Cụ bà 'gần đất xa trời' miệt mài may chăn ấm tặng người nghèo

Từng trải qua những năm tháng cuộc sống khốn khó, cụ bà Võ Thị Vân Khanh (86 tuổi, ở tổ 8, khu vực 4, phường Lý Thường Kiệt, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) hiểu rõ nỗi cơ cực của người nghèo. Nhiều năm qua, cụ Khanh âm thầm đi xin vải rẻo (vải thừa) ở các tiệm may và tự tay mình may rất nhiều chăn, áo gối, quần đùi gửi tặng cho người nghèo ở địa phương và huyện miền núi khó khăn của tỉnh Bình Định.

Cụ Khanh xếp những chiếc chăn do mình may từ vải vụn để dành tặng cho người nghèo.

Đồ thừa thành hữu ích

Trong căn phòng chật chội, mọi thứ được tối giản và sắp xếp gọn gàng. Giữa phòng có chiếc vách gỗ nhỏ, ngăn giường ngủ với cái máy may và những bao vải vụn đủ màu sắc được cụ xếp khá ngay ngắn, cụ Khanh gò người may vá.

“Tôi vốn là một thợ may, con gái cũng là thợ may. Mỗi lần thấy con gái bỏ đi những miếng vải rẻo, tôi thấy tiếc nên nghĩ mình con sức thì gom lại rồi may cái gì đó. Rồi nghĩ đến những người nghèo, những đứa trẻ mồ côi nên tôi nghĩ đến việc may chăn, giúp đỡ họ trong khả năng của mình”, cụ Khanh lý giải về việc làm của mình.

Vậy là, hàng ngày cụ Khanh xin vải rẻo về, chọn lựa, cắt thành miếng vuông cùng kích cỡ và tự tay may thành những chiếc áo gối, cái quần đùi, cái chăn xinh xắn. Cụ bảo, nếu làm cho chăn đẹp hơn bằng cách cắt vải thành hình lục giác, ngũ giác để ghép lại thì phải may bằng tay, tỉ mỉ và tốn nhiều công.

Chính vì vậy để có được nhiều chiếc chăn cho người nghèo (chiều ngang từ 1 - 1,2 m, dài 1,9 - 2m), cụ cắt những tấm vải thành hình vuông, chữ nhật theo kích thước đều nhau và ráp chúng lại bằng máy may là ra thành phẩm. Sau đó, cụ may đường viền cẩn thận để chiếc chăn chắc, bền hơn. Tấm chăn được ghép nối bởi nhiều rẻo vải nhỏ, mang nhiều màu sắc, sinh động bất ngờ.

Cụ Khanh may chăn từ những tấm vải rẻo xin được.

Thời gian trước, cụ Khanh còn khỏe thì tự mình đi đến các nhà may để xin vải rẻo, về sau sức khỏe kém hơn thì con gái cụ làm giúp mẹ việc ấy. Cụ kể: Năm 2012, tôi bắt đầu may chăn, áo gối từ vải vụn. Trước đó, căn bệnh sụn cột sống khiến tôi chỉ nằm và đi lại chút ít trong phòng. Từ khi bắt đầu công việc này, tôi cảm thấy mình đỡ bệnh hơn vì nghĩ đã làm được một việc có ích cho người nghèo.

“Lúc đầu, tôi may cho mấy người nghèo ở địa phương tôi sinh sống. Về sau thì may tặng cho những người nghèo sống ở thành phố này. Khoảng một năm trở lại đây, tôi tận dụng vải rẻo may thêm quần đùi cho trẻ em. Rồi cùng với chăn, áo gối, tôi nhờ các con chuyển lên cho bà con nghèo ở huyện miền núi Vân Canh. Tôi từng sống ở đó nên biết người đồng bào còn nghèo lắm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm trước còn khỏe, mỗi năm cụ Khanh may được khoảng 40 cái chăn, nay sức khỏe giảm sút, mỗi năm cụ may khoảng 20 - 30 cái.

“Một cái chăn giá có mấy chục ngàn đồng, đối với nhiều người chỉ bằng bữa ăn, nhưng với những người nghèo thì có khi vài ngày công dành dụm cũng chưa mua được. Từng làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi nên tôi biết người nghèo họ vất vả trăm bề, từ miếng ăn đến giấc ngủ cũng thấy họ khổ. Những lần đi thực tế, chứng kiến những cảnh tượng ấy, tôi thấy thương họ lắm. Mình giúp họ được cái gì thì giúp, cho đi cũng chính là nhận lại”, cụ Khanh tâm sự.

Nói rồi, cụ Khanh bảo: “Mình không có điều kiện để giúp đỡ nhiều về tiền bạc cho người nghèo nên giúp bằng việc may và tặng chăn, một công việc tương đối phù hợp sức mình. Hơn nữa, tận dụng phế phẩm là hàng vạn mảnh vải dư thừa và biến chúng thành vật hữu ích cũng là góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường là việc nên làm”.

Trong cuộc trò chuyện, cụ Khanh còn bảo, mới được biết Quy Nhơn có Làng trẻ em SOS, cụ mong sao năm nay sức khỏe ổn định để may chăn, áo gối, quần đùi tặng cho các em nhỏ sống ở đây.

“Nhiều lần thấy tôi ho, đứng lên ngồi xuống đi lại khó khăn vì vẹo cột sống những vẫn mải mê với đống vải vụn, con cái xót lòng muốn ngăn không cho tôi làm nữa. Tụi nó nói mãi nên tôi hứa với tụi nó là làm trong khả năng của mình, lúc nào mệt thì nghỉ, vẫn giữ gìn sức khỏe. Tôi còn nhiều dự định lắm, may cho người nghèo rồi các em nhỏ ở làng trẻ SOS nữa, sợ chết đi lại bỏ lỡ dở”, cụ Khanh tâm sự.

Cuộc đời nhiều khốn khó

Ngồi trò chuyện, cụ Khanh kể, cuộc sống của cụ có nhiều thăng trầm. Cụ sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Thời ấy, cô bé Khanh cũng được cha mẹ cho đi học như bao bạn bè, nhưng rồi cái đói cái nghèo đeo bám nên năm 12 tuổi cụ nghỉ học.

“Hồi ấy, quê tôi bị quân thù giày xéo dữ tợn lắm. Nhiều lần chứng kiến cảnh ấy, tôi căm thù bọn giặc lắm, nhưng nhỏ quá nên không đi bộ đội được. Biết tôi có ý chí cách mạng nên các chú cán bộ cho tôi làm giao liên, đưa thư phục vụ cách mạng.

Hồi ấy, toàn bộ thư từ đều viết trên lá chuối, cứ trưa là tôi giả vờ cầm tàu chuối đi chơi, rồi băng qua đồn địch, tiếp cận với bộ đội ta, chiều lại nhong nhong ra về nên địch không nghĩ gì hết. Chúng cứ nghĩ tôi đi chơi như bao đứa trẻ khác, chúng nghĩ tuổi của tôi làm gì giác ngộ được cách mạng, nhưng chúng đã lầm”, cụ Khanh chia sẻ.

Cũng trong thời gian này, cô giao liên Khanh được gia đình cho đi học may. Cụ bảo: “Đi học may cũng là cái cớ để qua mặt kẻ thù. Mấy chú cán bộ bảo tôi phải đi học, nếu lỡ may bị bọn chúng bắt thì còn có lý do mà nói. Ý là nói tôi nhỏ tuổi, đang theo học may chứ chẳng biết gì đến cách mạng. Cũng từ đó tôi bắt đầu làm quen với đường kim mũi chỉ”.

Năm 19 tuổi, cụ Khanh lập gia đình, rồi chút vốn liếng về may, cụ mở tiệm may ngay tại quê nhà. Thời gian sau đó, vợ chồng cụ cùng 6 người con vào TP.Quy Nhơn sinh sống.

Giấy khen của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định tặng cụ Khanh.

“Hồi mới vào đây, hai vợ chồng tôi làm đủ thứ nghề nhưng vì con đông nên miếng ăn chẳng thấm thía vào đầu. Rồi chồng tôi đau bệnh liên miên, tôi vừa lo cho chồng vừa chạy vạy mưu sinh cho cả nhà. Nhưng rồi, có lẽ vì cái nghề may có duyên với mình nên cuối cùng tôi cũng quay lại nghề may, thêu để nuôi các con ăn học”, cụ Khanh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau năm 1975, cụ Khanh tham gia xây dựng kinh tế mới tại xã Canh Hiển (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đó là những năm tháng cơ cực khốn khó trong cuộc đời. Phận nữ nhi nhưng cũng lại là trụ cột gia đình khi chồng mất sớm, cụ chẳng quản từ việc giữa đêm đi đuổi heo rừng đến trèo mít hái bán.

Cụ cho biết: “Tôi đi kinh tế mới nhưng con cái ở lại Quy Nhơn, vì mấy đứa nhỏ còn học, mấy đứa lớn phải ở lại lo cho mấy đứa nhỏ. Nhớ hồi mới lên, những đêm mưa, cái bạt che tạm cứ dột, cả đêm ngồi co ro, lạnh lẽo không sao chợp mắt được. Bao nhiêu công sức, tiền của, tôi dồn hết cho những khu vườn cây trái ở vùng miền núi này. Khi đến mùa thu hoạch thì heo rừng phá nên thất lên thất xuống, vất vả lắm”.

Năm 1991, sức khỏe suy sụp, cụ Khanh bị bệnh dạ dày, khớp và cột sống nên được các con đưa về Quy Nhơn sống cho đến nay. Từ khi trở về, cụ tích cực tham gia công tác Hội Người cao tuổi của phường Lý Thường Kiệt và dành dụm tiền các con cho tiêu vặt chỉ để giúp những người nghèo ở địa phương nơi mình sinh sống.

Cụ Khanh cho biết: “Các con cho tiền, tôi cứ bỏ heo đất dành dụm, khi đập heo thì nhờ Hội Người cao tuổi phường đến nhận rồi chia cho người nghèo. Đặc biệt, hàng năm, tôi đều dành chăn, tiền tặng cho các hộ nghèo ở xã Canh Hiển, huyện Vân Canh. Ngoài ra, tôi vẫn thường xuyên giúp đỡ gia đình của bà Cháu, bà Sáu Em và ông Tú ở cùng khu phố. Cách đây mấy năm, những người này lần lượt qua đời vì đau ốm, tôi buồn lắm, khóc rất nhiều vì họ quá khổ cực, lại bệnh tật”.

Sau lời chào tiễn chúng tôi ra về, cụ Khanh với đôi tay chai sần vẫn thuần thục đưa mũi kim lên xuống một cách đều đặn và chính xác. Cứ nghĩ đến những tấm chăn nhiều màu sắc của cụ phủ lên mình, xua tan cái lạnh giá cho những phận nghèo, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ánh mắt cụ lại long lanh hạnh phúc.

Thắng Mỹ - Chơn Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/cu-ba-gan-dat-xa-troi-miet-mai-may-chan-am-tang-nguoi-ngheo-307187.html