Cụ Trúc tìm bạn thời 'ống túm'

"Bây giờ có về với tiên tổ, tôi cũng an lòng rồi. Bởi Hoàng Khuê của tôi, cách đây 25 năm, đã yên ấm trong nghĩa trang liệt sĩ"-cụ Nguyễn Văn Trúc mở đầu câu chuyện như thế tại tư gia với các cựu chiến binh cùng ngõ 37, tổ 10, phường Thượng Thanh (quận Long Biên, TP Hà Nội), sau chuyến trở về Hải Lăng (Quảng Trị) thăm mộ người bạn thời "ống túm".

Giữa ngào ngạt hương chè Thái Nguyên nóng hổi, cụ Trúc chậm rãi kể lại những ký ức về một tình bạn, tình đồng chí sâu nặng. Hoàng Khuê và Văn Trúc cùng quê huyện Hải Lăng, cùng sinh năm 1930. Hồi kháng chiến chống Pháp, Khuê đã mất cha, chỉ còn mẹ và một chị gái tên là Hoàng Thị Sắc, sống nghèo khó ở làng Câu Nhi, xã Hải Phong. Khuê là du kích xã Hải Phong. Trúc là du kích xã Hải Định. Tháng 7-1949, Đại đội quân địa phương Quảng Trị được thành lập, Khuê và Trúc lại cùng vào quân ngũ và ở một tổ "tam tam chế" (tổ 3 người), thân nhau như anh em ruột.

“Tôi nhớ mãi cái hôm cả tổ nằm trong vườn quýt, phục kích quân giặc ở đồn Ưu Điềm ra sông lấy nước. Tôi nhặt quả quýt dưới gốc cây, bóc ăn. Tối về sinh hoạt, Tổ trưởng Ngọc phê bình tôi: "Trong mười hai điều kỷ luật của quân đội có quy định: Không được lấy một cái kim, sợi chỉ của dân. Tại sao đồng chí lấy quýt của dân ăn?". Tôi trình bày: "Quả quýt nó rụng. Tôi nhặt ăn". Hoàng Khuê thì nói: “Việc nhỏ nhưng có thể sẽ mang hậu quả lớn. Nếu dân thấy, tưởng ta hái quýt trên cây ăn, là tai tiếng”. Tôi nhận ra lỗi, cảm động trước tình bạn, tình đồng chí cao đẹp”-cụ Trúc xúc động kể lại.

Cụ Nguyễn Văn Trúc (thứ hai, từ trái sang) kể lại chuyện về liệt sĩ Hoàng Khuê.

Một buổi chiều tháng 7-1951, giặc Pháp từ đồn Diên Sanh về cướp lúa của đồng bào thôn Đơn Quế, xã Hải Thái. Trung đội 3 nhận lệnh ra đánh đuổi giặc. Khuê bị trúng đạn. Nhìn thấy đồng đội máu loang ướt áo, nằm bên bờ ruộng, Trúc choáng váng, khựng người lại. Tiếng Trung đội trưởng thét vang: "Tam-xông! Tam-xông truy kích giặc, trả thù cho đồng đội". Với khẩu súng tam-xông trong tay, Trúc đành phải bỏ Khuê lại, xông lên cùng đồng đội trút lửa đạn về phía quân thù...

Chiều tà, trận tan. Đơn vị bàn giao nhiệm vụ thu dọn chiến trường cho dân quân sở tại. Các tử sĩ được mai táng tại xã Hải Thái. Ngay đêm hôm ấy, theo lệnh của trên, toàn đơn vị rút về Triệu Sơn. Trúc vừa đi vừa thầm khóc bạn!

Chiến dịch kế tiếp chiến dịch cho đến ngày kết thúc chiến tranh, Trúc trở về Thủ đô công tác.

Tháng 3-1990, đã ở tuổi 60 chờ nhận sổ hưu, ông Trúc quyết định về quê vài tháng để thăm người thân, tìm bạn bè, ân nhân và đền ơn đáp nghĩa. 8 giờ sáng một ngày đầu tháng Tư, ông tới làng Câu Nhi, hỏi mấy người dân ở đây có biết ai là mẹ ông Khuê liệt sĩ. Họ bảo, khoảng năm 1982, nhiều gia đình đã đi khỏi quê. Có lẽ bà cụ cũng đi rồi... Ông Trúc đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phong, soát kỹ từng tấm bia nhưng không thấy Hoàng Khuê.

Thật may, khi ông Trúc tới trụ sở UBND xã Hải Phong thì gặp được đồng chí Hoàng Hòa, Xã đội trưởng. Sau khi nghe kể sự tình, đồng chí hồ hởi: “Về anh Hoàng Khuê, gần đây chúng tôi đã nghe nói. Nhưng vì sau giải phóng 7 năm, bà mẹ và chị anh Khuê đi kinh tế mới ở Đắc Lắc, thân nhân không còn ai ở đây nên chưa có hồ sơ". Thế rồi, đồng chí xã đội trưởng rút tờ giấy trắng, đưa cho ông Trúc: “Đồng chí ghi chi tiết trường hợp hy sinh của anh Hoàng Khuê và xác nhận giúp. Chúng tôi sẽ tìm gọi người chị của anh Khuê về để cùng làm hồ sơ đề nghị trên công nhận anh Hoàng Khuê là liệt sĩ”...

Hai năm sau, nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), ông Trúc lại về Hải Phong và đến thẳng nhà ông xã đội trưởng. Thấy ông Trúc, xã đội trưởng cười ha hả, nói: “Xong rồi! Trên đã truy phong liệt sĩ cho đồng chí Hoàng Khuê. Hôm ra nhận bằng Tổ quốc ghi công, chị Hoàng Thị Sắc còn về thăm mộ Hoàng Khuê mới được quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Thái, rất khang trang. Chị ấy nói: "Cứ để em Khuê nằm ở đó. Đâu cũng là quê hương cả".

Rời khỏi nhà xã đội trưởng, ông Trúc mua nắm hương, đạp xe thẳng đến Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Thái. Tìm tới phần mộ Hoàng Khuê, ông Trúc quỳ sụp ôm tấm bia, nước mắt tuôn trào. Một hồi lâu miệng mới nói nên lời: “Khuê ơi! Mình đây! Là Trúc, bạn cùng nhập ngũ một ngày và cùng một tổ "tam tam chế" với bạn đây. Chúng mình đã thề sống chết có nhau. Vậy mà khi Khuê ngã xuống, mình đành phải bỏ Khuê nằm lại để tiến công quân xâm lược. Rồi từ đó đi mãi cho tới nay mới về gặp lại Khuê!”.

Ông Trúc đốt bó hương, vái trước mộ bạn rồi cắm từng nén vào tháp đài liệt sĩ và các ngôi mộ xung quanh. Sau khi lúi húi ngắt bỏ những ngọn cỏ xung quanh bia và lư hương, ông Trúc đứng nghiêm chắp tay vái chào. Ra khỏi cổng nghĩa trang, đi được một đoạn, ông bất giác xoay người lại, thấy mấy con chim bồ câu đậu trên đài liệt sĩ đang vờn nhau. Nắng chiều hắt ngang làm rực lên ngôi sao vàng trên đỉnh đài và hai dòng chữ lớn: “Tổ quốc ghi công. Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ”.

Bài và ảnh: TRÚC SƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/cu-truc-tim-ban-thoi-ong-tum-513496