Cùng lúc đối phó "cặp đôi" Zika-sốt xuất huyết

Trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika lăm le xâm nhập Việt Nam, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Tác nhân truyền sốt xuất huyết và virus Zika đều là loài muỗi Aedes và biểu hiện lâm sàng của 2 bệnh cũng gần giống nhau. Vậy cách phân biệt và phòng chống 2 bệnh này như thế nào?

Phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh
Bệnh Zika thường nhẹ hơn sốt xuất huyết

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, 80% ca bệnh do virus Zika không có triệu chứng, nếu có thì cũng rất nhẹ. Vì thế, việc kiểm soát phát hiện sớm ca bệnh rất khó. Hơn nữa, miễn dịch cộng đồng với bệnh do virus Zika ở nước ta hiện gần như bằng không nên khi có mầm bệnh, dịch rất dễ lây lan, bùng phát.

So với biến chứng của bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân mắc bệnh do virus Zika thường nhẹ hơn, ít nguy hiểm với người lớn song bệnh này lại rất nguy hại với phụ nữ mang thai (nhất là phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu) vì nó có thể gây ra hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng Guillain Barré - viêm đa rễ thần kinh.

Về các triệu chứng cụ thể và dấu hiệu để phân biệt bệnh do virus Zika với bệnh sốt xuất huyết, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh sốt xuất huyết và Zika có những biểu hiện ban đầu khá giống nhau như: sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu…

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Zika vừa được Bộ Y tế ban hành, thời gian ủ bệnh của bệnh do virus Zika là từ 3-12 ngày. Một trường hợp được chẩn đoán nghi ngờ mắc Zika khi có yếu tố dịch tễ (sinh sống hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do virus Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh); có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng nêu trên hoặc có hội chứng Guillain Barre hay khi siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường; không xác định được các căn nguyên gây bệnh khác (sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya...).

Bệnh sốt xuất huyết Dengue ban đầu có những triệu chứng giống như cúm, kéo dài từ 2 đến 7 ngày, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Ca bệnh sốt xuất huyết nhẹ có các biểu hiện như sốt cao (40°C), thường kèm theo ít nhất 2 trong những triệu chứng: đau đầu; nhức sau hốc mắt; buồn nôn, nôn; sưng hạch bạch huyết; đau mỏi cơ, xương hay khớp; phát ban.

Giai đoạn biến chứng của sốt xuất huyết Dengue nặng xảy ra vào ngày thứ 3-7 sau khi bệnh khởi phát. Nếu như đa phần ca bệnh do virus Zika biểu hiện nhẹ, chưa ghi nhận ca tử vong nào thì biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết thường nặng hơn, có nguy cơ tử vong do biến chứng.

Diệt muỗi là biện pháp quan trọng

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Y tế vừa diễn ra, các chuyên gia y tế cho biết, về đường lây, bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết đều do muỗi Aedes nhưng bệnh Zika có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Một điểm chung nữa là cả 2 loại bệnh này hiện đều chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng.

Về biện pháp phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, dù là sốt xuất huyết hay bệnh do virus Zika, cần tập trung diệt muỗi truyền bệnh. Loại muỗi Aedes truyền sốt xuất huyết và virus Zika thường đốt người trong khoảng 9-10h sáng, đẻ trong môi trường nước trong. Muốn phòng chống muỗi đốt thì phải diệt bọ gậy, lăng quăng. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng đề cao vai trò của các biện pháp dự phòng bệnh và nhấn mạnh, biện pháp dự phòng quan trọng nhất là tránh muỗi đốt.

Ngoài ra, để chủ động phòng chống bệnh Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/ đến/ về từ vùng đang có dịch do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe. Nếu có biểu hiện bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục…

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/xa-hoi/cung-luc-doi-pho-cap-doi-zikasot-xuat-huyet/670251.antd