Cùng lúc sửa 12 luật về đầu tư, kinh doanh

Trong số này, các luật Đầu tư, Doanh nghiệp và Đất đai có nhiều nội dung được sửa đổi hơn cả...

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI tại hội thảo.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.

Đây là dự án luật được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hối thúc Quốc hội sửa ngay trong năm nay để khắc phục tình trạng "ông chẳng bà chuộc" của nhiều quy định trong các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh hiện nay.

Nhiều chuyên gia, doanh nhân cũng cho rằng sự ra đời của dự án luật này là hết sức cấp thiết.

Nhưng, cho đến tận phiên họp giữa tháng 8 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự án luật vẫn chưa có để cơ quan này có thể xem xét có đủ điều kiện để trình Quốc hội hay không.

Dù thế, những kiến nghị từ VCCI, nhiều luật sư, chuyên gia kinh tế, doanh nhân... vẫn tiếp tục được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo.

Theo dự thảo được trình bày tại hội thảo chiều 16/8 thì dự kiến 12 luật sẽ được sửa đổi bổ sung gồm các luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị và cả Luật Điện ảnh.

Trong số này, các luật Đầu tư, Doanh nghiệp và Đất đai có nhiều nội dung được sửa đổi hơn cả.

Đáng chú ý, Luật Đầu tư, một đạo luật được thiết kế theo xu hướng chọn - bỏ (những gì cầm thì ghi vào trong luật, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm), được xem là rất tiến bộ trong cách tiếp cận đã được sửa ngay từ khái niệm về đầu tư.

Theo Luật Đầu tư hiện hành, đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.

VCCI kiến nghị sửa đổi khoản này theo hướng quy định “đầu tư” là việc bỏ vốn bằng tài sản để kinh doanh. Đồng thời bổ sung quy định “điều kiện kinh doanh” là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để được kinh trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại phụ lục của luật này. “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư.

Nội dung này đã được tiếp thu tại dự thảo luật mới nhất.

Cũng từ kiến nghị của VCCI, khoản 1, điều 7 của Luật Đầu tư đã được dự kiến sửa theo hướng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động kinh doanh trong ngành, nghề đó không chỉ phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà còn phải đáp ứng điều kiện về môi trường.

Trong bối cảnh vấn đề về môi trường đã và đang nóng đến đỉnh điểm, bổ sung này có thể đặt ra yêu cầu cao hơn với hoạt động kinh doanh, song được cho là hết sức cần thiết.

Một số ý kiến khác từ VCCI cũng đã được tiếp thu, nhưng vẫn còn những vấn đề, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cần tiếp tục xem xét.

Chẳng hạn, luật hiện hành quy định giấy chứng nhận đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.

Ông Tuấn cho rằng, hình thức giấy phép đầu tư tương đối cứng nhắc, không linh hoạt trong việc nhà đầu tư cam kết về thuế, môi trường, tạo công ăn việc làm, công nghệ, tiến độ...

Kiến nghị từ VCCI là nghiên cứu việc thay giấy chứng nhận đầu tư bằng hình thức thỏa thuận đầu tư ký giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước. Nhà đầu tư cam kết về vốn, tiến độ, ngành nghề, môi trường, quy hoạch...

Với lần sửa đổi này, những ý kiến đề nghị sửa đổi những quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài liên tục được nêu tại các hội thảo.

Ở dự thảo luật mới nhất, điều 22 đã không còn quy định trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại điều 37 của luật.

Một số quy định hiện hành về hoạt động của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng được sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn.

Nếu đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ và chất lượng, dự thảo luật một luật sửa nhiều luật nó trên sẽ được trình Quốc hội khóa 14 xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/cung-luc-sua-12-luat-ve-dau-tu-kinh-doanh-2016082708243444.htm