Cứ cơ chế như hiện nay thì lộ trình BS gia đình sẽ không thành công

“Cần tập trung xem lại cơ chế. Có cơ chế tốt sẽ rút ngắn được lộ trình Bác sĩ gia đình (BSGĐ). Còn cứ cơ chế như hiện nay thì lộ trình sẽ không thành công!” –Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Chỉ sau 3 năm thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại 8 địa phương, đã có 240 phòng khám BSGĐ.

Dù mới thành lập, các phòng khám BSGĐ đã phát huy tốt vai trò KCB, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cộng đồng, giúp người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Điều này được TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng cục Quản lý KCB, cho biết tại cuộc họp về mô hình phòng khám BSGĐ do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 15-7.

Các phòng khám BSGĐ đã bước đầu thể hiện được vai trò tích cực trong việc phòng bệnh, vận động tiêm chủng. TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên -Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ đã quản lý 195.245 hồ sơ sức khỏe và khám sàng lọc được 500.919 lượt người, phát hiện được 246.049 ca bệnh và chuyển viện 3.600 ca.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Một số phòng khám BSGĐ hoạt động tốt, sử dụng bệnh án điện tử, phần mềm quản lý phòng khám, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, nâng cao chất lượng KCB.

100% bệnh viện quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh đã thành lập phòng khám BSGĐ, do bác sĩ được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách, với hình thức khám dịch vụ BHYT hoặc thu phí hoàn toàn.

Đã có 184/319 trạm y tế phường, xã thành lập phòng khám BSGĐ và 10 phòng khám BSGĐ tư nhân được thẩm định và cấp phép hoạt động. Hà Nội cũng đã có 90 phòng khám BSGĐ.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết mô hình BSGĐ góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết: Mô hình BSGĐ cung cấp dịch vụ KCB cho người dân thuận lợi, dễ dàng ngay tại cộng đồng, chia sẻ nhiệm vụ KCB với hệ thống KCB công lập, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Tuy nhiên, mô hình BSGĐ hiện chưa phát triển được như mong muốn. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là do mô hình mới, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám BSGĐ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị

Người dân chưa hiểu về mô hình phòng khám BSGĐ, còn cho rằng BSGĐ là bác sĩ đến nhà thăm KCB, cũng chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ KCB tại trạm y tế nên không đến KCB tại phòng khám.

Bên cạnh đó, phí dịch vụ KCB tại nhà, tư vấn, sàng lọc chưa được thanh toán BHYT, kể cả trường hợp có thẻ BHYT, cũng chưa có hướng dẫn cách thanh toán BHYT, việc kê đơn thuốc, thanh toán tiền thuốc của phòng khám BSGĐ tư nhân.

Phòng khám BSGĐ tư nhân còn gặp khó khăn khi tham gia BHYT. Trang thiết bị y tế tại trạm y tế chưa đầy đủ, còn hạn hẹp về số lượng, chủng loại thuốc điều trị. Một số thuốc điều trị các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, hen phế quản, COPD chưa được cấp tại trạm y tế.

Riêng về phòng khám tư nhân hiện phần lớn chưa được tham gia KCB BHYT. Việc KCB của các phòng khám tư nhân mới đáp ứng nhu cầu KCB mà chưa theo dõi điều trị bệnh toàn diện, liên tục, chưa tham gia vào hệ thống chuyển tuyến người bệnh, vì vậy hiệu quả chưa cao, nhất là trong giảm tải bệnh viện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn chỉ ra: Nghe Bộ Y tế trình bày đề án BSGĐ cứ tưởng mới, nhưng thực tế chỉ là chuyện cũ.

Nghị định 117 quy định về chức năng nhiệm vụ của trạm y tế xã phường là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, bây giờ Bộ Y tế lại chủ trương phát triển BSGĐ về trạm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân là “nghe lạ mà không có gì mới”, vấn đề là làm tốt hay chưa mà thôi.

Ngay cả kế hoạch đào tạo BSGĐ cũng thế, vẫn là bác sĩ đa khoa còn việc đào tạo chỉ là tập huấn bằng tuần bằng tháng. Quan trọng là phải tăng cường năng lực chăm sóc khám sức khỏe ban đầu cho các trạm y tế xã!

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, qua các chuyến đi thực tế, thấy nhiều trạm y tế xã xây khang trang, đầy đủ máy móc nhưng 3 năm không có bệnh nhân. Trong khi nhiều tỉnh miền núi, đi cả ngày đường không có trạm y tế.

Ở Hà Nội và nhiều tỉnh đồng bằng không nhiệt tình với BSGĐ vì liền kề 5-6 bệnh viện ngay cạnh. Có trạm y tế được tặng trang thiết bị hiện đại, nhưng bác sĩ chỉ chú ý với máy móc mà sao lãng các việc khác; trong khi có trạm y tế rất sơ sài, đáng giá nhất chỉ là một chiếc bàn đỡ đẻ.

Không nên cứng nhắc mỗi xã có 1 trạm y tế, mà nơi nào người dân cần thì có thể làm nhiều trạm, nhưng xây nhà xong phải có thiết bị và đúng với nhu cầu từng nơi.

Mô hình BSGĐ phát triển hiệu quả sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đừng “đao to búa lớn” về BSGĐ như một ngạch mới lại khó làm. Quan trọng là đổi mới cơ chế để y tế cơ sở có cơ hội phát triển, thu hút bác sĩ về công tác thì chỉ cần một năm là xong lộ trình BSGĐ, không cần kéo dài đến tận 2020.

Bác sĩ ở trạm y tế lương tháng chỉ 3,5-5 triệu đồng, Trưởng trạm y tế không được mở phòng khám tư, thì làm sao thu hút được bác sĩ giỏi? Rõ ràng chiến lược thì tốt nhưng qui định cụ thể lại tự làm vướng mình. Phải cho phép bác sĩ ngoài KCB bình thường thì được KCB ngoài giờ ngay tại trạm y tế, để tháo gỡ những gì đang vướng.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ: Một số câu hỏi của lãnh đạo Bộ Y tế đặt ra với địa phương tại hội nghị cho thấy chưa nắm được vấn đề mà lẽ ra lãnh đạo Bộ phải trực tiếp kiểm tra sâu sát.

Phải tính được số lượng người đến khám, số lượt cần tư vấn mỗi năm trên tổng số dân ở từng khu vực, để tính ra số tiền khám, nhưng ngành y tế chưa làm được. Cũng cần liên thông để thanh toán BHYT thuận lợi, nhanh chóng. Hiện một số cơ sở triển khai mô hình BSGĐ mới tăng được 15-20% lượt khám là quá ít, không thể tạo được sự chuyển biến.

“Cần tập trung xem lại cơ chế. Có cơ chế tốt sẽ rút ngắn được lộ trình BSGĐ. Còn cứ cơ chế như hiện nay thì lộ trình sẽ không thành công!” –Phó Thủ tưởng khẳng định.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dung-dao-to-bua-lon-ve-bac-si-gia-dinh-nhu-mot-ngach-moi-lai-kho-lam-400328/