Cuộc chiến đòi quyền lái ô tô của nữ giới Saudi Arabia

Saudi Arabia có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái xe. Người vi phạm có thể bị phạt roi, tống vào tù hoặc thậm chí tệ hơn, bị… điều tra khủng bố. Quy định thoạt nghe có vẻ bất công với cánh “liễu yếu đào tơ”, nhưng lại không hề lạ ở một quốc gia Hồi giáo như Saudi Arabia, nơi đàn ông luôn ở ngôi tối thượng.

Lái xe là phạm luật

Theo tìm hiểu thì từ trước những năm 1990, Saudi Arabia không có quy định chính thức nào cấm phụ nữ lái xe. Trên thực tế dù không có lệnh cấm này, thì phụ nữ ở Saudi Arabia đã bị cánh đàn ông trong các gia đình “cấm tiệt” chuyện lái xe ngoài đường. Nam giới Saudi Arabia, đặc biệt những người sùng đạo, tin rằng việc để phụ nữ lái xe là sự bắt đầu cho một cuộc sụp đổ về mặt…đạo đức. Chưa kể một thực tế khác là dù không bị cấm lái xe, nhưng phụ nữ ở Saudi Arabia không được cấp bằng lái!

Ở Saudi Arabia, phụ nữ lái xe sẽ bị phạt

Tuy nhiên sau một vụ việc 47 phụ nữ lái xe chở gia đình đi chơi, Saudi Arbia đã đưa ra lệnh cấm trên. Chính quyền cho rằng hành động của các phụ nữ này là một sự thách thức. Không chỉ bị bắt giam, sau khi được thả ra họ còn bị mất việc làm, chịu sự giám sát rất nghiêm ngặt.

Từ những năm 2000, nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm trên của Saudi Arabia. Trong nước, đã có những cuộc vận động nhằm kêu gọi chính quyền Saudi Arabia bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe. Tuy nhiên, phần thắng trong các cuộc chiến này luôn nghiêng về phe bảo thủ.

Hồi năm 2014, chính quyền Saudi Arabia đã thẳng tay bắt giam 2 phụ nữ là công dân Ả rập Xê-út vì việc hai người này lái xe ô tô đến Saudi Arabia. Loujaina al-Hathloul, 25 tuổi, là người ủng hộ phong trào đòi quyền lái xe cho phụ nữ Saudi Arabia. Cuối tháng 11/2014, Hathloul đăng tải một đoạn clip ghi cảnh cô lái xe tới Saudi Arabia để kêu gọi người ủng hộ. Tại biên giới, Hathloul đã lập tức bị cảnh sát Saudi Arabia bắt giam. Một ngày sau đó, Maysal al-Amoudi, bạn gái của Hathloul, đã tự lái ô tô mang đồ ăn tới cho bạn mình.

Theo chân Hathloul, Maysal al-Amoudi cũng bị “mời” vào nhà giam. Cả hai chỉ được thả sau khi ở trong nhà giam của Saudi Arabia cả tháng trời. Trước đó vào năm 2011, một phong trào đòi quyền lái xe cho phụ nữ với tên gọi “Women2Drive” đã được phát động ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, phong trào này rốt cuộc cũng không “xi-nhê” gì với chính quyền.

Phụ nữ Saudi Arabia đòi quyền được lái xe (Ảnh: AP)

Trong nhiều trường hợp, những phụ nữ bị phát hiện lái xe ở Saudi Arabia sẽ bị tống giam nhiều ngày, phạt roi hoặc thậm chí…gửi sang cơ quan điều tra khủng bố để truy xét. Các trường hợp đa phần để được thả đều phải cam kết…không tiếp tục lái xe ô tô.

Và những thay đổi

Cho dù lệnh cấm trên chưa được gỡ bỏ, nhưng những tiếng nói ủng hộ quyền lái xe của phụ nữ ở Saudi Arabia ngày một tăng. Điều này dường như diễn ra ra trong bối cảnh Saudi Arabia đã bắt đầu có những thay đổi trong việc “định vị” vai trò của nữ giới.

Hồi năm 2015, lần đầu tiên tại Saudi Arabia, phụ nữ được tham gia vào cuộc bầu cử ở các địa phương, ứng cử vào hội đồng. Hơn 900 người đã tham gia tranh cử so với khoảng 6.000 nam giới, với kết quả 20 người trúng cử trong năm này. Một thắng lợi lớn đối với phái nữ Saudi Arabia! Kết quả này dường như đã tiếp thêm động lực cho những người ủng hộ bình quyền ở đất nước Saudi Arabia.

Hôm mới đây, AFP đưa tin một thành viên Hoàng gia Saudi Arabia, hoàng tử Alwaleed bin Tahal đã bất ngờ viết trên trang cá nhân Twitter, với nội dung kêu gọi trả lại quyền lái xe cho phụ nữ Saudi Arabia. “Hãy dừng tranh cãi, đã đến lúc để cho phụ nữ được lái xe”-hoàng tử Alwaleed bin Tahal tuyên bố.

Hoàng tử Alwaleed bin Tahal ủng hộ việc phụ nữ Saudi Arabia được lái xe (Ảnh: AFP)

Theo AFP, hoàng tử Alwaleed bin Tahal vốn không can dự chính trường Saudi Arabia, nhưng lại nắm quyền ở Kingdom Holding Co, một tập đoàn lớn có lợi ích ở cả những gã khổng lồ trong ngành ngân hàng, như Citigroup của Mỹ.

Ông Alwaleed bin Tahal đưa ra vấn đề ở góc nhìn kinh tế, khi cho biết mỗi tháng các gia đình Saudi Arabia có thể phải chi trung bình 3.800 ryals (khoảng 1.000 USD) thuê lái xe cho phụ nữ trong nhà. Đây là một sự lãng phí, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, theo hoàng tử Alwaleed bin Tahal. Ngay cả khi đàn ông trong nhà có thể lái xe đưa vợ đi, thì vì việc này họ cũng sẽ mất thời gian dành cho công việc ở công sở.

Người ta không rõ liệu khi đưa ra vấn đề ở góc nhìn trên, có phải hoàng tử Alwaleed bin Tahal tránh châm ngòi cho một cuộc tranh luận ở góc độ tôn giáo, vốn không mấy mới mẻ hay không. Tuy nhiên, việc một thành viên hoàng gia lên tiếng ủng hộ được đánh giá là bước tiến mới đối với phong trào đòi bình quyền của nữ giới Saudi Arabia.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cuoc-chien-doi-quyen-lai-o-to-cua-nu-gioi-saudi-arabia-post181737.html