Cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm để bầu tổng thống như thế nào?

Trong một vài trường hợp, cử tri gặp khó khăn hoặc không thể tham gia bỏ phiếu trong ngày bầu cử, các bang ở Mỹ sẽ tạo điều kiện cho họ bỏ phiếu sớm trong thời gian nhất định.

Đa số các bang ở Mỹ cho phép cử tri bỏ phiếu sớm vào thời gian được ấn định trước ngày bầu cử. Các bang này không yêu cầu cử tri phải trình bày lý do khiến họ phải bỏ phiếu sớm. Texas, Arkansas, Massachusetts, Tennessee... là các bang cho phép bỏ phiếu sớm.

Cử tri Mỹ có thể tiến hành bỏ phiếu sớm thông qua email hoặc đến văn phòng chính quyền các hạt để bầu cử trực tiếp.

Bỏ phiếu bằng email được chấp nhận ở tất cả 50 bang. Cử tri cần phải đăng ký bỏ phiếu trước và khai lý do chọn cách thức này.

Một vài tiểu bang không chấp nhận việc bỏ phiếu sớm, thay vào đó là cơ chế đích thân đến bỏ phiếu vắng mặt (vào ngày bầu cử chính thức). Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng chính là cách thức giúp cử tri bỏ phiếu sớm. Theo đó, những người bỏ phiếu vắng mặt phải có một lá phiếu vắng mặt và phải được chính quyền bang của họ chấp nhận lý do bỏ phiếu sớm.

Các cử tri tham gia bỏ phiếu sớm theo cách thức trên sẽ đến văn phòng bầu cử của địa phương hoặc các điểm bỏ phiếu vệ tinh khác để nhận, điền và bỏ lá phiếu vắng mặt.

Năm nay, hàng nghìn cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm cho bà Hillary Clinton, ông Donald Trump hay các ứng viên khác, trước cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra vào tháng 11. Ảnh: Reuters.

Địa điểm bỏ phiếu vệ tinh ở mỗi bang là khác nhau. Địa điểm đó có thể bao gồm các văn phòng của các hạt và bang khác (ngoài địa điểm bầu cử chính thức), các cửa hàng tạp hóa, trung tâm mua sắm, trường học, thư viện...

Thời gian bỏ phiếu sớm ở mỗi bang cũng không giống nhau. Việc bỏ phiếu sớm nhất có thể diễn ra trong khoảng 45 ngày trước ngày bầu cử và chậm nhất là vào ngày thứ 6 trước ngày bầu cử. Thời gian trung bình để bắt đầu bỏ phiếu sớm ở 34 tiểu bang của Mỹ (cho phép bỏ phiếu sớm) là 22 ngày trước ngày bầu cử chính thức.

Cử tri phải đăng ký theo đảng, dù ở đảng Cộng hòa, Dân chủ, độc lập hoặc đảng khác. Ở mỗi đảng, cơ quan bầu cử phải cung cấp bảng thống kê số lượng cử tri ở từng đảng đăng ký bỏ phiếu sớm.

Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, tỷ lệ cử tri lựa chọn bỏ phiếu sớm tăng từ 10,5% năm 1996 lên đến 35% vào năm 2012.

Tính đến nay, hơn 3,3 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm. Trong đó, đảng Dân chủ ngày càng chiếm ưu thế ở các bang North Carolina, Nevada, Arizona và Utah, trong khi đảng Cộng hòa đang phải đối mặt với sự thâm hụt khoảng 14.500 phiếu so với năm 2012.

Các hòm phiếu sẽ được đảm bảo tính bảo mật và được kiểm đếm vào ngày bầu cử 8/11.

Trưa ngày 7/10 (giờ địa phương), Tổng thống Barack Obama đã đến thành phố Chicago để bỏ phiếu chọn người kế nhiệm. Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đi bỏ phiếu sớm vào năm 2012.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay?

Hillary Clinton

Donald Trump

Xem kết quả

Mai Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cu-tri-my-bo-phieu-som-de-bau-tong-thong-nhu-the-nao-post691732.html