"Cử tri lo lắng về tình trạng nợ xấu, nợ công cao, sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại"

(BVPL) - Đây là ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (Đoàn Hải Phòng) trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Để hạn chế nợ công, phải kiểm soát được bội chi ngân sách

Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (Đoàn TP.Hải Phòng) nhấn mạnh, việc cử tri lo lắng về tình trạng nợ xấu, nợ công cao, sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại đó là những tiềm ẩn xấu cho nền kinh tế của đất nước. Tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một lực lượng doanh nghiệp quan trọng của đất nước vẫn phải đối diện với những trở ngại như: tiếp cận với vốn, đất đai, tài chính không yên tâm trước chính sách thiếu ổn định, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu.

Đồng thời, đại biểu Nghĩa kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ về tình hình bội chi ngân sách cao, bên cạnh những vấn đề lãng phí đầu tư công, rút ruột công trình và nợ công không được xử lý ổn thỏa là tình trạng kỷ cương thu chi ngân sách chưa được thực hiện nghiêm dẫn đến hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, tài chính của nước ta.

Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ cần thắt chặt và tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tập trung chống thất thu, chuyển giá nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả đầu tư công trung hạn, tập trung vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, nhất là ở các địa phương được xác định là trung tâm trọng điểm của vùng để phát triển. Trên cơ sở đó mới phát huy được hiệu quả.

Đại biểu Vũ Xuân Cường (đoàn Lào Cai) đồng tình cao với giải pháp của Chính phủ đưa ra là tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Năm 2017 triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và kết nối phát triển.

Để hạn chế nợ công, phải kiểm soát được bội chi ngân sách. Đại biểu cho rằng, cần tăng đầu tư để duy trì và tăng tốc độ tăng trưởng, trong khi đầu tư công còn hạn chế về nguồn lực thì giải pháp quan trọng là tăng thu hút đầu tư xã hội và cơ cấu lại đầu tư theo hướng đảm bảo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phải lựa chọn đầu tư lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn phát huy nhanh hiệu quả kinh tế và có tính lan tỏa, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về quản lý thu ngân sách nhà nước, mặc dù kinh tế năm 2016 còn rất khó khăn, GDP không đạt tốc độ tăng trưởng, song thu ngân sách dự kiến vẫn đạt 102,4%, thu nội địa đạt 105% kế hoạch tương ứng, so với năm 2015 thì bằng 104,1 % và 111,9%. Trong đó, đáng chú ý là thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 12,9% dự toán và tăng 25% so với năm 2015. Theo ông Cường, đây là khu vực nguồn thu còn có dư địa lớn, các chỉ tiêu năm 2017 Chính phủ đề nghị tăng 20% so với năm 2016. “Đây là một chỉ tiêu hoàn toàn có tính khả thi cao. Nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, song cần có giải pháp để khu vực kinh tế này gồm các hộ kinh doanh đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước” - ông Cường cho biết thêm.

Cần công khai minh bạch trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đồng tình với việc công bố các dự án thua lỗ, kém hiệu quả và đắp chiếu. “Tôi đề nghị sớm lập danh mục những dự án này. Nếu chúng ta không công bố rộng rãi đi nữa thì chúng ta phải nắm cho chắc, bởi vì chỉ cần mỗi một ngày qua lỗ vài ba tỷ đồng, mỗi một năm lỗ năm, bảy chục tỷ chứ không đến 1.000 tỷ như một số nhà máy đấy, chúng ta cộng lại thì sẽ là con số hết sức to lớn và những vùng sâu, vùng xa hàng chục triệu đồng bào ở diện nghèo đang rất cần những khoản kinh phí đang bị tiêu tốn vào những dự án ấy”- đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) lại đưa ra ý kiến về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu bày tỏ sự băn khoăn khi hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước chưa tiến hành công khai, minh bạch, công bố thông tin theo Nghị định số 81 năm 2015 của Chính phủ. Đây là nội dung rất cần được Bộ Công thương kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để thực hiện tốt Nghị định này”.

Về tình hình thực hiện cổ phẩn hóa chậm, về việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, về tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả của các dự án đầu tư không chỉ dừng lại 5 dự án mà còn nhiều dự án khác. Đại biểu này đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cần tổ chức tổng kết, đánh giá mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước trong giai đoạn 2005-2015. “Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá một cách toàn diện về những vấn đề đó, đồng thời có giải pháp xử lý hiệu quả, rút kinh nghiệm cho việc tái cơ cấu trong thời gian tới”- đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa được đại biểu đề cập, đó là tình trạng lãng phí hiện nay. Nếu nói tham nhũng là quốc nạn thì theo tôi, lãng phí cũng tác động xấu tới nền kinh tế - xã hội không kém gì tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, một số vụ việc lớn, điển hình đã được xử lý và có tính chất răn đe cao. Còn việc chống lãng phí thì dường như chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Hàng ngày các cơ quan thông tin đại chúng và cử tri vẫn phản ánh tình trạng lãng phí đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực ở nhiều địa phương mà con số của nó khiến chúng ta phải quan tâm lo lắng và cử tri hết sức bức xúc, nhất là sự lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả của một số dự án lớn, Chính phủ đã báo cáo. Vì vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần đặt quyết tâm vào việc chống lãng phí cũng tương tự như quyết tâm chống tham nhũng. Các dự án đầu tư, nếu để xảy ra lãng phí cần được phân tích nguyên nhân, quy được trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai, đồng thời có giải pháp để ngăn ngừa tình trạng lãng phí hiện nay với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân.

Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân:

Tái cơ cấu kinh tế phải tái cơ cấu tư duy

Thực tế chỉ ra, có nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu bằng vấn đề đã có tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ như dự án gang, thép Thái Nguyên, không phải thiếu vốn, vốn ban đầu 3.600 tỷ, sau nâng lên gần 8.000 tỷ nhưng rồi vẫn không hoạt động. Con đường ở đây phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu, mà là câu hỏi thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu và đất đâu.

Tóm lại, để tái cơ cấu ngành, chúng tôi cho rằng, phải có hợp tác công-tư chứ không phải chỉ về vốn. Ví dụ, chúng ta xuất khẩu gạo 20 năm nhưng đến nay, thực tế trừ một doanh nghiệp còn thì không có gạo có thương hiệu xuất khẩu. Vì sao như vậy, vì Nhà nước không phải chủ sở hữu của sản xuất gạo nhưng quan tâm chưa đúng mức, mặc dù có chương trình 5 năm xây dựng thương hiệu và quốc gia. Hộ nông dân nhỏ lẻ thì không thể xây dựng thương hiệu được và cuối cùng có một doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu gạo được công nhận đó là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, với thương hiệu gạo Lúa Trời đã được quốc tế công nhận.

Vấn đề tiếp theo là vấn đề vốn. Điều kiện ngân sách chúng ta thời gian tới chi sẽ không nhiều do nợ công còn cao, mà vốn trong dân đã có, làm thế nào phát huy được tốt. Đặc biệt là vốn nước ngoài thì trong đó Kiều hối rất đáng quan tâm. Bình quân thời gian vừa qua 1 năm, Kiều hối 8-10 tỷ USD, trong khi ODA giải ngân 1 năm 4-5 tỷ USD, nếu tận dụng tốt cái này gấp 2 lần ODA, nên nguy cơ phụ thuộc vào ODA không đáng kể.

Vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài thế nào thì hiệu quả cao. Hiện nay có 116 nước đang đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta không cần xúc tiến tại 116 nước mà chỉ tập trung vào 10 và 12 nước mà thôi. 10 nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan..., thì đã đầu tư 78% tổng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Còn 12 nước trong 16 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn lại như Đức, Anh, Ấn Độ, Ý, v.v..., thì tổng đầu tư vào Việt Nam chỉ chiếm 6,1% tổng FDI Việt Nam, chỉ hơn một lãnh thổ Hồng Kông là 5,4%. Như vậy, để thu hút đầu tư chúng ta cần tập trung thu hút của 10 nước đầu tư lớn nhất và 12 nước có tiềm năng lớn nhất nhưng đầu tư rất ít vào Việt Nam.

Tóm lại, để tái cơ cấu kinh tế phải tái cơ cấu tư duy. Câu hỏi không phải tiền đâu mà câu hỏi thứ nhất là thị trường ở đâu? Sản phẩm gì? Thế giới đang làm gì?...

Ngọc Đức - Thanh Dịu

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kiem-sat/diem-nong/201611/ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xiv-cu-tri-lo-lang-ve-tinh-trang-no-xau-no-cong-cao-su-yeu-kem-cua-mot-so-ngan-hang-thuong-mai-2522668/