Cty CP Đầu tư Đèo Cả: Vượt lên rào cản BOT để hoàn thành sứ mệnh

Những ngày này, khi công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả đã hoàn thành đưa vào thông xe kỹ thuật vận hành thử, chờ ngày chính thức khánh thành. Ước mơ một cung đường an toàn, ước mơ những điều tốt đẹp cho người dân khi tham gia giao thông đã thành hiện thực, một ký ức với bao điều sợ hãi hằn sâu trong mỗi người dân khi đi qua đây đã chính thức xóa tan. “Ai về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em” sẽ không còn xa nữa.

Hầm đường bộ qua Đèo Cả chính thức được đưa vào vận hành khai thác.

Người mở hầm xuyên núi

Có lẽ cột mốc ngày 18/11/2012 là cột mốc đáng nhớ nhất về một giấc mơ mở hầm xuyên núi, khi dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả chính thức được khởi công. Bước đầu của ý tưởng mở hầm xuyên núi của “Vua hầm” bắt đầu. Và hành trình ấy từng bước, từng bước đi vào hiện thực.

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả - QL1A được đầu tư theo hình thức BOT và BT, đi qua 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng hầm Đèo Cả theo hình thức BOT là 10.555 tỷ đồng; chi phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn, cầu trên tuyến theo hình thức BT 4.509 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 539 tỷ đồng. Thời gian khai thác để hoàn vốn là 28 năm (2016 - 2044).

Theo thiết kế, công trình hầm đường bộ Đèo Cả chiều dài 4,1km. Hầm được thiết kế gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30m, trang bị đầy đủ hệ thống hiện đại gồm đèn chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy... Hầm có 2 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 80km/h, có thể chịu được động đất cấp 7.

Không như những dự án giao thông khác thường đội vốn khi hoàn thành, gây bức xúc cho dư luận thì dự án hầm đường bộ Đèo Cả lại là một dự án đi ngược lại với điều đó. Với việc linh hoạt trong phương thức thu xếp tài chính, hình thức thực hiện dự án, làm giảm tổng mức đầu tư xuống còn 11.378 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 4.200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt. Với nguồn vốn tiết kiệm được, Cty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp tục thực hiện ước mơ chinh phục của “Vua hầm” khi được chuyển sang đầu tư tiếp dự án hầm đường bộ qua Đèo Cù Mông.

Điều đặc biệt ở dự án này đó là lần đầu tiên tại Việt Nam một đơn vị tư nhân đã đứng ra đầu tư một dự án hầm đường về quy mô chỉ xếp sau một dự án tương đương mà do Nhà nước đầu tư. Lần đầu tiên, một dự án mà trong đó hơn 90% là do kỹ sư Việt đảm nhận trực tiếp từ giám sát đến thi công. Dự án hầm Đèo Cả thật sự được xem là một công trình lớn đầu tay của công nhân, kỹ sư Việt Nam. Bởi ở công trình này, các chuyên gia người Nhật đến dự án với tư cách là người chuyển giao hơn là làm. Chất lượng và tiến độ cùng với hàng triệu giờ làm việc an toàn tuyệt đối tại công trình hầm Đèo Cả đã khẳng định bước trưởng thành của người thợ làm hầm ở Việt Nam.

Các phương tiện khi đi qua hầm sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí nhiên liệu và an toàn hơn.

Tiếp nối thành công của dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông và dự án mở rộng hầm Hải Vân 2. Không phải ngẫu nhiên mà dự án hầm đèo Cù Mông gần như 100% là người Việt làm tất cả. Việc thi công hầm Cù Mông hôm nay đó là thành công từ công trình Đèo Cả.

Chia sẻ về điều này, ông Bùi Hồng Đăng - Giám đốc điều hành Cty CP Cầu đường Sài Gòn cho biết: Thời điểm làm hầm Đèo Cả thì người Việt mình cũng đã làm chủ công nghệ được rồi. Nhưng đến sự thành công từ dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả đã thực hiện được mục tiêu Việt Nam hóa dần trong công tác thi công hầm đường bộ tại Việt Nam. Bước ban đầu đã đạt được và điều đó đã thể hiện ở dự án hầm đèo Cù Mông và hầm Hải Vân 2.

Trong chuyến thăm công trình hầm Đèo Cả ngày 27/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có đánh giá: Đây là công trình đường hầm đầu tiên do chính người Việt làm, thể hiện sự trưởng thành rất lớn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân người Việt Nam. Từ công trình này sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện những công trình khác. Tôi biểu dương từ Ban quản lý đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, các đơn vị thi công, công nhân, kỹ sư, chuyên gia đã dồn sức để thi công hầm đến ngày hôm nay. Điều đáng mừng là an toàn và chính xác.

Để gặt hái được những thành công lớn lao như trên, suốt chặng đường đã qua, Cty CP Đầu tư Đèo Cả đã trải qua những chặng đường gian nan chông gai và không kém phần khốc liệt. Tuy vậy, sự định hướng đúng đắn, đặc biệt là niềm tin vào những con người trẻ tuổi đã giúp Cty CP Đầu tư Đèo Cả chinh phục được những đỉnh cao mới. Và giấc mơ Việt Nam hóa đào hầm xuyên núi của “Vua hầm” đã thành hiện thực.

Chiến thắng không giành cho những người lùi bước

Khi nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (nay là Phó Ban kinh tế Trung ương) đến thăm dự án hầm đường bộ Đèo Cả, ông đã không khỏi bất ngờ với bộ máy quản lý một dự án có quy mô vốn lên đến 15.600 tỷ đồng, và là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia mà lại đại đa số là những cán bộ, kỹ sư trẻ thuộc thế hệ 7x- 8x. Điều đáng ghi nhận đó chính là việc những con người trẻ tuổi ấy đã và đang thực hiện “trơn tru” dự án với một tiến độ rất đảm bảo.

Hầm Đèo Cả với quy mô hai ống hầm song song được xem là hầm đường bộ hiện đại nhất trên QL1 A hiện nay.

Hành trình xây dựng 4 năm qua, để gặt hái được những thành công lớn lao trên, Cty CP Đầu tư Đèo Cả đã trải qua những chặng đường gian nan chông gai và không kém phần khốc liệt.

Sự khó khăn trong việc vượt qua suy nghĩ đang hiện diện tồn tại về khả năng một doanh nghiệp tư nhân đứng ra đầu tư dự án hầm đường bộ thuộc loại lớn nhất nhì trong nước hiện nay. Làm sao minh chứng được khả năng để làm thoát khỏi tư duy chỉ có nhà nước mới đủ sức thực hiện dự án hầm đường bộ… Và hành trình đó không phải là dễ để được chấp thuận.

Cái khó nữa mà Cty CP Đầu tư Đèo Cả khi thực hiện dự án phải đối mặt đó là nguồn vốn. Không phải ngân hàng nào cũng mở hầu bao cho vay các dự án BOT. Nhất là cho vay các dự án BOT giao thông. Bởi các dự án BOT luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là những rủi ro về khả năng thu hồi vốn khi dự án BOT giao thông có nguồn thu phí không đạt dự tính, không có khả năng trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn theo cam kết trong hợp đồng tín dụng. Chỉ một vài rủi ro xảy ra với những dự án nghìn tỷ, cục diện có thể thay đổi và có thể dẫn đến rủi ro tín dụng đối với ngân hàng cho vay. Mối lo ngại này không phải là không có cơ sở.

Mất một thời gian dài thương thảo tìm ra hai ngân hàng nước ngoài uy tín tài trợ nguồn vốn cho dự án, tưởng rằng nguồn tài chính đã ổn để thực hiện dự án nhưng khi bắt tay thực hiện thì lại vướng các thủ tục vay vốn ngân hàng nước ngoài rất phức tạp và rất nhiều tháng sau khi dự án được khởi công. Lại một lần nữa phải đi thương thảo với nhiều ngân hàng để tìm tiếng nói chung. Khó khăn được tháo gỡ khi Vietinbank đã đồng ý cam kết đồng hành cùng với dự án với khoản vay 5.400 tỷ đồng, nút thắt đã được gỡ cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Rồi cái khó của hình thức BOT - BT với hành lang pháp lý cho hình thức này chưa rõ ràng. Nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro phát sinh trong thực tế thực hiện dự án, như việc phải chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng khi dự án đưa vào khai thác, trong khi việc quản lý chất lượng dự án phụ thuộc rất nhiều vào công tác kiểm soát phương tiện, tải trọng, ý thức của người tham gia giao thông. Rủi ro về giá vật tư nguyên liệu, định mức, biến động của thị trường. Rủi ro về phần vốn góp của Nhà nước trong dự án khi bố trí không đủ, không kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Rủi ro về thu phí liên quan đến sự thay đổi mức thu phí và lưu lượng xe. Rủi ro về giải phóng mặt bằng và tái định cư... khi nhà đầu tư phải vay vốn để thực hiện công việc này cho kịp tiến độ dự án.

Có những thời điểm đầy khó khăn, khi Chính phủ, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang tích cực hỗ trợ mọi mặt, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế để thực hiện dự án. Sớm đưa cung đường đèo cuối cùng và nguy hiểm nhất trên tuyến QL 1A được hoàn thành thì gặp không ít dư luận xấu tung tin nhằm cản trở quá trình thực hiện dự án. Như việc cho rằng Cty CP Đầu tư Đèo Cả chưa hoàn thành dự án nhưng đã tổ chức thu phí tại hai trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An trên QL1A… Đã khiến cho những người cầm lái phải mất thời gian giải thích để dư luận, cộng đồng hiểu rõ sự việc, đâu là đúng sự việc.

Bao nhiêu cái khó cứ đổ dồn xuống, chưa kể những áp lực khác khi thực hiện dự án. Nhưng không làm chùn bước của những người đi chinh phục. Rồi từng nút thắt của cái khó được gỡ ra. Dự án hầm Đèo Cả, dự án hầm đèo Cù Mông, dự án mở rộng hầm Hải Vân và tiến xa là dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng giám đốc Cty CP Đèo Cả, thế hệ lãnh đạo 7x đã chia sẻ: Hơn ai hết, chúng tôi thấm thía về thành quả của việc hoàn thành dự án ngày hôm nay. Việc thông xe toàn tuyến đưa vào sử dụng đánh dấu được sự trưởng thành của nhà đầu tư và các nhà thầu, đơn vị tư vấn, đội ngũ kỹ sư và chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng hầm với công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là mở ra cơ hội thuận lợi về giao thương và phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Tạo thuận lợi về an toàn giao thông, tiết kiệm chi phí, nhiên liệu cho phương tiện khi lưu thông qua hầm Đèo Cả.

Ý nghĩa của dự án này vượt ngoài về những số đo, những suy nghĩ thông thường cho phép tính toán về lợi ích kinh tế. Chúng ta luôn mong có những con đường không phải thu phí song hành với những con đường thu phí như Đèo Cả hiện nay sẽ đạt được khi tương lai đất nước thịnh vượng phát triển, sẽ không còn một số phần tử đã lợi dụng đả kích, phá hoại những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước dễ làm suy giảm ý chí cống hiến của các nhà đầu tư như chúng tôi. Chúng tôi mong muốn sự ủng hộ của mọi người cho tương lai tốt đẹp của đất nước, tất cả trở thành hiện thực.

Dự án hầm Đèo Cả đã minh chứng cho một khát khao cống hiến của một doanh nhân trẻ trước muôn vàn khó khăn. Chiến thắng không giành cho những người lùi bước.

Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng giám đốc Cty CP Đèo Cả:Việc thu phí đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và chủ phương tiện

Ông Hồ Minh Hoàng

“Trong thời gian gần đây dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là vấn đề thu phí, với tư cách là nhà đầu tư của dự án, tôi xin khẳng định rằng, dự án này khác với những dự án khác là chủ phương tiện toàn quyền lựa chọn phương án khi lưu thông qua đèo hay lưu thông qua hầm.

Nếu lưu thông qua hầm thì chi phí thấp nhất, an toàn nhất, tiết kiệm thời gian. Nếu lưu thông qua đèo thì bắt buộc phải chịu hao phí về nhiên liệu, hao mòn thiết bị rất lớn, tốn nhiều thời gian và rủi ro về an toàn giao thông. Mức phí tại hầm Đèo Cả được kiểm soát và tính toán theo quy định đã được Bộ GTVT phê duyệt đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và chủ phương tiện giao thông qua hầm. Chúng tôi cho rằng, khi đảm bảo hài hòa các lợi ích đó có thể thúc đẩy phát triển, tạo đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông như Nghị quyết đại hội Đảng đã đề ra.

Về các trạm thu phí của dự án Đèo Cả, gồm trạm Bàn Thạch, trạm Đèo Cả. Chúng tôi cũng xin trao đổi để bà con được rõ: Vừa qua có thông tin đã nêu về các trạm thu phí, chúng tôi xin chia sẻ như sau: Về trạm thu phí Bàn Thạch, có trước khi dự án Đèo Cả triển khai, trước ngày 07/9/2012. Trạm thu phí Bàn Thạch được Bộ GTVT chuyển giao quyền thu phí cho Cty Việt Long thu đến hết năm 2014, sau đó mới chuyển cho Cty CP Đầu tư Đèo Cả.

Trong giai đoạn đầu của dự án với việc thu xếp vốn khó khăn, cần giải pháp đặc thù để khơi thông nguồn vốn nên việc chuyển giao sớm trạm thu phí Bàn Thạch cho dự án hầm Đèo Cả là một bước đột phá, thể hiện cam kết của Chính phủ đối với dự án theo hình thức công tư. Tạo dòng tiền ban đầu cho các dự án có công suất đầu tư rất lớn, phức tạp về mặt kỹ thuật. Hiện nay Cty CP Đầu tư Đèo Cả thu phí tại trạm thu phí Bàn Thạch là thu hộ cho Nhà nước.

Đối với trạm thu phí Đèo Cả, đó là sự chọn lựa quyết định cho an toàn và chi phí phải trả cho phù hợp”.

Nguyễn Nam

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/cty-cp-dau-tu-deo-ca-vuot-len-rao-can-bot-de-hoan-thanh-su-menh.html