Cúng lễ Vu Lan (2): Cầu siêu và phóng sinh

Mỗi mùa Vu Lan, các chùa đều làm lễ cầu siêu, phóng sinh để thể hiện sự từ bi của Phật giáo nhằm cứu khổ, cứu nạn cho các sinh linh.

> Cúng lễ Vu Lan (1): Giảm lãng phí từ đồ mã

Phóng sinh có thể làm quanh năm chứ không chỉ vào Rằm tháng Bảy.

Bạn có thể đến chùa cầu siêu nếu có điều kiện còn không thì có thể làm tại nhà với đồ cúng hết sức đơn giản.

Tại sao phải cầu siêu?

Theo Đại đức Thích Thanh Tuấn, Ủy viên Hội đồng điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam, Giảng sư Học viện Phật giáo Việt Nam, từ ngày 1 tới hết tháng Bảy âm lịch đều có thể làm lễ Vu Lan.

Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, mọi sinh vật trên thế gian do những tội lỗi (từ những việc làm bất thiện) gây nên, khi chết đi phải chịu đọa đày (vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh…). Ai cũng có tổ tiên sinh thành, nếu họ rơi vào những cảnh giới xấu, thì lễ cầu siêu tỏ lòng biết ơn đến các vong linh là cầu nguyện nhờ thần lực của chư Phật mà họ được siêu thoát khỏi cảnh giới đau khổ. Người còn sống đi cầu siêu cũng chính là cầu siêu cho người đã khuất thể hiện bằng tấm lòng tha thiết để người thân sớm siêu thoát đến cảnh giới an lành. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện cho thần thức người quá vãng được siêu thoát khỏi cảnh khổ để tới một cảnh giới an lành. Đây cũng là dịp để mỗi người con tỏ lòng hiếu thảo, tích đức, làm thiện để cha mẹ, tổ tiên sớm được vãng sinh về tây phương cực lạc.

Các nhà chùa hàng năm tổ chức lễ cầu siêu vào ngày 11, 12, 13/7 (3 ngày hành đạo) để toàn dân đến lễ, tụng kinh, niệm phật. Trong 3 ngày hành đạo, nhờ phúc chú nguyện của chúng tăng mà cha mẹ, cửu huyền thất tổ những người đến hành lễ được siêu sinh tịnh độ. Tất cả mọi người đều có thể tham gia lễ cầu siêu. Chùa Quán Sứ tại Hà Nội hay các chùa khác, ngay từ đầu tháng Bảy âm lịch người dân có thể tới đăng ký để làm giấy sớ kêu cầu cho các tín chủ.

Một buổi cầu siêu thường có dâng cúng hoa quả, cúng cháo cho các cô hồn vất vưởng chưa siêu thoát, phóng sinh (cầu tự do cho các loài sinh vật và sự trường thọ đối với những người tham gia), phóng đăng mong muốn ánh sáng của chư Phật soi tỏ con đường, khai ngộ cho mọi người, cho những chúng sinh đang được siêu sinh về cực lạc. Sức mạnh của cầu siêu là những việc làm, vì vậy khi đang còn sống nên tránh làm các điều ác, năng làm từ thiện (bố thí cho người nghèo khổ, thăm viếng các cụ già cô đơn, các trại dưỡng lão, chăm sóc các trẻ em mồ côi tật nguyền…) và quan trọng khác là thanh lọc tâm ý mình.

“Nếu không có điều kiện lên chùa, bạn có thể làm lễ cầu siêu tại nhà. Mâm cúng lễ không cần phải mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần hoa quả thắp hương là được”, Đại đức Thích Thanh Tuấn nói.

Phóng sinh: Không nên dùng rùa tai đỏ

Sư thầy Thích Đàm Trung, chùa Phổ Linh (Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho biết, việc phóng sinh phải do thành tâm làm phúc, cứu khổ, cứu nạn và được làm trong hoàn cảnh ngẫu nhiên, không phải là dịp định sẵn. Việc phóng sinh cũng cần vô tư trong sáng và được thực hiện quanh năm chứ không chỉ vào Rằm tháng Bảy.

Thị trường phóng sinh Rằm tháng Bảy năm nay ngoài ốc, chim, cua…, rùa bé bằng 2-3 ngón tay là mặt hàng bán rất chạy tại các phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình), phố Nhuệ Giang (Hà Đông), phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng), chợ đêm Phùng Khoang (Thanh Xuân), chợ đêm Dịch Vọng (Cầu Giấy)… do người dân truyền miệng rằng rùa là con vật linh thiêng, phóng sinh rùa sẽ may mắn, trường thọ hơn. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH thì phần lớn là rùa tai đỏ - loài sinh vật được cơ quan chức năng xác định là cực kỳ nguy hại cho môi trường sinh thái, có thể gây bệnh thương hàn.

Theo Đại đức Thích Thanh Tuấn, theo thuyết nhà Phật các loài đều là những sinh mạng, nếu thả chúng sinh là ta mang tâm thiện giải thoát, góp nhặt từ những điều thiện nhỏ trở thành điều thiện lớn để giải nghiệp. “Phóng sinh không phân biệt rùa hay sinh vật khác. Suy nghĩ rùa sống lâu nên thả rùa để cuộc sống, tuổi thọ của mình lâu hơn là sai lệch, bởi mỗi kiếp chúng sinh cũng giống như kiếp mạng của con người, muôn hình muôn vẻ, cả chim, cua, cá, ốc… chứ không chỉ một loài. Những con có hại như rùa tai đỏ thì không nên thả vì chúng sẽ tàn phá môi trường, ăn hết những sinh vật khác. Nhà chùa khuyên mọi người đừng giết hại sinh vật vì dần sẽ quen đi, lòng tham của con người sẽ đi từ việc giết con nhỏ dần sẽ thành giết con lớn, sẽ gây những nghiệp khác và có thể làm điều ác ngày càng lớn. Một số người phát tâm đóng góp thành nhóm tự làm lễ phóng sinh ở các ao hồ, đầm cũng là tốt và là một cách góp nhặt điều thiện để tích công đức ngày càng lớn hơn”, Đại đức Thích Thanh Tuấn nói.

Việc người bắt chim phóng sinh, cho uống thuốc để bắt lại hoặc vợt cua, cá, tôm phóng sinh lại để bán quay vòng... Đại đức Thích Thanh Tuấn chia sẻ: “Tôi đã từng sang Ấn Độ, từng thấy người ta thả cá ở sông Hằng, quay đi quay lại đã bị người khác vợt mất. Tâm ta thả đã được các đức Phật chứng rồi. Còn vì mưu sinh mà người ta gây điều nghiệp, điều ác thì khó tránh, bởi đó là cách mưu sinh của người ta, bất đắc dĩ lắm họ mới mưu sinh bằng việc đó”. Đại đức Thích Thanh Tuấn khuyên có thể tránh cho vật phóng sinh bị bắt lại bằng cách khi phóng sinh nên đợi cá bơi đi, chim bay đi, sinh vật đi hết rồi hẵng về. Khi phóng sinh không phải chọn ngày giờ, tâm phát khởi lúc nào cũng làm lễ phóng sinh được.

Hà Dương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/2012082709583378p0c1002/cung-le-vu-lan-2-cau-sieu-va-phong-sinh.htm