Cụm di tích đền Chợ Giá, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh

Tọa lạc bên dòng sông Giá thơ mộng và hiền hòa, đền Chợ Giá (Huệ Đức trinh linh từ), nằm trong quần thể cụm di tích đền Chợ Giá và đền Mỹ Giang, thuộc xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), đã được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp thành phố. Trải qua bao năm tháng phong sương, đến nay sau lần trùng tu lần thứ ba, ngôi đền được khánh thành quy mô, tương xứng với những giá trị tâm linh và giá trị lịch sử- văn hóa quý giá...

Buổi chiều cuối thu, chúng tôi có dịp thăm viếng đền Chợ Giá, nơi thờ bà Phổ Thị Huyền, người có công âm phù giúp vua Lý đánh giặc. Theo thần tích làng Mỹ Giang, bà đã nhiều lần hiển linh giúp dân cứu nước, diệt tai trừ họa. Thần phả nơi đây còn ghi vào đời vua Lý Nhân Tông có giặc phương bắc từ biển phạm vào bờ cõi nước ta, chúng đóng quân ở bên Bạch Đằng giang và An Lâm Thị. Nhà vua đã thân chinh cầm quân đánh giặc, đại quân đóng ở Mỹ Cụ trang. Khi nhà vua đến trang Mỹ Giang, thuộc huyện Thủy Đường (tức làng Mỹ Giang, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên ngày nay) thì tạm nghỉ ở chùa cạnh chợ Giang Tân (tức chợ Giá ngày nay).

Nửa đêm, vua nằm mơ thấy một người con gái trẻ kiều diễm xin được theo quân "âm phù trợ lực" và giới thiệu hai người em trai văn võ toàn tài giúp vua đánh giặc. Tỉnh dậy, nhà vua liền sai triệu tập các bô lão và dân chúng quanh vùng An Lâm Thị hỏi về gia đình họ Phổ và tìm gặp anh em sinh đôi nhà này là Phổ Hóa, Phổ Hộ, có một chị gái là Phổ Thị Huyền đã mất từ năm 16 tuổi. Hỏi về kế sách đánh giặc, cả hai trả lời rất lưu loát và nguyện xin được tòng quân giúp nước. Nhà vua vui mừng giao cho hai ông cầm quân bộ tả hữu tiên phong cùng cánh quân thủy của tướng Đoàn Thượng tiến quân đánh giặc và giành đại thắng. Trong bữa tiệc khao quân, nhà vua đã ngẫu hứng làm thơ: "Nhất triều tụ hội hoán tinh thần/ Trẫm thị Nương quân ngộ nghĩa thần/ Trinh nữ nhất tiêu hồn mộng báo/ Mỹ Giang hương hỏa ức niên xuân". Đây cũng là bài thơ đã được tạc vào bia đá, để ở đền thờ Phổ Gia tại đầu chợ Giá.

Thắng xong giặc dữ, nhà vua ban thưởng dân làng ba trăm quan tiền để xây đền thờ bà Phổ Thị Huyền và truyền cho người dân trong vùng đời đời hương hỏa. Sau đó, hai ông Phổ Hóa và Phổ Hộ được phong là Hộ Công Vi Tả Bật Nguyên soái và Hữu Bật Nguyên soái Đại tướng quân và được xây đền thờ (nay là đền Mỹ Giang, xã Kênh Giang). Theo ngọc phả, đền được xây dựng ngay trên ngôi đất có thế "chân long", nơi hai đức Phổ Hóa và Phổ Hộ quy tiên. Đến thời triều Nguyễn, bà Phổ Thị Huyền được truy phong là Bản Cảnh Thành Hoàng- Huệ Đức Trinh Linh, Phổ Thị Huyền Càn Quý Lương Phạm Đình Quân Công chúa.

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng làng văn hóa Mỹ Giang và ông Đồng Xuân Quý, Trưởng Ban quản lý di tích đền Chợ Giá, chúng tôi mới thấy hết giá trị lịch sử- văn hóa quý giá của cụm di tích. Đền Mỹ Giang chạy dài, nằm tựa lưng vào núi, "long phục, hổ chầu", chứa nhiều yếu tố tâm linh. Gian chính của đền thờ hai ông Phổ Hộ và Phổ Hóa. Còn đền Chợ Giá, quanh năm rợp bóng mát dưới tán lá của năm cây cổ thụ, được Hội Bảo vệ môi trường Hải Phòng công nhận là "cây di sản" bao gồm: một cây đa 330 tuổi, ba cây bồ đề cùng hơn 300 tuổi, một cây thị hơn 200 tuổi. Năm cây cổ thụ, tán lá xum xuê quây quần che chở xóm làng như linh khí đất trời tụ lại, càng tạo thêm vẻ linh thiêng. Nhẹ lật từng trang sử liệu, hai ông Quảng và Quý không giấu được tự hào khi ngôi đền vẫn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử vô giá, trong đó đặc biệt phải kể đến bảy sắc phong của triều Nguyễn.

Tương truyền không chỉ là nơi tôn thờ đức thánh nữ một lòng "âm phù yêu nước", đền Chợ Giá còn là nơi "đất lành chim đậu". Đó là hai câu đối khắc ghi ngay cổng vào: "Tiêu thánh khuông phù dân sở tại/ Nữ thần tế độ khách vãng lai". Hàm ý, làng Mỹ Giang là đất lành của cả người dân bản địa và những người ở nơi xa đến đây sinh sống, làm ăn. Từ đó đến nay, ngoài việc bảo tồn tín ngưỡng tâm linh của dân làng, đền Chợ Giá cùng đền Mỹ Giang không chỉ thờ vị thành hoàng là nhân thần mà còn là nơi ghi nhớ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", đạo lý của dân tộc Việt.

Lại nói về vùng đất Kênh Giang là một trong 37 xã và thị trấn của huyện Thủy Nguyên. Người xưa khi chọn thế đất "sinh cơ lập nghiệp" thường coi trọng: "nhất cận thị, nhị cận giang". Ngay từ buổi sơ khai, các trang Mỹ Giang, Trại Kênh và Trà Sơn đã có vị thế "sơn thủy sùng diện", núi không cao mà có phù sa đắp lại và sông Giá (một nhánh của dòng sông Bạch Đằng oai hùng lịch sử) vốn mang vẻ đẹp "tiện nghi tương thắng, cảnh vật phong quang". Điều đặc biệt là vị trí đền Chợ Giá lại sát cạnh chợ Giá, hội tụ đủ bốn yếu tố linh thiêng: "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, tứ cận sơn" (gần chợ đông, sông rộng, đường lớn, núi cao) và đã được sách Đại Nam nhất thống chí nhắc đến, trong khi dân gian cũng lưu truyền câu ca dao: "Nhất cao là núi U Bò/ Nhất đông chợ Giá, nhất to sông Rừng". Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, xưa kia nơi đây luôn nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, ngày nay, tuy chợ không đông như trước, nhưng nếp xưa vẫn được người dân nơi đây giữ gìn, trân trọng.

Trải qua hơn 900 năm với bao thời gian mưa nắng xói mòn, chiến tranh giặc giã đã làm cho ngôi đền chỉ còn phế tích. Từ năm 2001, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kênh Giang cùng tín khách thập phương đã tổ chức tôn tạo, xây dựng lại quy mô tương xứng với giá trị tâm linh, giá trị lịch sử- văn hóa quý giá. Đặc biệt, lần trùng tu thứ ba, từ năm 2015 đến nay, những nét kiến trúc cũ được phục dựng, những công trình mới xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên phong thủy hữu tình. Và ngôi đền linh thiêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31395402-cum-di-tich-den-cho-gia-noi-luu-giu-nhieu-gia-tri-van-hoa-tam-linh.html