Cục Điều tra Hình sự vào cuộc 'đòi quyền lợi ở Cty Hà Thành'

Ngày 22/7/2016, Báo Thanh tra có bài 'Viết tiếp về Cty Hà Thành: Giải quyết khiếu nại nhưng chưa xem xét tình tiết mới'.

Mong muốn của hơn 100 cán bộ góp vốn là khúc mắc của Cty Hà Thành sớm giải quyết để D.A được khởi động trở lại sau thời gian dài “ đắp chiếu”. Ảnh: Thế Lữ

Mong muốn của hơn 100 cán bộ góp vốn là khúc mắc của Cty Hà Thành sớm giải quyết để D.A được khởi động trở lại sau thời gian dài “ đắp chiếu”. Ảnh: Thế Lữ

Ngày 28/7/2016, Báo Thanh tra có Công văn số 362/BBT-PV gửi Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đề nghị làm rõ nội dung Báo nêu.

Ngày 18/8/2016, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có Công văn số 2065/BTL-TTQP phúc đáp Báo Thanh tra, nêu: Tại Quyết định số 968/TTg ngày 28/12/1996, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng do quân đội quản lý trên địa bàn Quân khu 2, trong đó có 37.054 m2 đất thuộc xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Công văn số 2638/BQP-TM ngày 3/10/2011 gửi UBND TP Hà Nội đồng ý cho phép chuyển mục đích sử dụng 37.054m2 đất quốc phòng của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh để xây dựng nhà ở gia đình. Đây là vấn đề pháp lý khẳng định 37.054m2 đất thuộc xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh là đất quốc phòng.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nêu quan điểm là vậy, nhưng hồ sơ của Cty Hà Thành cho thấy tính pháp lý để hơn 100 cán bộ sỹ quan quốc phòng đòi quyền lợi là chính đáng, bởi vì: Ngày 28/12/1996, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt đất quốc phòng, nhưng trước đó, từ năm 1993 - 1996, Cty Hà Thành đã hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án (D.A) và D.A đã khởi công được nhiều hạng mục với tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng.

Hồ sơ Cty thể hiện: Ngày 3/8/1993, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 345/QĐ-QP về việc thành lập lại Cty Long Giang (nay là Cty Hà Thành), trong đó có chức năng kinh doanh nhà.

Đến ngày 22/4/1996, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 573/QĐ-QP về bổ sung ngành nghề cho Cty Hà Thành: Ngành nghề kinh doanh nhà chuyển thành kinh doanh bất động sản.

Về tính pháp lý của D.A xây dựng nhà xưởng sản xuất, nhà ở cán bộ của Cty Hà Thành tại xã Đại Thịnh, Mê Linh cũng rất rõ ràng và chặt chẽ: Ngày 30/6/1994, Cty Long Giang có Văn bản số 181/TT xin phê duyệt Quy hoạch tổng thể D.A nói trên và đã được Tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - PV) phê duyệt.

Ngày 27/7/1994, Tư lệnh Quân khu Thủ đô đã phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật D.A nói trên.

Vì không có tiền của ngân sách nên ngày 22/10/1994, Cty Hà Thành có Tờ trình số 305/TT gửi Tư lệnh Quân khu Thủ đô xin phép huy động vốn để thực hiện D.A và đã được Tư lệnh Quân khu Thủ đô đồng ý.

Ngày 12/7/1995, UBND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) có Quyết định số 1231/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng D.A. Theo đó, ngày 28/7/1995, Sở Xây dựng Vĩnh Phú đã cấp Giấy phép xây dựng số 25 cho Cty Hà Thành thực hiện D.A nói trên.

Ngoài ra, các thủ tục và chi phí để chuyển quyền sử dụng đất của Trường Trung học Kỹ thuật in cho Cty Hà Thành cũng đã được thực hiện đầy đủ. Khoản tiền huy động và tự có của Cty lên tới 17 tỷ đồng. Nhiều hạng mục công trình, nhà ở biệt thự đã được xây dựng trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đất quốc phòng.

Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để các cán bộ đòi quyền lợi vì khi quy hoạch vào đất quốc phòng, nhưng Bộ Quốc phòng và chính quyền sở tại chưa phối hợp với Cty Hà Thành để thực hiện các thủ tục tiếp theo cho nên đất đó chưa thể là đất quốc phòng. Điều này được làm sáng tỏ trong Văn bản số 1022/BC-KHĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội khẳng định: “Ngày 28/12/1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 908/TTg phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng do quân đội quản lý trên địa bàn Quân khu II (khu đất của D.A có số thứ tự 14). Nhưng Cty Hà Thành chưa làm thủ tục với cấp có thẩm quyền để có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất quốc phòng”. Như vậy, Bộ Tư lệnh Thủ đô phải có trách nhiệm phối hợp giải quyết quyền lợi của những người góp vốn.

Trong Công văn số 2065 gửi Báo Thanh tra, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nêu: “Các đồng chí: Đại tá Vũ Văn Huynh; Đại tá Trần Hữu Phùng; Thượng tá Nguyễn Tiến Cát theo Quyết định số 1464/QĐ-TL ngày 28/8/1998 và Quyết định số 1683/QĐ-TL ngày 8/10/1998 của Tư lệnh Quân khu Thủ đô nguyên là trưởng đoàn, phó đoàn, thành viên đoàn thanh tra việc quản lý sử dụng đất, xây dựng nhà xưởng, huy động, quản lý, sử dụng vốn sản xuất, kinh doanh của Cty Long Giang và giải quyết đơn tố cáo của ông Giang Tiến Dũng, là những người trực tiếp thanh tra, xem xét, trả lời ông Dũng trước đây, nay đã nghỉ hưu”.

Vậy có “sức ép” khi họ đương chức hay không, để đến khi đã nghỉ hưu, họ mới dám nói ra những điều thành thực: Đại tá Trần Hữu Phùng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng Kinh tế Quân khu Thủ đô (trực tiếp quản lý vốn của Cty Long Giang xác nhận: “Cty Long Giang được thành lập nhưng không được cấp vốn từ ngân sách Nhà nước mà tự nguyện huy động vốn và chuyển thành vốn Nhà nước, được quân khu nhất trí. Việc kinh doanh hàng hóa theo ngành nghề đã được đăng ký. Vậy tôi xin chứng nhận thực tế của Cty Long Giang tại thời điểm đó để làm căn cứ”.

Đại tá Vũ Văn Huynh, Anh hùng Quân đội, nguyên Chánh Thanh tra Quân khu Thủ đô xác nhận: “Tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Trần Hữu Phùng xác nhận”.

Thượng tá Nguyễn Tiến Cát, nguyên cán bộ, thành viên của đoàn kiểm tra doanh nghiệp Quân khu Thủ đô xác nhận: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đơn kiến nghị của đồng chí Giang Tiến Dũng”.

Trên đây là những tình tiết mới rất có giá trị, có tính pháp lý cao để làm cơ sở giải quyết khúc mắc lâu nay, vậy mà trong văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam trả lời đơn khiếu nại của ông Giang Tiến Dũng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lại cho rằng “câu chuyện” khiếu nại của ông Dũng “không có tình tiết mới”!

Và, trong Công văn số 2065 gửi Báo Thanh tra, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lại “từ chối” trách nhiệm giải quyết:“Ông Giang Tiến Dũng đã có đơn thư gửi cung cấp nhiều lần, gửi đi nhiều nơi, trong đó có Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Quân khu Thủ đô Hà Nội trước đây, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội hiện nay đã xem xét, giải quyết và trả lời nhiều lần. Ông Giang Tiến Dũng đã có ý kiến sẽ khởi kiện vụ việc này ra tòa án, vì vậy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội không xem xét giải quyết nữa”.

Trao đổi với Báo Thanh tra về nội dung này, ông Giang Tiến Dũng khẳng định, chưa đưa vụ việc này ra tòa, bởi mong muốn Bộ Tư lệnh Thủ đô làm hết trách nhiệm với cán bộ công nhân quốc phòng. Ông Dũng cho biết: Cục Điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng đang vào cuộc. Cán bộ của Cục đang làm việc với ông Dũng và một số cán bộ nguyên là thành viên của đoàn kiểm tra doanh nghiệp Quân khu Thủ đô trước đây.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/phan-hoi/cuc-dieu-tra-hinh-su-vao-cuoc-doi-quyen-loi-o-cty-ha-thanh_t114c38n109227