Cung ứng điện, một mình EVN gánh sao đủ?

Tại tọa đàm "Cung ứng điện giai đoạn 2016-2020: Nguy cơ thiếu điện và giải pháp" do báo điện tử Dân trí tổ chức ngày 15/11, các chuyên gia cho rằng hiện nay chỉ một mình EVN đứng ra cáng đáng cung ứng điện là việc rất khó.

Ông Đinh Thế Phúc, Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, theo ước tính của Viện Năng lượng, số tiền đầu tư trong 5 năm của các nhà máy điện từ nay đến năm 2020 là gần 30 tỷ USD. Đó là chưa kể việc xây dựng các nhà máy điện, hệ thống lưới điện truyền tải. Tổng số tiền cần đầu tư trong giai đoạn này là 40 tỷ USD. Tức mỗi năm gần 7,9 tỷ USD. Với số tiền này khi làm quy hoạch 7, các chuyên gia tính toán đủ để cung ứng điện trên toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, việc dự phòng thấp nên phải đòi hỏi người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm. Để giảm đầu tư vào lưới điện, giảm rủi ro mất cân bằng cung cầu nhưng vẫn đòi hỏi ngành điện đầu tư đủ cho nhu cầu điện.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng trong cung ứng điện, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề gay gắt như: Đầu tư rất lớn, khả năng cung ứng vốn ít và còn hàng loạt vấn đề khác đặc biệt là vấn đề môi trường và hiệu quả.

Tôi nghĩ rằng, bàn đến vấn đề điện phải bàn đến vấn đề cung điện, nhưng cung như thế nào, cung cho cái gì, thiếu hay thừa, có vấn đề gì về ô nhiễm?... mà chỉ có 1 mình EVN đứng ra cáng đáng thì rất khó. Thiếu điện còn do dùng điện chứ không chỉ do cung cấp điện. Cho nên tôi cho rằng, cần phải thấy mức độ gay gắt của vấn đề để xét cả 2 chiều”, ông Thiên nói.

Về giải pháp, ông Thiên cho rằng phải thay đổi tư duy, nền kinh tế của chúng đang tiêu tốn năng lượng, sử dụng năng lượng quá nhiều, cần phải tái cơ cấu. "Một nền kinh tế 30 năm đổi mới đưa ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng quá nhiều khiến EVN phải gồng lên để cung ứng. Cứ làm xi măng, làm thép, đủ các loại doanh nghiệp sử dụng năng lượng tốn kém? Tư duy đó phải thay đổi và phải là trọng tâm để thay đổi mô hình tăng trưởng nếu không thì không trời đất nào chịu được".

Khi bàn về tăng trưởng GDP với tiêu dùng năng lượng, ông Thiên cho rằng tỷ lệ không có giả định thay đổi, cứ tăng trưởng GDP 1 thì năng lượng 1,8. Không chỉ GDP ảnh hưởng tới tiêu dùng năng lượng mà còn là đô thị hóa, sự can dự của công nghệ. Việt Nam đô thị hóa tăng, du lịch tăng, khiến tiêu thụ tăng nhưng đi kèm là tiêu hao năng lượng. Do đó, cần có cải tiến về công nghệ.

Ông cho rằng, giá năng lượng cũng ảnh hưởng tới tiêu dùng năng lượng. Phải tính tới cân bằng năng lượng trên cơ sở giá điện, không nương theo dư luận xã hội. Nếu không tính tới lợi ích tổng thể, muốn nhiều điện lại muốn giá điện rẻ thì khó thu hút được vốn vào ngành điện.

Giá điện rẻ khó thu hút đầu tư

Về thu hút vốn đầu tư, ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết mỗi năm Việt Nam cần 5 tỷ USD để truyền tải và phát điện, hi vọng thu hút được 70% từ tư nhân. Với giá điện hiện nay để thu hút được như vậy khá là khó.

“Trong quá khứ, nguồn đầu tư 1/3 dựa vào ODA. Với số lượng, mức độ phát triển như hiện nay chúng ta phải nghĩ tới hữu hạn từ vốn tài trợ, do đó, nguồn đầu tư 1/3 từ ODA cũng cần phải xem xét. Về những vấn đề về bảng cân đối của EVN, bao gồm vốn, chênh lệch tỷ giá hối đoái… khiến EVN khó khăn hơn”, ông Franz Genner bày tỏ.

Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, vấn đề mấu chốt bây giờ là phải thay đổi biểu giá điện. “Việt Nam đã rất thành công trong việc tạo nên các nguồn điện từ nhiệt điện than, mang đến nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, những nguồn lực nội địa không đủ cung ứng trong tương lai nên phải nhập khẩu than. Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… tuy nhiên đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém.

Như vậy, điều này có liên quan tới biểu giá điện. Biểu giá điện hiện nay không đủ cao để hấp dẫn đầu tư trong tương lai”, ông Thiên nói.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/cung-ung-dien-mot-minh-evn-ganh-sao-du--201611150952059p145c151.news