Cũng cần chia sẻ với nghề y, ngành y

Thời gian qua, ngành y tế liên tục để xảy ra những sự cố đáng tiếc làm dư luận xã hội đau lòng và bức xúc. Thật đáng lên án và phê phán kịch liệt một số thầy thuốc, những con người cần y đức lại thiếu cả y đức và đạo làm người, thậm chí là phi nhân tính như chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường. Những cá thể tìm kiếm lợi nhuận từ khổ đau của bệnh nhân đó đã làm băng hoại nhân cách nghề nghiệp; làm ảnh hưởng, xót xa cho những người thầy thuốc chân chính, đầy nhân tâm đạo đức; làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc mà xã hội xưa nay tin yêu, quý trọng.

Hiện dư luận đang nổi sóng, những người thầy thuốc chân chính cũng đang bàng hoàng, bức xúc và quặn lòng trước những “con sâu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, công lao đóng góp, hình ảnh những người thầy thuốc suốt đời vì nghề nghiệp, miệt mài nghiên cứu khoa học, chữa bệnh cứu người và chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Từ đó, nảy sinh trong đội ngũ thầy thuốc 2 trạng thái tâm lý: một là cố gắng nỗ lực, nhiệt tình với công việc, hết lòng với người bệnh để lấy lại và củng cố niềm tin trong xã hội đối với nghề mình, ngành mình; hai là cảm thấy mặc cảm, tủi hổ và trở nên cực đoan khi không chịu nổi áp lực của dư luận về nghề nghiệp của mình, họ làm việc “thiếu lửa”.

Chúng ta biết rằng, với chức năng nhiệm vụ của mình, thời gian qua, ngành y tế đã có những đóng góp quan trọng trong y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe toàn dân... Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ y tế được ứng dụng; công tác đào tạo nguồn lực được quan tâm, trình độ chuyên môn kỹ thuật trong đội ngũ ngành y đang từng bước được nâng lên và tiến kịp, hội nhập với nhiều nước trên thế giới. Số đông đội ngũ thầy thuốc đều có lương tâm, muốn có một tay nghề cao, vững, tự tin với nghề nghiệp, vì thế đã dày công, tốn của tu luyện cả chuyên môn, nghiệp vụ cũng như y đức của người thầy thuốc. Một bác sĩ sau 6 năm học đại học chưa đủ, mà còn phải học thêm chuyên sâu sau đại học, chí ít cũng vài năm, ngoài ra còn phải rèn luyện thêm đạo đức nghề nghiệp, tình thương, niềm tin để hứng khởi khi tìm ra được căn bệnh, cứu được người. Họ còn phải rèn thêm đức chịu đựng vì không tránh khỏi những lần phải ngồi hàng giờ, thậm chí hàng đêm bên người bệnh rồi phải đau lòng nhìn họ ra đi, lại còn nhẫn nhịn, ngậm buồn trước những lời trách móc, oán giận của người nhà bệnh nhân và dư luận xã hội... Nhiều bác sĩ từng tự vấn lương tâm, nhiều lúc cảm thấy như mình có lỗi, mặt mũi phờ phạc, đầu choáng, mắt hoa, ngấn lệ đau thương vì ca mổ không thành...

Từ sự cố của ngành y tế và sự lên án của công luận đối với những thầy thuốc thiếu y đức, thiếu lương tâm nghề nghiệp, thiết nghĩ, xã hội cũng cần thông cảm với những người thầy thuốc và ngành y tế trong bối cảnh hiện nay để có sự chia sẻ, động viên. Có những trường hợp dẫn đến những điều rủi ro cho người bệnh nhưng không phải do thầy thuốc thiếu lương tâm, trách nhiệm mà do vì những sơ suất ngoài ý muốn và khả năng điều trị. Xã hội cũng cần coi đó cũng là một tai nạn của nghề nghiệp và có thể xảy ra, đừng vì thế mà lên án. Nghề thầy thuốc quả thực là khắt khe và không giống bất cứ nghề nào khác: bản in sai có thể đính chính, quyết định sai có thể thu hồi; nhưng người thầy thuốc không cho phép, vì đó là sinh mạng con người, đó cũng là điều “cấm kỵ” và khắt khe trong nghề nghiệp.

Từ những sự việc xảy ra, bài học và thông điệp gửi đến những người thầy thuốc còn thiếu đi chút gì đó về lương tâm, trách nhiệm, thiếu cẩn trọng, sơ suất, chủ quan, thiếu đi y đức thì cần phải điều chỉnh lại mình.

Trên tinh thần đó, cần xác định trách nhiệm người thầy thuốc nặng nề ngay từ khi khám, chẩn đoán cho đến lúc chỉ định phẫu thuật, kê toa, tiêm thuốc. Không những thế, còn phải thường xuyên theo dõi, lưu ý đến những phản ứng bất ngờ có thể xảy ra với bất cứ loại thuốc nào đối với bệnh nhân. Cử chỉ nhỏ của người thầy thuốc khi thăm hỏi cặn kẽ bệnh nhân trước khi kê đơn, hay nhắc nhở bệnh nhân, dặn dò bệnh nhân cần báo nhanh cho bác sĩ nếu thấy cơ thể có những thay đổi bất thường sau khi tiêm hoặc uống thuốc..., đó là những việc làm tuy đơn giản nhưng làm cho người bệnh yên tâm, tin tưởng; thậm chí cứu được mạng người vì nếu chỉ chậm đi một vài giây đối với bất cứ một bệnh nhân nào khi có sự cố đều có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

Chúng ta có niềm tin vào y học nước nhà và số đông đội ngũ cán bộ ngành y tế có đạo đức, có lương tâm nghề nghiệp và khả năng khám, chữa bệnh, đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm lo sức khỏe toàn dân. Tin rằng, gần đây và sắp tới, ngành y tế sẽ có những đổi mới trong quản lý, điều hành, chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm, tinh thần phục vụ và chăm sóc người bệnh cũng như sự nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hiện đại và mở rộng liên kết, áp dụng một số kỹ thuật mới trong điều trị, mở rộng tiếp cận với y học hiện đại trên thế giới. Chúng ta cũng khẳng định và có niềm tin rằng số đông người thầy thuốc là những người có trách nhiệm và nghề thầy thuốc là một trong những nghề cao quý cần được xã hội tôn vinh.

Đối với người thầy thuốc, yêu cầu đặt ra là, để trở thành một người thầy thuốc giỏi, hạn chế được những lời than oán của bệnh nhân, tránh được những rủi ro xảy ra, người thầy thuốc cần có lương tâm, trách nhiệm, đạo đức, lòng nhiệt tình, say mê nghề nghiệp và không ngừng học tập, trau dồi, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đã là thầy thuốc thì phải chữa bệnh cứu người, phải thấm nhuần 12 điều y đức, đặc biệt là lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, cần rèn luyện để có đủ hai yếu tố quan trọng là y thuật và y đức.

Đối với ngành y tế, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tăng cường quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm về y đức, về chuyên môn nghiệp vụ để từng bước làm trong sạch đội ngũ, lấy lại hình ảnh và niềm tin của người thầy thuốc trong nhân dân; Góp phần quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngành y tế trong thời gian tới.

Nguyễn Ngọc Phương

(TUV, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20131112113342112p0c61/cung-can-chia-se-voi-nghe-y-nganh-y.htm