Cùng địa phương phát triển đảng viên, củng cố hệ thống chính trị cơ sở

Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh, với diện tích rộng, dân số hơn 5,6 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36%. Đây cũng là địa bàn các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tìm cách chống phá, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định chính trị.

Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng, Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở đạt được kết quả, chuyển biến đáng ghi nhận; trong đó có sự đóng góp tích cực của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, nhất là công tác phát triển đảng viên trong chiến sĩ tại ngũ. Lực lượng này sau khi xuất ngũ, trở về địa phương góp phần tạo nguồn xây dựng tổ chức Đảng, bổ sung cán bộ cho cơ sở.

Cán bộ Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) trao đổi với các già làng Tây Nguyên về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Thượng tá Nguyễn Minh Mạnh, Phó chính ủy Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công), cho biết: “Bình quân mỗi năm đơn vị bồi dưỡng, phát triển được khoảng 30 đảng viên là hạ sĩ quan, chiến sĩ”. Riêng tại địa bàn tỉnh Đắc Lắc, từ năm 2012 đến 2016, các đơn vị quân đội đã tham mưu cho địa phương phát triển được gần 1.800 đảng viên là hạ sĩ quan, chiến sĩ, góp phần củng cố, xây dựng HTCT cơ sở. Với phương châm: Binh đoàn gắn kết tỉnh-huyện; công ty gắn kết xã-thị trấn; đội sản xuất gắn với buôn, làng, Binh đoàn 15 đã tham gia tích cực, hiệu quả xây dựng HTCT cơ sở. Từ năm 2011 đến 2016, binh đoàn đã phát triển được 188 đảng viên là công nhân người dân tộc thiểu số; có 11 cán bộ đội sản xuất của các công ty thuộc binh đoàn giữ chức bí thư chi bộ thôn, buôn. Hiện nay, 271/271 thôn, làng nơi binh đoàn đứng chân, làm nhiệm vụ đều đã có chi bộ Đảng.

Từ năm 2001 đến 2016, Bộ đội Biên phòng các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai và Kon Tum đã tăng cường hơn 30 cán bộ về các xã biên giới, giữ cương vị phó bí thư Đảng ủy xã. Lực lượng biên phòng cùng cấp ủy địa phương đã bồi dưỡng, phát triển được hơn 1.130 đảng viên, thành lập mới 59 chi bộ, xóa 20 thôn, buôn “trắng” về đảng viên. Đến nay, 267/267 thôn, buôn (thuộc 31 xã, 13 huyện biên giới) đều đã có chi bộ Đảng và có đảng viên tại chỗ. Các đồn biên phòng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới Tây Nguyên (với chiều dài 573,8km đường biên tiếp giáp Lào và Cam-pu-chia), đều phân công đảng viên tham gia sinh hoạt tạm thời tại hơn 260 chi bộ thôn, buôn vùng biên, giúp bí thư chi bộ về công tác phát triển Đảng và duy trì nền nếp sinh hoạt.

Cùng với đẩy mạnh phát triển Đảng trong quân nhân tại ngũ, Bộ CHQS các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương… chăm lo phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên (DQTV, DBĐV) để bổ sung cho chi bộ thôn, buôn. Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông cho biết: Từ năm 2014 đến 2017, cấp ủy, cơ quan quân sự các cấp trong tỉnh đã tham mưu, phát triển được 479 đảng viên trong DQTV và DBĐV, góp phần để tỉnh xóa hết thôn, buôn “trắng” về đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trên cơ sở kết quả đạt được, các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020”, trong đó quan tâm, chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số theo hướng đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, góp phần thiết thực củng cố HTCT cơ sở trong vùng ngày một vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cung-dia-phuong-phat-trien-dang-vien-cung-co-he-thong-chinh-tri-co-so-505921