Cù Lao Xanh - hòn ngọc 'ngủ quên' của Bình Định

Là một hòn đảo đẹp tựa thiên đường nhưng người dân ở Cù Lao Xanh vẫn sống bằng đánh bắt hải sản mùa vụ trong khi tài nguyên thiên nhiên với tiềm năng du lịch bất tận còn đang bị bỏ ngỏ.

Hòn ngọc Biển Đông

Cù Lao Xanh thuộc xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn, cách đất liền 24km, được mệnh danh là “Hòn Ngọc Biển Đông“. Đảo nhỏ nằm giữa biển,ngát một màu xanh của cây cối nước biển bên cạnh những bờ cát trắng lấp lánh.

Dưới làn nước xanh vắt ấy là một thảm thực vật biển đua nhau khoe sắc với những rạn san hô, rong biển chen chúc, đan xen.

Đảo Cù Lao Xanh thuộc xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn.

Không chỉ làm say lòng người bằng biển xanh cát trắng, Cù Lao Xanh còn hấp dẫn bởi “rừng đá” chỉ toàn đá tảng, đá tròn lớn nhỏ đủ hình thù, lạ mắt mà hài hòa đến kì lạ, xếp chồng lên nhau.

Trong những hốc đá đêm ngày hứng gió biển, nhiều loài chim quý như nhàn, yến quần tụ làm tổ, sinh sôi nảy nở, hòa tiếng hót cùng tiếng gió vi vu, tiếng sóng tạo nên bản hòa ca tuyệt diệu của biển trời.

Mảnh đất này mang vẻ đẹp dân dã từ con người, cảnh vật cho đến cả những món ăn thường ngày.Trên đảo, ngon nhất, đa dạng nhất và rẻ nhất chính là các món ăn được chế biến từ hải sản, trong đó phải kể đến trứng cá chuồn rán - món ăn xếp vào hàng đặc sản để đãi khách của người dân Cù Lao Xanh.

Đảo nhỏ nằm giữa biển, ngát một màu xanh của cây cối nước biển bên cạnh những bờ cát trắng lấp lánh.

Cù Lao Xanh ẩn chứa nhiều vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, nhưng lâu nay, ngoài những nhóm khách đi tự phát ra đảo chơi rồi nhanh chóng quay về đất liền, ít người biết tới đảovì chưa cónhà nghỉ hay cơ sở dịch vụ du lịch.

Lộc trời còn đâu

Cũng vì cơ sở hạ tầng thiếu thốn, vị trí biệt lập, cuộc sống trên Cù Lao Xanh kiều diễm lại chẳng hề… xanh.

Thuộc diện huyện đảo nghèo của Bình Định, Cù Lao Xanh từng có thời điểm được gọi là “hòn đảo của người già”, vì dân số đảo giảm theo từng năm, có thời điểm chỉ còn gần 500 hộ với 2.000 dân. Thanh niên trai tráng đều bỏ đảo về đất liền kiếm kế sinh nhai, chỉ còn lại người già bám trụ lại đây để giữ lấy quê hương.

Đánh bắt hải sản từng là nghề làm nên sự trù phú của Cù Lao Xanh.

70 - 80% người dân đảo làm nghề chài lưới.Đánh bắt hải sản từng là nghề làm nên sự trù phú của Cù Lao Xanh, nhờ thứ của quý thiên nhiên ban tặng mà dân vạn chài ở đây vẫn bồi hồi nhờ về với tên gọi “lộc trời”.

Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, từng đàn cá thu xanh mướt từ ngoài khơi lại kéo về đảo, tự chui vào lưới, mang về niềm vui rộn ràng cho cả một vùng vịnh nhỏ.

Vài năm gần đây, khi xuất hiện nhiều tàu cá lớn đánh bắt xa bờ, đàn cá thu "lộc biển" vắng bóng. Những chiếc thuyền lưới đăng chỉ Cù Lao Xanh có giờ được nằm đắp lá dừa san sát cuối đảo, buồn bã.

Kinh tế biển từng là mũi nhọn của Nhơn Châu,nay đang mất dần lợi thế. Theo UBND xã, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm cao nhất cũng chưa tới 1.000 tấn, và ngày càng giảm mạnh, có năm chưa đạt 400 tấn.

Ngoài khai thác tài nguyên hải sản hữu hạn, trên đảo hầu như không có công việc gì khác. Người dân chủ yếu sống nhờ nguồn tiền con cái gửi từ đất liền về, hoặc ra ven biển quây một số ít những con cá thu còn sót lại, kiếm sống qua ngày.

Đảo xa nay đã về gần

Cách đây một vài năm, hòn đảo chỉ cách đất liền chừng 24km đường biển này vẫn thiếu thốn đủ thứ. Người dân Cù Lao Xanh chủ yếu sử dụng nguồn điện từ máy phát chạy dầu diesel chạy từ 17 - 23h hàng ngày. Thiếu điện, thiếu nước khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn đủ bề.

Cuộc sống của người dân Cù Lao Xanh còn nhiều thiếu thốn.

Năm 2015, người dân đảo hân hoan khi Nhơn Châu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo. Niềm vui mang theohy vọng về sự quan tâm hơn của thành phố, tỉnh và trung ương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, làm việc của người dân.

Và điện luôn đi đầu trong tiến trình ấy. Tháng 9/2016, người dân Cù Lao Xanh đón tin mừng khi UBND tỉnh Bình Định đã duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện cho xã đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển. Dự ánvới tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng.

Theo UBND xã đảo Nhơn Châu, tỉnh đang đầu tư xây hồ nước ngọt trên Cù Lao Xanh có sức chứa trên 80.000m3 và sắp tới sẽ lập dự án xử lý rác thải với khái toán 5 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

"Đối với Cù Lao Xanh, đầu tư không chỉ hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, mà đây là nội dung lớn trong chiến lược bảo vệ biển đảo”, ông Lê Hữu Lộc - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã khẳng định.

Hơn thế nữa, nếu mô hình khai thác các điểm đến hoang sơ từng thành công tại Bình Định được nhân rộng và áp dụng tại Cù Lao Xanh, hòn đảo ngọc này kết hợp với Eo Gió - Kỳ Co - Quy Nhơn sẽ tạo thành một chuỗi các điểm đến tiêu điểm của tỉnh, nâng tầm thương hiệu du lịch đang lên của vùng đất này.

Thúy Ngà

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/cu-lao-xanh-hon-ngoc-ngu-quen-cua-binh-dinh-387844.html