Cuộc chiến 2/1979: Chiến thuật 'biển người' hoang tưởng, ngạo mạn...

Quân đội Trung Quốc đã huy động lực lượng hơn 60 vạn quân tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979.

Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 là một trang sử hào hùng, oanh liệt trong lịch sử giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, nói lên tinh thần bất khuất, tự lực tự cường và sự trường tồn bất diệt của dân tộc ta, bất chấp những kể địch mạnh và hung hãn như thế nào.

… đến giữa tháng 1 năm 1979, Bắc Kinh đã gần như hoàn tất việc chuẩn bị huy động lực lượng. Gần 20 sư đoàn chính quy, với trên dưới 25 vạn quân chủ lực, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, hàng vạn khẩu pháo, cối và các loại vũ khí khác đã tập trung gần biên giới với Việt Nam.

Ngày 11-2-1979, 2 ngày sau khi Đặng Tiểu Bình hoàn tất chuyến thăm Mỹ-Nhật, tại cuộc họp Bộ Chính Trị mở rộng được triệu tập, Đặng đã ra mệnh lệnh phát động cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, gửi tới các tư lệnh cánh quân Quảng Tây và Vân Nam.

Thời gian tác chiến

Trung Quốc xác định, chiến tranh có thể chia thành 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, hai mũi nhọn tấn công và Cao Bằng và Lào Cai nhằm bao vây và tiêu diệt các sư đoàn của quân đội Việt Nam tại đó, đồng thời phát động các cuộc tấn công ở Đồng Đăng để ly gián Hà Nội về mục tiêu chiến tranh của Trung Quốc.

Giai đoạn đầu từ 17 đến 25/2. Trong thời gian này, quân đội Trung Quốc dự tính sẽ phá vỡ tuyến phòng ngự đầu tiên của Việt Nam và đánh chiếm các thị xã Cao Bằng và Lào Cai, các thị trấn biên giới quan trọng là Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ ra vào Lạng Sơn.

Giai đoạn hai từ 26/2 đến 5/3. Lực lượng Trung Quốc ở Quảng Tây sẽ tiếp tục tập trung tấn công vào Lạng Sơn và các vùng phụ cận phía tây, trong khi các cánh quân vu hồi ở Vân Nam sẽ bao vây, tiêu diệt các sư đoàn quân Việt Nam ở vùng Tây Bắc Sa Pa, và Phong Thổ.

Giai đoạn cuối từ 6-3 đến 16-3. Quân Trung Quốc sẽ nỗ lực truy quét để tiêu diệt nốt các lực lượng còn sót lại trong quá trình phá hủy hệ thống quân sự tại khu vực biên giới với Trung Quốc, trước khi hoàn thành việc rút quân vào ngày 16 tháng 3.

Tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Trung Quốc

Đến cuối tháng 1-1979, guồng máy khổng lồ hoạt động cho một cuộc xâm lược quy mô, núp dưới cái tên khêu gợi sự thương cảm của cộng đồng quốc tế là “Chiến tranh phản kích tự vệ” đã được chuẩn bị xong và sẵn sàng gieo tội ác xuống đất nước láng giềng nhỏ bé và thân thiện.

Đoàn xe Trung Quốc tiến sang Việt Nam ở địa phận Trà Lĩnh-Cao Bằng

Đoàn xe Trung Quốc tiến sang Việt Nam ở địa phận Trà Lĩnh-Cao Bằng

Phương án tác chiến được Quân đội Trung Quốc được lựa chọn là “triển khai 2 mũi tấn công lớn từ 2 hướng, tập trung quân số áp đảo toàn diện để bao vây quân địch từ hai bên sườn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân địch bằng những trận đánh hủy diệt lớn, theo phương thức đánh nhanh rút gọn”.

Kế hoạch tác chiến của Trung Quốc

Theo kinh nghiệm chiến đấu của mình và dựa trên các bài bản chiến thuật của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hứa Thế Hữu đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo cho cuộc chiến tranh là “ngưu đao sát kê” tức là “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”, với nguyên tắc tác chiến gồm ba điểm:

Một là: Tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng phòng thủ sơ hở của quân địch.

Hai là: Sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của địch tại những những cứ điểm then chốt.

Ba là: Các đơn vị xung kích phải dốc sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công theo tất cả các con đường dẫn đến sào huyệt kẻ thù.

Theo cách này, họ Hứa tin rằng, dưới sự chỉ huy của của ông ta, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam, đập tan mọi sự kháng cự, thọc sâu, bao vây, chia cắt và sau đó tiêu diệt hết chủ lực Việt Nam.

Theo tinh thần chỉ đạo và chiến thuật đó, 2 cánh chủ lực của Trung Quốc đã xây dựng những kế hoạch tác chiến riêng của họ, trong đó tập trung nhấn mạnh đến việc chiếm đóng các thị xã, thị trấn quan trọng; tiêu diệt lớn các sư đoàn quân chính quy của Việt Nam dọc biên giới Trung-Việt.

Lực lượng tham chiến của Trung Quốc

Để thực hiện kế hoạch tác chiến theo kiểu “Biển người”, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng khổng lồ gồm 10 Tập đoàn quân chủ lực (1 TĐQ làm nhiệm vụ dự bị) và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh), thuộc 5 Đại quân khu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-21979-chien-thuat-bien-nguoi-hoang-tuong-ngao-man-3329460/