Cục Đăng kiểm có kìm hãm công nghệ đóng tàu PPC?

Một chủ tàu ở Quảng Ninh sau khi đặt đóng một cano PPC (vật liệu polypropylen copolyme) nhưng không đăng kiểm được, đã gửi thư ngỏ lên Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị thay Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Nhiều chủ tàu điêu đứng vì đăng kiểm

Trong thư ngỏ đề ngày 11.5.2017 gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và các cơ quan báo chí, ông Bùi Thành Luân (trú tại xóm Thái Hòa, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã viết: “Tôi kiến nghị Bộ GTVT thay đổi người đứng đầu của Cục ĐKVN để đổi mới tư duy của Cục này và giúp cho tàu thuyền phát triển”.

Về lý do gửi thư ngỏ, ông Bùi Thành Luân cho hay: “Tôi có đặt Cty CP công nghệ Việt Séc ở Vũng Tàu đóng một cano du lịch chở khách bằng vật liệu PPC. Tàu dài 11m, sức chở 35 người, trang bị hai động cơ tổng công suất 500HP. Tôi đã chạy thử tàu. Tàu chạy rất tốt, đạt các thông số kỹ thuật. So với các loại tàu vỏ gỗ gia đình tôi đã sử dụng kinh doanh du lịch thì tàu PPC an toàn, thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm chi phí bảo hành và bảo dưỡng. Thế nhưng do không đăng kiểm được nên tôi không thể nhận tàu. Việc này làm hỏng hết cả kế hoạch kinh doanh của tôi”.

Giám đốc của đơn vị đóng tàu là ông Vũ Văn Đảo - Công ty Việt Séc cũng xác nhận, thời gian qua Công ty đóng mới 5 cano PPC du lịch có sức chở từ 20 - 35 người. Một chiếc cho ông Bùi Thành Luân, 4 chiếc cho Cty CP đầu tư và xây dựng Tuấn Linh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Ông Đảo cho biết: “Theo hợp đồng đã ký với đăng kiểm, họ có trách nhiệm thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát và tiến hành đăng kiểm cho phương tiện chúng tôi sản xuất. Tuy nhiên, khi Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT được Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành vào ngày 20.12.2016 chỉ cho phép đóng tàu PPC chở đến 12 người thì Cục ĐKVN im lặng không thực hiện hợp đồng đã ký với DN”.

“Không đăng kiểm được lô tàu cho khách hàng, cực chẳng đã, tôi phải gửi đơn kêu cứu lên lãnh đạo Bộ GTVT, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan báo chí. Lúc đó Cục Đăng kiểm mới có công văn trả lời và đưa ra những yêu cầu gây khó khăn cho Công ty tôi. Thậm chí họ còn vu cho tôi là vi phạm Luật Giao thông đường thủy khi đóng tàu mà hồ sơ thiết kế chưa được cơ quan đăng kiểm phê duyệt”, ông Vũ Văn Đảo bức xúc.

Cục Đăng kiểm có lúng túng về vật liệu PPC?

Liên quan đến việc Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 95: 2016/BGTVT) về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylen copolyme (gọi tắt là vật liệu PPC, Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT ngày 20/12/2016), dư luận gần đây đã chỉ ra mâu thuẫn của Cục ĐKVN khi đã cho đăng kiểm tàu khách PPC chở khách đến 56 người nhưng lại ”tư vấn” để Bộ trưởng Bộ GTVT ký ban hành Thông tư 43 chỉ cho phép đóng tàu chở tới 12 người.

Trước sự bức xúc của dư luận, ngày 8.5.2017 Cục ĐKVN đã phát hành Thông cáo báo chí thừa nhận: “Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang là nước đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy có sức chở trên 12 người để sử dụng thử nghiệm; và cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này”.

Cục Đăng kiểm từ chối đăng kiểm cho tàu sức chở trên 12 người được đóng bằng vật liệu PPC kinh doanh du lịch ở các vùng biển Việt Nam

Thế nhưng lý do cho đăng kiểm để ”sử dụng thử nghiệm” của Cục ĐKVN hoàn toàn không thuyết phục và không có căn cứ pháp luật.

Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, phương tiện thủy có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện: Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...; Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường... (Điều 24).

Như vậy, khi Cục ĐKVN cho lưu hành 2 tàu khách Ferry 42 có sức chở 32 người và Ferry 56 có sức chở 56 người do Cty CP Công nghệ James Boat (Hà Nội) chế tạo thì phải khẳng định hai tàu này đã “đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật...” chứ không thể nói là “sử dụng thử nghiệm”.

Rõ ràng lập luận “đăng kiểm thử nghiệm”, “sử dụng thử nghiệm” là một cách lập luận ngụy biện để giải thích cho việc QCVN 95: 2016/BGTVT chỉ cho phép đóng tàu PPC chở đến 12 người.

Ngay tại website của Cục ĐKVN, Cục này cho biết: “Trong trường hợp tàu đóng bằng vật liệu phi truyền thống (tức là chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật được công nhận), cho phép áp dụng phương pháp thiết kế dựa trên rủi ro (risk based design). Thực chất của phương pháp này là quá trình nghiên cứu và thử nghiệm lâu dài, ứng dụng nhiều phương pháp lý thuyết và thực tiễn khác nhau nhằm xác định tất cả các rủi ro mà tàu dự kiến đóng có thể gặp phải trong quá trình đóng mới và hoạt động để từ đó có biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, người sử dụng và môi trường”.

Thông cáo báo chí của Cục ĐKVN cho biết: “Trong năm 2015, Cục ĐKVN, Cty CP Công nghệ James Boat đã có nhiều nghiên cứu, thử nghiệm đối với vật liệu PPC như: Thử kết cấu chống cháy A-60; Thử nghiệm sinh khói và khí độc theo tiêu chuẩn của FTP Code; Thử kéo mẫu vật liệu PPC lấy từ phương tiện đã qua sử dụng của Cty CP Công nghệ James Boat”.

Như vậy có thể thấy với những kết quả nghiên cứu thử nghiệm này, 2 sản phẩm tàu khách Ferry 42 và Ferry 56 là kết quả của “phương pháp thiết kế dựa trên rủi ro”.

Việc Cục ĐKVN cấp đăng kiểm cho 2 tàu khách PPC này hoạt động kinh doanh đã cho thấy 2 tàu này phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN đã trao giải nhất Giải thưởng Sáng tạo KHCN VN (Vifotec) và giải thưởng WIPO năm 2016 cho sản phẩm tàu khách PPC 56 chỗ của Cty CP Công nghệ James Boat là một minh chứng cho việc Bộ GTVT ra Thông tư 43 đang cản trở sự phát triển của KHCN, phát triển sản xuất của DN.

Được biết, đơn kêu của DN gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Văn phòng chính phủ chuyển tới Bộ GTVT xem xét, xử lý và trả lời theo thẩm quyền.

Dư luận đang trông đợi thái độ nhìn nhận khách quan đối với sự phát triển của ngành đóng tàu PPC của lãnh đạo Bộ GTVT.

Lam Anh

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/cuc-dang-kiem-co-kim-ham-cong-nghe-dong-tau-ppc_n24489.html