'Cú huých' từ dự án giảm nghèo

Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2010 – 2015 tại tỉnh Lai Châu triển khai vừa qua ở nhiều địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo vùng đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bà con có của ăn của để

Tiểu dự án sinh kế chăn nuôi đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân. Ảnh: N.D

Trong giai đoạn 2011 - 2015, dự án giảm nghèo được huyện Tam Đường triển khai trên 123 bản khó khăn thuộc 12 xã với với khoảng 34.000 hộ dân; tổng vốn đầu tư gần 149 tỷ đồng.

Trở lại Khun Há, một xã vùng cao khó khăn của huyện Tam Đường (Lai Châu), chúng tôi thấy rõ sự thay đổi của vùng quê nghèo với những ngôi nhà kiên cố, khang trang, những con đường bê tông trải dài qua các cánh đồng lúa. Cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây dường như đã bớt khó khăn hơn. Nhiều gia đình có của ăn, của để, chăm lo cho các con cái học hành. Ông Cứ A Sử - Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, huyện Tam Đường cho biết: “Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc, các hộ nghèo được hưởng lợi từ các tiều dự án sinh kế như hỗ trợ vốn, con giống, xây dựng chuồng trại, thức ăn. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ kỹ thuật về quy trình sản xuất chăn nuôi, làm việc theo nhóm. Sau 5 năm thực hiện, Dự án góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm trên 5%; đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 20% (chuẩn nghèo cũ), vượt kế hoạch hàng năm mà xã đề ra”.

Trước đây, bản Lao Chải 2 là một trong những bản nghèo của xã Khun Há. Khi đó, đường sá chưa được cứng hóa, bản lại nằm chót vót trên đỉnh núi cao nên mọi hoạt động phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Mông nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với trình độ dân trí thấp, bà con không biết chữ, không nói thông thạo tiếng phổ thông nên cán bộ rất khó hướng dẫn cách làm ăn.

Nhờ nguồn hỗ trợ sinh kế của dự án giảm nghèo và các nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước, cuộc sống của gia đình anh Lù A Sâu ở bản Lao Chải 2 như bước sang một trang mới. Khi được hỗ trợ con giống và vốn, anh Sâu mạnh dạn chuyển nhà từ vị trí cao xuống vùng thấp cạnh đường để tiện đường đi và thuận lợi làm kinh tế. Vừa được cán bộ khuyến nông các cấp xuống hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, anh Sâu vừa tự tìm hiểu kiến thức qua sách báo. Nhờ đó, đến nay anh đã xây dựng được ao thả cá và một hệ thống chuồng trại nuôi lợn và gia cầm khép kín; thu về 70 triệu đồng mỗi năm. Anh Lù A Sâu cho biết: “Trước đây, do không có vốn lại thiếu hiểu biết, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cuộc sống rất khó khăn. Nhưng từ khi có tiểu dự án sinh kế, gia đình được hỗ trợ con giống và kiến thức chăn nuôi. Hiện tại gia đình đang đầu tư xây dựng thêm chuồng trại nuôi lợn với để mở rộng quy mô, hy vọng từ việc chăn nuôi này sẽ giúp gia đình có thêm thu nhập”.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ông Giàng A Lừ - Trưởng bản Lao Chải 2 chia sẻ: Cấp ủy, chính quyền xã cùng với cán bộ dự án giảm nghèo của huyện đã xuống tận bản thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”; tuyên truyền, vận động bà con trong bản Lao Chải 2 thay đổi tập quán chăn nuôi, đưa các giống lúa mới vào gieo trồng, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. Những mô hình nuôi lợn nái, nuôi ngan pháp thịt, hay việc hình thành các nhóm chị em phụ nữ có cùng sở thích chăn nuôi phát triển kinh tế... đã giúp người dân tộc thiểu số ở Lao Chải 2 mạnh dạn, tự tin hơn, dần thay đổi tập quan chăn nuôi.

“Đặc biệt, 35 tiểu dự án sinh kế với các hoạt động hỗ trợ như sản xuất cây lương thực, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, dê, lúa, ngô, khoai lang… Các đối tượng được hưởng lợi đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hình thành các nhóm có cùng sở thích về từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đã tạo bước đệm, động lực giúp bà con vươn lên làm giàu. Bao đời nay bà con dân tộc Mông nơi đây chỉ biết đến cây lúa thì nay bà con đã biết trồng các loại cây khác như lúa lai, trồng khoai tây, bí đao, dong riềng...” - ông Cứ A Sử - Bí thư Đảng ủy xã Khun Há cho biết thêm.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/cu-huych-tu-du-an-giam-ngheo-721888.html