Cư xử với bạn chồng thế nào cho ổn

GD&TĐ) - Trong mối quan hệ tay ba gồm vợ - chồng – bạn chồng, có khuynh hướng phát sinh những điều tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Đôi khi chỉ là chuyện người chồng hào phóng chi chút tiền để giúp đỡ người bạn nối khố lúc gặp khó khăn hoặc lúc vui miệng mời mọc bạn hữu đến nhà chơi… nhưng lại gặp cản trở từ vợ mình.

(GD&TĐ) - Trong mối quan hệ tay ba gồm vợ - chồng – bạn chồng, có khuynh hướng phát sinh những điều tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Đôi khi chỉ là chuyện người chồng hào phóng chi chút tiền để giúp đỡ người bạn nối khố lúc gặp khó khăn hoặc lúc vui miệng mời mọc bạn hữu đến nhà chơi… nhưng lại gặp cản trở từ vợ mình. Vấn đề khó ở chỗ, nếu người vợ tỏ ra dễ dãi quá cũng không được mà khó khăn quá cũng không xong.

Khi chồng “vung tay quá trán” với bạn bè: Nhắc đến tính hiếu khách, đặc biệt với những bạn bè thời “nối khố”, khi còn ngồi chung ghế giảng đường đại học, chắc không ai có thể qua mặt được anh Minh Tâm, nhân viên IT của công ty X. khá lớn trong thành phố. Công việc của anh tuy rất bận rộn, nhưng cứ nghe bạn bè nhắn tin hoặc “ới” cần việc gì là anh sẵn sàng có mặt để giúp đỡ họ ngay. Có lần, người bạn từng học chung khóa của anh trước kia ở Vĩnh Long muốn đưa con lên thành phố chữa bệnh. Không cần hỏi qua ý kiến của bà xã, anh quyết định luôn: “Cậu cứ lên nhà tớ cho khỏi tốn tiền thuê nhà. Đừng ngại ngùng gì cả”. Anh bạn nghe vậy hồ hởi khăn gói lên ngay và thế là gần nửa tháng, vợ chồng anh Tâm phải loay hoay vừa lo chỗ ăn ở cho khách, lại vừa tìm hết bệnh viện này đến bác sĩ kia để chữa chạy dùm đứa con của người bạn. Sau này, khi đã hoàn thành trách nhiệm với khách, anh Tâm không tránh khỏi bị vợ cằn nhằn, nào là “xem vợ chẳng có kí lô nào. Thích gì làm nấy chẳng cần hỏi ý của ai”, “trọng bạn hơn trọng vợ”…Thanh minh cho việc làm của mình, anh Tâm nói ngay: “Bạn bè biết giúp đỡ nhau lúc khó khăn mới quý chứ. Sau này, có gì người ta còn nhớ đến mình. Bạn anh cũng như bạn của em. Đừng so sánh như thế. Không hay chút nào”. Vợ anh tuy bằng mặt nhưng không bằng lòng, vì theo chị anh chỉ giỏi tài biện luận chứ chẳng có lý chút nào.

Bên cạnh sự hào phóng của những người chồng là nỗi lo của các bà vợ. Lại có người chồng hà tiện với người nhà nhưng rất rộng rãi với người ngoài, điều này càng khiến người vợ cảm thấy bất an, thậm chí khó chịu vì cách cư xử thái quá của chồng mình. Mâu thuẫn có thể phát sinh từ đó nếu cả hai thiếu sự cảm thông và thấu hiểu lẫn nhau.

Khi vợ “đoạn tuyệt” với bạn của chồng: Mới đây, trong một cuộc họp mặt với “chiến hữu”, lúc chuyện trò cao hứng, bạn bè anh Hoàng nhà ở quận Tân Bình nảy ra ý bình chọn “đệ nhất hiền thê” của nhóm. Và trong nhóm chín bà vợ, chị Hoài Thu, vợ của anh được xếp vào hàng… áp chót. Tuy đùa cho vui, nhưng anh Hoàng vẫn cứ cảm thấy lòng buồn man mác. Tiêu chuẩn bình chọn của nhóm chỉ gói gọn trong cách cư xử với bạn chồng của các quý phu nhân. Nghe bạn bè diễn lại cách chị Thu từ chối tiếp, cách chị trả lời điện thoại với bạn bè của chồng và cả thái độ của chị khi gặp họ, anh Hoàng phải…cười ra nước mắt, thậm chí anh phải pha trò với họ mà lòng đau như cắt. Theo lời anh, họ diễn lại dung nhan rất đạt của vợ anh: mặt lạnh như tiền, nói năng nhát gừng, đang nói nửa chừng quay sang quát con ầm ĩ… Nhưng đây cũng chỉ là một phần so với những gì anh Hoàng từng chứng kiến khi chị Thu nói về họ, những người bạn của chồng mình. Mỗi khi nghe chồng than thở về chuyện này, chị Thu thường bĩu môi lên án: “Em chẳng thích các ông đàn đúm để nói xấu vợ con”. Hơn thế, chị còn xem bạn bè của chồng là một đám “nát rượu” và “vô tích sự”, chỉ kiếm cớ gặp nhau để nhậu nhẹt nên ai đến nhà cũng bị chị lườm nguýt hoặc trả lời như “dùi đục chấm nước cáy”. Anh muốn giúp đỡ bạn điều gì, liền bị chị gạt bỏ. Cũng từ đó, bạn bè của anh lại “gánh” thêm cái “tội” là nhờ vả, xin xỏ chứ nào có tốt lành gì. Không ít lần, chị Thu bắt chồng phải chọn giữa vợ và bạn. Mỗi lần như vậy, anh Hoàng đành ngậm ngùi hủy bỏ cuộc hẹn để ở nhà “ngồi ngáp gió” mà lòng buồn bực vô cùng, bởi lúc nào, chị Thu cũng sợ chồng mình bị… lợi dụng.

Nhiều người vợ có thái độ xem thường những mối quan hệ của chồng. Họ không thích chồng cứ mỗi chút lại nhắc đến chiến hữu này hay bạn bè nọ một cách thân thiện. Trong mắt người vợ, người chồng có mối quan hệ càng rộng, càng có nguy cơ phát sinh những sự cố gây xáo trộn và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình. Nói bằng lời không xong, họ liền ra mặt tỏ thái độ bất mãn với khách của chồng. Theo họ, đây là cách hai trong một, vừa để dằn mặt nhau, vừa lên án bạn bè của chồng.

Dung hòa quan hệ tay ba: Mối quan hệ về gia đình và xã hội trong thời buổi hiện đại có nhiều đổi mới, đặc biệt trong giao tiếp với bạn bè của chồng cũng không ngoại lệ. Trong đó, những cuộc thăm viếng mang tính cá nhân hay của mọi thành viên trong gia đình là điều vẫn thường xuyên diễn ra. Có thể nói, mối quan hệ giữa người vợ và bạn bè của chồng cần tế nhị và đòi hỏi sự ứng xử sao cho vẹn cả đôi đàng. Ông bà ta có câu “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Khi nào một người chồng cảm thấy mình sang hẳn lên nhờ sự “tỏa sáng” của vợ? Có lẽ là lúc có khách đến nhà. Vì thế trong giao tiếp với bạn bè của chồng, người vợ cần giữ đúng mực, không lãnh đạm nhưng cũng đừng quá vồn vã. Về phía người chồng, cũng nên biết cách cân bằng cho hài hòa giữa lòng tốt với bạn bè và trách nhiệm với gia đình. Nếu quá “cả nể”, chẳng những bị bạn bè lợi dụng mà còn gây bất hòa với vợ con. Khi hai vợ chồng cùng biết chia sẻ những vấn đề đôi khi mang tính tế nhị trong giao tiếp với bạn bè, nhất là bạn bè của chồng thì những mối quan hệ gia đình nói riêng và xã hội nói chung sẽ thuận buồm xuôi gió hơn.

Cuộc sống vợ chồng không thể tách biệt với những mối quan hệ đối với bạn bè của đôi bên. Cho dù là khách của chồng hay vợ, hai vợ chồng cần có sự bàn bạc thống nhất với nhau trong cách cư xử sao cho đúng với khách khứa của đôi bên. Chính sự đồng thuận giữa hai vợ chồng sẽ giúp cho mối quan hệ giữa bạn bè và gia chủ càng thêm sâu đậm. Vì thế, người vợ, hãy là gia chủ hiếu khách. Trước những tình huống tế nhị khi có khách đến nhà, bạn cần có thái độ giải quyết vấn đề một cách khéo léo để không bị mang tiếng là “đuổi khách”. Lúc khách đến, không nên tránh mặt bỏ xuống bếp ngay, một vài câu hỏi han xã giao giúp khách cảm thấy thân tình và tự nhiên hơn. Hãy xem việc khách đến nhà là niềm vui của hai vợ chồng, vì bản thân mình có như thế nào mới nhận được sự ưu ái đó từ khách. Còn nếu như khách đến nhà lỡ có quá chén, sa đà thì thái độ vui vẻ nhẫn nhịn của người vợ sẽ làm cho người chồng “tâm phục khẩu phục” hơn và cũng tự cảm thấy có lỗi, để lần sau không dám giữ khách lại quá lâu.

Ca Dao

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2775/201204/Cu-xu-voi-ban-chong-the-nao-cho-on-1960706/