Cúng thần Thổ địa

(Dân Việt) - Đến Sơn La mà chưa được tham dự lễ cúng thần Thổ địa coi như chưa đặt chân vào bản của đồng bào Kháng, còn có tên gọi là Xá Khao hay Xá Xúa.

Chủ tế của bản chuẩn bị làm lễ cúng thần Thổ địa. Bản làng của đồng bào Kháng từ bao đời nay vẫn nằm ở chân núi, ven những dòng suối và nương rẫy. Người Kháng đặc biệt tôn sùng ông thần đất (còn gọi là thần Thổ địa). Đã thành lệ, mỗi năm 2 lần vào ngày 3-3 và 6-6 âm lịch, cộng đồng dân tộc Kháng lại tổ chức nghi lễ cúng thần Thổ địa. Việc tổ chức nghi lễ này, trước là để người dân bày tỏ lòng tưởng nhớ, ghi ơn vị thần Thổ địa đã dẫn dắt dân tộc Kháng khai hoang, lập bản, sau là dịp để họ gửi gắm đến thần lời cầu nguyện, ước mong được che chở, bảo vệ khỏi những điều không may mắn. "Từ xa xưa, tổ tiên người Kháng dạy rằng, một năm phải cúng lễ cho thổ thần từ 2 lần trở lên. Nếu vì lý do nào đó không thực hiện được thì năm đó mùa màng sẽ thất bát, con người đau ốm, lợn, gà khó nuôi..." - già Lù Vân ở Mường Chùm (Mường La) chia sẻ. Để có một nghi lễ cúng trang trọng, đồng bào Kháng phải chuẩn bị từ vài hôm trước. Thông qua một buổi họp bàn, người làm chủ lễ trong bản phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Mỗi thành viên giữ một việc: trang trí lại nhà cúng thần, chuẩn bị các đồ thờ cúng, mổ lợn, mổ gà, giúp thầy cúng khi làm lễ… Trước ngày lễ chính diễn ra, đồng bào cả bản cùng tham gia hội bắt cá tập thể bằng tay, dâng cá cúng, ăn các món ăn bằng cá và múa hát giao duyên... Còn trong ngày lễ chính, chỉ có nam giới được tham dự. Mỗi gia đình có một đại diện tham gia, mỗi người mang theo một ít đồ ăn bằng xôi màu và một ít rượu. Nơi tiến hành nghi lễ cúng thần Thổ địa là ngoài cánh đồng. Địa điểm tổ chức mỗi năm có thể khác nhưng đều phải đáp ứng các yêu cầu: Gần nguồn nước, có cây, đặc biệt là cây tre để lấy nguyên liệu phục vụ lễ. Vật cúng thần là một con lợn và một con gà. Trong các đồ cúng chuẩn bị cho nghi lễ, quan trọng nhất là mâm cho các thần. Thông thường, có các mâm cúng thần của bốn phương và thần Thổ địa, trong đó mâm của thần thổ địa là to hơn cả. Khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiệc rượu của những người tham gia nghi lễ bắt đầu. Người Kháng quan niệm, việc thưởng thức những thứ đã qua cúng lễ và ăn ngay tại nơi hành lễ là điều may mắn, đem lại cho gia đình và cộng đồng những điều tốt đẹp... Văn Trương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/10005p1c29/cung-than-tho-dia.htm