Cty TNHH May Vinatex Bồng Sơn (Bình Định): Công nhân phản ánh bị ép làm việc quá sức

Người lao động Cty TNHH May Vinatex Bồng Sơn gửi đơn kêu cứu đến báo Lao Động phản ánh tình trạng bị tăng ca, làm việc đến kiệt sức trong thời gian vừa qua. Trong khi lãnh đạo Cty thì tỏ ra... bất ngờ và cho rằng: “Không ai phản ánh với chúng tôi”. Theo những công nhân này, hiện tượng tăng ca diễn ra từ 2015, tái đi, tái lại suốt một năm qua và gần đây trở nên căng thẳng.

Xưởng may của Cty TNHH May Vinatex Bồng Sơn (Bình Định).

“Không còn thời gian cho gia đình, con cái”

Đơn viết tay có nhiều chữ ký đại diện cho tập thể công nhân Vinatex Bồng Sơn phản ánh thực trạng: “Từ một năm qua, Cty áp dụng một chế độ làm việc khá khắc nghiệt. Thứ 2, 4, 6, lịch các chuyền may như sau: Sáng từ 7h30 đến 11h30; chiều từ 12h15 đến 18h (gần 10 tiếng). Thứ 3, 5, 7, công nhân được nghỉ lúc 17h (9 tiếng). Quy định trên duy trì đến tháng 8.2015, chỉ trừ thứ 7, còn tất cả các ngày trong tuần đều làm việc trong khoảng thời gian như vậy. Người lao động nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng lãnh đạo Cty trước sau đều lờ đi, bất chấp ràng buộc mỗi ngày làm 8h trong hợp đồng lao động”. Nhiều công nhân phản ảnh tiếp: “Từ tháng 4.2016, công nhân được yêu cầu tự nguyện đăng ký làm thêm 2 chủ nhật/tháng. Nói tự nguyện nhưng thực chất buộc phải ký giấy đồng ý nếu không muốn rắc rối phát sinh, thậm chí là đối mặt với nguy cơ mất việc. Đến ngày 9.11, lấy lý do bù lại quãng thời gian năng suất thấp mà vẫn được hưởng lương, doanh nghiệp buộc công nhân làm thêm 30 phút/ ngày, tới 18h30. Làm suông, không ăn tăng ca, không tiền tăng ca. Chúng tôi không hiểu, bởi lương tính theo sản phẩm, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thì sao phải bù?”.

Nhà vợ chồng T. cách chỗ làm 12km. “Sáng thức dậy trước 6h và thường chỉ có thể quay về sau 19h. Ngày nào cũng như ngày nào, ba mẹ hầu như không còn chút rảnh rang để chăm lo, dạy dỗ con cái. Đứa bé tuổi mẫu giáo đành “khoán trắng” cho ông bà. Thu nhập thực tế 4 triệu đồng/tháng, ăn mặc không dám chỉ cố cầm cự cho qua ngày”, anh T. nói một hơi. Còn nhiều chỉ trích khác nhắm vào cung cách quản lý, sử dụng lao động của doanh nghiệp. “Không đâu như ở đây. 12h30 phút vào ca, mới 12h chuông đã reo inh ỏi. Công nhân bị cấm mặc áo khoác, bất kể đau ốm ra sao. Thậm chí tại chuyền 9, nhiều công nhân như Nguyễn Thị Kim Oanh, Trần Thị Thanh Thảo, Lê Thị Thu Trang... ngất xỉu tại chuyền làm việc.

“Muốn đủ thứ, trừ tác phong công nghiệp”

Vinatex Bồng Sơn là doanh nghiệp thuộc Cty CP Đầu tư - Phát triển Vinatex TP Hồ Chí Minh. Hoạt động từ tháng 1.2015, cơ sở may có khả năng thu hút 1.000 lao động này hiện chỉ có 500 công nhân. Hỏi về vấn đề công nhân phản ảnh thời gian làm việc hà khắc, Giám đốc Nguyễn Văn Hoàng không chút quanh co khi trả lời P.V Lao Động “Cty luôn minh bạch trong việc giải thích chế độ, chính sách. Không biết đã xảy ra chuyện gì, không ai phản ánh tới tôi. Công nhân nói với anh, thì tôi chịu”. Ông Hoàng nói thêm: “Quy định làm 8h nhưng họ đâu có làm 8h. Đi trễ về sớm, di chuyển lòng vòng, hút thuốc, vào nhà vệ sinh, nghe nhạc, chơi games, nói chuyện điện thoại...”. Chủ tịch Công đoàn Trương Thị Thúy Hoa - giải thích: “Năng suất lao động thấp, ảnh hưởng tiến độ giao hàng. Chúng tôi họp chuyền trưởng, tất cả đều đồng ý làm thêm 30 phút. Cty trả tiền tăng ca cho khoảng thời gian từ 16h30 đến 18h. Công nhân muốn đủ thứ, gì cũng đòi, cũng kêu, nhưng ý thức, tác phong công nghiệp thì không có. Họ nên chia sẻ, đồng cảm hơn nữa với khó khăn chung”. Trưa 24.11, qua điện thoại, Chủ tịch LĐLĐ Hoài Nhơn Trần Hồng Sơn - cho biết, vẫn “chưa rõ thông tin”. Công nhân cho rằng bị áp đặt thời gian làm việc ngặt nghèo, tăng ca vi phạm Luật lao động; phía công ty phản bác và nhận định, công nhân thiếu tác phong công nghiệp... Rõ ràng trong nội bộ giữa NLĐ và người sử dụng lao động tại Vinatex Bồng Sơn đang tiềm ẩn một xung đột. Để tránh khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN, sự ổn định của trật tự trị an trên địa bàn, hiện tượng này đòi hỏi cần sớm có sự giải quyết thấu đáo của ngành lao động TBXH và LĐLĐ Bình Định, bằng một cuộc kiểm tra, tiếp xúc với cả hai bên tìm biện pháp tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Văn Đẹp - Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn: “UBND huyện sẽ yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với LĐLĐ Hoài Nhơn kiểm tra thông tin do công nhân phản ánh”.

Xuân Nhàn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cty-tnhh-may-vinatex-bong-son-binh-dinh-cong-nhan-phan-anh-bi-ep-lam-viec-qua-suc-614416.bld