Cứ đăng ảnh trẻ em trên 7 tuổi lên mạng là phải xin phép?

Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em nêu rõ, từ 1-7, tổ chức, cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên...

Cũng theo Nghị định này, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân, thông tin về các thành viên trong gia đình, địa chỉ, nơi ở, trường, lớp...

Phải gỡ bỏ thông tin gây hại cho trẻ em

Nghị định 56/2017/NĐ-CP còn quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em trên môi trường mạng; ngăn chặn thông tin gây hại cho trẻ em theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng. Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp bảo vệ người sử dụng là trẻ em, phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại, thông tin giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Mỗi cá nhân cần thận trọng khi đăng ảnh, thông tin cá nhân của trẻ lên mạng

Mỗi cá nhân cần thận trọng khi đăng ảnh, thông tin cá nhân của trẻ lên mạng

Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng xóa bỏ các thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để bảo đảm sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Nghị định cũng quy định, cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Quy định trên nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. Chị Đỗ Phương Thùy ở khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, trong khi mạng xã hội đang phát triển như vũ bão hiện nay thì việc ban hành các quy định pháp luật để nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế các trường hợp lạm dụng, sử dụng hình ảnh của trẻ em trên mạng bừa bãi, tùy tiện là rất cần thiết. Hơn nữa, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội không hề đơn giản. Mỗi cá nhân được toàn quyền đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin. Do vậy, cần có quy định hạn chế đối với người dùng mạng xã hội khi họ chia sẻ những hình ảnh liên quan tới người khác. “Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, theo tôi, không riêng gì trẻ em mà ngay cả người lớn cũng cần được pháp luật bảo vệ về hình ảnh, những thông tin liên quan đến bí mất đời tư” – chị Thùy chia sẻ.

Quy định có khả thi?

Liên quan đến quy định trên, có không ít người băn khoăn: “Phải chăng cứ đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội mà không xin phép là vi phạm pháp luật?” Giải đáp thắc mắc này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc đăng tải hình ảnh trẻ em chỉ bị nghiêm cấm trong một số trường hợp hình ảnh đó mang tính chỉ trích, bôi nhọ, xúc phạm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm, gây ảnh hưởng xấu tới tương lai của trẻ (ảnh trẻ bị đánh đập, nhục mạ, không mặc quần áo…). Ngoài ra, việc đăng những thông tin cá nhân của trẻ (trường, lớp, lịch học hay địa chỉ nhà, đặc điểm nhận dạng cá nhân…) lên mạng xã hội cũng bị hạn chế nhằm tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng những thông tin này để xâm hại tình dục hay bắt cóc trẻ.

Có thể nói, hành vi đăng tải hình ảnh của trẻ em chỉ được xem là vi phạm pháp luật khi gây ra hậu quả. Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào Luật trẻ em năm 2016, mà còn căn cứ vào các quy định khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự. Khi xác định có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Giải thích quy định về độ tuổi của trẻ “từ đủ 7 tuổi trở lên”, luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên đã có thể tự đưa ra quyết định, nguyện vọng của cá nhân trong các vụ việc có liên quan.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số người còn cho rằng, quy định trong Nghị định 56/2017/NĐ-CP về cấm đưa hình ảnh trẻ em trên 7 tuổi lên mạng xã hội khi chưa xin phép là thiếu tính khả thi. Anh Nguyễn Xuân Thùy– một nhiếp ảnh gia nghiệp dư bày tỏ quan điểm: “Tôi hay chụp ảnh phong cảnh, chân dung (trong đó có nhiều ảnh chân dung trẻ em) rồi đưa lên mạng xã hội để mọi người cùng xem, phân tích, góp ý…Tôi cho rằng việc làm này không vi phạm pháp luật, chỉ nhằm lưu giữ lại những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người ở các vùng miền, địa phương. Hơn nữa, trên mạng xã hội, trang cá nhân còn được coi là nhà riêng của mỗi người. Vậy chẳng lẽ, đăng ảnh mình chụp trong nhà mình cũng phải xin phép?”.

Điều đáng nói là, mặc dù Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP đã xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, song lại chưa quy định chế tài cụ thể. Do vậy, hiện việc xử lý vi phạm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thực hiện hành vi này là không đơn giản. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, các cơ quan chức năng cầm sớm cụ thể hóa quy định này, tránh trường hợp quy định chỉ ban hành cho có…

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/cu-dang-anh-tre-em-tren-7-tuoi-len-mang-la-phai-xin-phep/728273.antd