Cụ bà mỗi năm nhận đỡ đầu 14 -15 trẻ nhỏ khó khăn

Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Tạ Thị Ngọc Thanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn đam mê với công việc từ thiện. Mấy chục năm qua, bà Thanh dành dụm lương hưu, tiền báo hiếu của con cháu để giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, những phận đời bất hạnh và lấy đó làm niềm vui sống.

Bà Tạ Thị Ngọc Thanh. Ảnh: Ngọc Thi

Lương hưu để làm từ thiện

Đến phường Dịch Vọng Hậu, hỏi bà Thanh, chúng tôi đều nhận được câu hỏi lại: “Bà Thanh từ thiện chứ gì”? Với những việc làm ý nghĩa của mình, người dân trong khu vực đặt cho bà cái tên trìu mến, “bà Thanh bồ tát”, “bà Thanh từ thiện”.

Bà Thanh đã gần 80 tuổi, cao gầy nhưng có nước da trắng, mịn hiếm thấy. Bà là người thẳng thắn, cá tính, nhanh nhẹn thể hiện rõ qua cuộc trò chuyện với chúng tôi.

So với bạn bè cùng trang lứa, bà Thanh thiệt thòi hơn rất nhiều vì mồ côi mẹ khi mới 2 tuổi. Bố bà sống cảnh “gà trống nuôi con” đến khi bà tròn 13 tuổi thì mất. Từ khi bố mất, bà chuyển về nhà cô ruột ở. Dẫu có được tình thương của cô nhưng chẳng thể nào bì được với tình cha, tình mẹ. Hằn sâu trong tâm khảm, bà Thanh luôn cảm thấy cô đơn khi mình không có một gia đình tròn trịa.

Hoàn cảnh khó khăn, bà luôn dặn mình cố gắng nhiều hơn so với bạn bè. Ngay từ nhỏ, bà đã học rất giỏi. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp cấo II phổ thông, bà vào Sư phạm 7+2 rồi tình nguyện ra ngoại thành Hà Nội dạy học, sau đó về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thanh Trì.

Năm 1969, bà được cử đi học chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại Trường Đại học sư phạm Gersen, Leningrat (Liên Xô cũ). Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1974, bà về nước công tác tại Ban Tâm lý Viện Khoa học giáo dục, rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non, thuộc Bộ Giáo dục.

Sau khi làng trẻ SOS Hà Nội được xây dựng, bà được bổ nhiệm làm Giám đốc Làng trẻ SOS và đảm nhận công việc suốt 10 năm. Nghỉ hưu, bà vẫn tham gia công tác địa phương. Dù thu nhập theo chế độ chỉ có lương, gia cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng hàng tháng bà vẫn dành dụm số tiền ít ỏi của mình để làm từ thiện. Trong gần 15 năm, ngôi nhà của bà không chỉ là nơi bà con hội họp mà còn là “địa chỉ tin cậy” trong phòng chống bạo lực gia đình của khu phố.

Mỗi năm, bà nhận đỡ đầu khoảng 14 - 15 trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cho tới khi các em tự nuôi sống được mình. Khi đó, khoản trợ cấp này lại tiếp tục được dành cho các em nhỏ khác. Chính sự thiếu thốn, khổ cực thời ấu thơ phần nào giúp bà cảm thông hơn với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Bà bảo: “Tôi luôn nghĩ cuộc sống đơn giản lắm, sống là cho đi, đâu chỉ giữ cho riêng mình. Cảm giác giúp được ai đó đem lại cho tôi niềm vui”.

Trả lời câu hỏi: “Cuộc sống gia đình còn khó khăn, bà làm từ thiện thế nào?”, bà Thanh cho hay: “Tôi làm từ thiện từ tiền phụ cấp. Tôi phải dồn lại thì mới có. Trong phong trào của tổ dân phố, của Hội Chữ thập đỏ thì tôi tham gia bằng sức của mình. Còn số tiền dành dụm được mỗi năm tôi mua xe đạp, quần áo, sách vở tặng các cháu học sinh nghèo có thành tích học tập tốt”.

Mong được hiến tặng giác mạc khi qua đời

Một trường hợp được bà Thanh giúp đỡ là em Mai Phương, năm nay 23 tuổi (ở Hà Nội). Bố mẹ Phương mất trong một vụ tai nạn giao thông. Qua thông tin Hội Chữ thập đỏ của thành phố bà Thanh biết được hoàn cảnh của em, bà gửi tiền trợ cấp hàng năm. Mặc dù với số tiền hưu ít ỏi nhưng bà góp một phần nhỏ giúp em học xong đại học. Bà vui mừng cho biết, Phương vừa sang Tây Ban Nha du học, nâng cao kiến thức.

“Của cho không bằng cách cho”, mỗi khi trao quà hoặc nhận đỡ đầu cho một trường hợp nào đó, bà luôn đến tận nhà để hiểu thêm hoàn cảnh. Đối với các cháu học sinh còn trẻ người non dại, nhìn đời có phần tiêu cực khi hoàn cảnh mình thiếu thốn so với chúng bạn thì bà động viên, dặn dò các cháu cố gắng. Chẳng nói đâu xa, bà lấy ngay hoàn cảnh của mình để minh chứng. Bà tâm niệm làm từ thiện không phải chỉ bỏ ra ít vật chất mà quan trọng hơn là để mọi người xích lại gần nhau, biết sẻ chia và quan tâm đến nhau.

Cách đây mấy năm, bà Thanh nhận được bức thư viết tay của một nam thanh niên khuyết tật. Khi chúng tôi hỏi về tên tuổi của họ thì bà bảo có quá nhiều người viết thư như vậy nên không nhớ nổi tên. Chỉ biết rằng, trong thư chàng trai khuyết tật đó tâm sự về hoàn cảnh của mình, anh quê Hà Tĩnh, vì nghe người quen giới thiệu biết bà tận tình giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn nên viết thư cho bà. Nguyện vọng của anh là mong muốn bà có thể giúp đỡ mình một phần kinh phí để sắm sửa bộ đồ làm nghề mộc.

Hồi đó, số tiền để mua một bộ dụng cụ đồ mộc so với lương bà là lớn. Nhưng, bà vẫn quyết định gom góp tiền để gửi cho chàng trai thiệt thòi đó. Đây cũng là trường hợp bà không đến tận nơi trao quà được vì vị trí địa lý xa, tuổi bà đã cao đi lại khó khăn.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, mới đây bà đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời với mong muốn dành tặng một phần cơ thể của mình đem lại ánh sáng cho người khác. Nói về kế hoạch này, bà bảo, mắt bà còn rất tinh, đến bây giờ chưa cần đến sự trợ giúp của đôi kính. Người phụ nữ này rơm rớm nước mắt khi nhìn trên truyền hình, đọc những bài báo thấy những người trẻ khỏe mạnh nhưng không được nhìn thấy ánh sáng.

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp cấp II phổ thông, bà Thanh vào Sư phạm 7+2 rồi tình nguyện ra ngoại thành Hà Nội dạy học, sau đó về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thanh Trì. Năm 1969, bà được cử đi học chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại Trường Đại học sư phạm Gersen, Leningrat (Liên Xô cũ). Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1974, bà về nước công tác tại Ban Tâm lý, Viện Khoa học giáo dục, rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non, thuộc Bộ Giáo dục.

Nói về những hoạt động của bà Thanh, bà Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu cho biết: “Tuổi cao nhưng nhiệt huyết của bà thì không ai sánh được. Bà là người phụ nữ mạnh mẽ ở bề ngoài nhưng lại có trái tim nồng ấm. Nhờ có bà mà phong trào khuyến học của phường trong những năm qua tiến triển tốt hơn. Với tôi, bà xứng đáng là tấm gương để học hỏi”.

Ngọc Thi

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cu-ba-moi-nam-nhan-do-dau-14-15-tre-nho-kho-khan-20161107071916984.htm