các bất hợp lý khiến người dân nơi đây khánh kiệt cả sức người lẫn sức của: “Người dân nhận khoán đất rừng theo phương thức liên danh liên kết (LDLK), mỗi năm ngoài đóng thuế còn phải nộp hàng loạt loại phí. Bất hợp lý nhất là phí cá, với 10 - 14 kg/ha/năm, thử hỏi dân làm sao sống được”.

Điển hình có ông Phạm Văn Ngọt nhận 58 ha rừng tràm do LNT Trần Văn Thời quản lý theo hình thức LDLK. Ngày 4.5.2006, hai bên lập biên bản thanh lý hợp đồng xác định công nợ sản cá và phân chia khai thác đến hết năm 2005. Trong phần khai thác lâm sản, sau 5 năm quản lý, chăm sóc, 58 ha rừng tràm bán được 219 triệu đồng. Sau nhiều khoản khấu trừ (do LNT Trần Văn Thời đưa ra), lợi nhuận còn là 199.841.000 đồng. Phân chia lợi nhuận, bên B (ông Ngọt) nhận lại 61.647.590 đồng.

Điều bất ngờ là ông Ngọt phải trả cho LNT Trần Văn Thời một khoản tiền lên đến 68 triệu đồng, gọi là tiền khoán sản cá. Không cần biết người dân có nuôi cá được hay không, hằng năm, LNT thu 14 kg cá/ha rừng với đơn giá 18.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm, ông Ngọt phải trả cho LNT 13.608.000 đồng. Với 5 năm nhận LDLK, ông Ngọt phải trả cho LNT 68.040.000 đồng, gấp 9 lần tiền thuế của nhà nước theo quy định, gấp 9 lần tiền ông Ngọt thực lãnh sau 5 năm nhận chăm sóc 53 ha rừng. Đối trừ với phần lợi nhuận được chia trong phần khai thác lâm sản, ông Ngọt phải trả lại cho LNT Trần Văn Thời gần 7 triệu đồng.

Thấy việc làm của mình có phần “bất nhân”, LNT Trần Văn Thời giảm thu phí sản cá cho ông Ngọt 50%, đồng thời truy thu số nợ sản cá các năm trước trên 16 triệu đồng. Như vậy, sau hơn 5 năm nhận LDLK 53 ha tràm, ông Ngọt chỉ nhận được 11.299.590 đồng. Bức xúc, ông Ngọt không nhận tiền mà quyết định vác đơn đi kiện.

Ông Hai Huỳnh với giấy chứng nhận đầu tư.

Tương tự như vậy, bà Nguyễn Thị Ngọc Ẩn nhận 56 ha của LNT Trần Văn Thời theo hình thức LDLK, đến khi thanh lý hợp đồng vào năm 2006, tiền phải nộp cho sản cá lên đến 72.576.000 đồng. Trong khi đó, tiền phân chia lợi nhuận khai thác tràm sau khi trừ các loại chi phí chỉ còn hơn 90 triệu đồng. Bà ngậm ngùi: “Có ai vào rừng nhận 56 ha sau hơn 5 năm đầu tư mà chỉ nhận về chưa đến 20 triệu đồng không? Với cách tính như vậy, đố ai sống được tại mảnh đất này!”. Có lẽ tiếng kêu của bà đã “thấu tai” cán bộ LNT Trần Văn Thời lúc bấy giờ nên họ quyết định giảm 50% tiền thu sản cá cho bà. Vì vậy, số tiền thực lĩnh theo biên bản thanh lý hợp đồng là 54.197.458 đồng!

Những người nhận LDLK với LNT bị thu tiền sản cá đã đành, vì dẫu sao trong hợp đồng ký kết có khoản thu này. Nhưng những người dân nghèo ven đất rừng tràm UMH thuộc LNT Sông Trẹm cũng phải nộp khoản phí sản cá do họ hàng ngày đi câu cá dưới kênh do LNT quản lý. Dĩ nhiên, họ không có tiền nộp cho khoản phí vô duyên này. Vậy là đợi đến khi khai thác rừng, LNT cấn trừ ngang.

Ông Trần Ngọc Huỳnh (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cho biết: “LNT Sông Trẹm thu 2 triệu đồng tiền phí câu cá của 10 người dân ở khu vực này. Bà con nơi đây không ai đủ tiền nộp sản cá hằng năm, đợi đến khai thác rừng, LNT mới cấn trừ ngang”.

Vùng lên đòi quyền mưu sinh

Là người gắn bó với rừng UMH suốt cuộc đời mình, nhưng ông Nguyễn Hoài Tâm không thể khá lên được do những quy định bất cập nói trên. Chính vì vậy, khi khai thác tràm vào năm 2010, ông dứt khoát không chịu mức định giá của LNT. Lúc ấy, khoảnh rừng của ông được định giá 200 triệu đồng. Ông khiếu nại, LNT tăng lên 250 triệu đồng. Ông thuyết phục mua lại bằng chính số tiền định giá. Chuyến “vùng lên” này, ông thu đến 400 triệu đồng.

Vào thời điểm này, Cà Mau đã thành lập Cty TNHH MTV U Minh Hạ, trên cơ sở sáp nhập các LNT về một mối. Các khoảnh đất LDLK cũng hết hạn phải bàn giao lại cho Cty U Minh Hạ để đơn vị này tiếp tục có hình thức đầu tư khác. Cùng lúc này, UMH nổi lên trồng keo lai thay cho cây tràm tại những diện tích rừng được quy hoạch rừng kinh tế. Làn sóng các doanh nghiệp (DN) ùn ùn vào đây thuê đất trồng rừng rầm rộ. Nghe nói rừng của ông trước đây được giao cho một DN tận Sài Gòn để trồng keo lai, ông Tâm gom góp những khoản tiền lãi do bán tràm có được đi khiếu nại với mong muốn được tiếp tục LDLK để trồng keo lai như các DN khác.

Dĩ nhiên là Cty U Minh Hạ không cho thì Sở NNPTNT Cà Mau cũng không đồng ý. Thấy ông đi thưa kiện, Cty U Minh Hạ cũng nhượng bộ phần nào cho ông tiếp tục thuê đất rừng để trồng… tràm tại khu vực không được trồng keo lai.

Phiếu thu phí sản cá.

Sau khi nghiên cứu các hồ sơ, thủ tục, ông nhận thấy chủ yếu là nhà nước liên kết với DN, chứ không giao cho người dân những diện tích lớn. Vậy là ông về xin thủ tục thành lập công ty. Nhắc lại chuyện này, ông cười: “Mình trước giờ là nông dân có biết gì đâu, mục đích lập DN để được tỉnh giao đất trồng rừng chớ có ham muốn gì cái chức giám đốc. Tại tui quá tức chuyện các DN ngoài tỉnh vào đây trồng keo lai được UBND tỉnh và Cty U Minh Hạ cho hưởng nhiều chính sách hơn chúng tôi. Họ được thuê đất đến 49 năm, lại ưu đãi theo chính sách thu hút đầu tư. Cùng đường, chúng tôi buộc phải thành lập DN để được thuê đất bình đẳng như bao người khác”.

Tuy nhiên, sau khi thành lập DN, ông Tâm làm đơn xin được thuê chính mảnh đất mà ông đã LDLK trước đó để trồng rừng sản xuất đúng thủ tục, trình tự nhưng không được UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận với lý do là hết quỹ đất và đau đớn hơn, số diện tích đất ông xin thuê lại được UBND tỉnh Cà Mau… cho một DN khác thuê, dù trên giấy tờ, đó vẫn đang là đất của ông.

Xác nhận phí sản cá.

Cùng cảnh với ông Tâm, ông Trần Ngọc Huỳnh (ấp 12, xã Khánh Thuận) cũng thành lập Cty TNHH Du lịch sinh thái Huỳnh Quốc Sơn. Trụ sở Cty chính là căn nhà lá nằm ở bìa rừng, tuềnh toàng trống trước hở sau, nơi chui ra chui vào của cả gia đình ông suốt 15 năm nay. Hết hạn hợp đồng LDLK, Hai Huỳnh cùng một số hộ dân tại ấp 12, xã Khánh Thuận xin được trồng keo lai trên đất của mình, nhưng không được chấp thuận với lý do từ phía Cty U Minh Hạ: “Chủ trương của tỉnh chỉ cho DN thuê, còn hộ dân không được”. Ức quá, Hai Huỳnh cùng một số hộ dân khác hùn lại để thành lập Cty để xin thuê đất. Hiện ở Khánh Thuận còn có thêm 4 DN khác do những nông dân như Hai Huỳnh thành lập với mục đích tương tự. Dĩ nhiên, Hai Huỳnh và những người nông dân khác không được giao đất như các DN khác mà chỉ được LDLK với Cty U Minh Hạ.

Chính những phản ứng quyết liệt của những người như Hai Huỳnh, Hoàng Tâm... mà phương thức, cách tính ăn chia trong các hợp đồng LDLK đã được xem xét lại. Người chủ rừng hoàn toàn được định đoạt trên phần đất của mình, các khoản thuế, phí, lệ phí đã được bãi bỏ. Phương cách ăn chia cũng đã được tính toán lại hợp lý hơn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/cuoc-chien-gianh-lai-quyen-muu-sinh-tai-u-minh-ha-562827.bld