Dọa hủy thượng đỉnh với Mỹ, phép thử của Triều Tiên có thành công?

Cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump ở Singapore xét về khía cạnh kinh tế là một cơ hội với cả Triều Tiên và Mỹ, vì vậy Bình Nhưỡng có thể đơn giản là đang muốn đặt ra những điều khoản thỏa thuận trước khi cuộc gặp diễn ra.

Triều Tiên tuyên bố có thể xem xét lại cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong-un-Donald Trump.

Ông Kim Jong-un không ngần ngại khi nhấn mạnh tập trung phát triển kinh tế. Ông Kim nhiều lần tuyên bố cam kết với chiến lược kép Byungjin - phát triển đồng thời hạt nhân và kinh tế.

Tuy nhiên, đến tháng 4 năm nay, tức là khoảng 5 năm sau khi công bố chính sách Byungjin, ông Kim Jong-un nói Triều Tiên đã đạt được những gì cần trên mặt trận hạt nhân, và bây giờ có thể chuyển sang tập trung phát triển kinh tế.

Đó là lý do vì sao không có gì ngạc nhiên khi Mỹ nói bất kỳ đầu tư tư nhân nào vào Triều Tiên đều phụ thuộc vào cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn của nước này.

Tập trung phát triển kinh tế là điều mà Bình Nhưỡng đang chịu áp lực phải làm. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc đã bắt đầu làm tổn thương nền kinh tế Triều Tiên.

Theo BBC, xuất khẩu của Triều Tiên sụt giảm 30% trong năm 2017. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - giảm đến 35%.

Cây viết Ankit Panda của tờ The Diplomat cho rằng, điều mà Bình Nhưỡng thực sự mong muốn đó là dỡ bỏ trừng phạt.

"Hiện tại có khoảng 9 nghị quyết trừng phạt khác nhau mà Triều Tiên đang phải gánh chịu. Điều đó cho thấy dỡ bỏ trừng phạt là điều khó khả thi. Không có gì có thể xảy ra nếu không có Mỹ và Liên Hợp Quốc" - ông Panda nói.

Cựu thành viên Hội đồng chuyên gia Liên Hợp Quốc William Newcomb cho rằng, lời đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ được xem là một phép thử mức độ sẵn sàng nhượng bộ của Washington.

Liệu chiến lược này có hiệu quả hay không vẫn là vấn đề còn phải bàn, song nhiều nhà phân tích cho rằng triển vọng của việc nới lỏng trừng phạt để đảm bảo cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra sẽ là điều ngạc nhiên.

"Hội đồng Bảo an sẽ phải hành động để loại bỏ, sửa đổi hoặc đình chỉ các biện pháp trừng phạt quốc tế" - BBC dẫn lời ông Newcomb nói. "Theo ý kiến của tôi, điều đó sẽ đưa đến tiến bộ đáng kể đối với việc phi hạt nhân hóa để đạt được sự chấp thuận quốc tế về việc dỡ bỏ trừng phạt".

Ông Newcomb cho rằng, đó có thể là lý do vì sao Bình Nhưỡng đang dùng con bài này. Triều Tiên muốn có cái mà họ thực sự cần, đó là đảm bảo rằng nền kinh tế của họ có thể tồn tại.

Song Minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/doa-huy-thuong-dinh-voi-my-phep-thu-cua-trieu-tien-co-thanh-cong-607471.ldo