Cty Cà phê Cư Pul: Đất hộ nhận khoán phải giao về địa phương?

"Phân tán sản xuất kinh doanh kém hiệu quả thì giải thể chuyển giao về địa phương quản lý” đó là một việc làm cần thiết để người dân sớm ổn định.

Giao đất cho các hộ nhận khoán về địa phương quản lý là một việc làm cần thiết để các hộ dân sớm ổn định công ăn việc làm và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ tại Nghị quyết 30/NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Theo đó, “Các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh không có hiệu quả, khoán trắng đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích đất chiếm từ 3/4 tổng diện tích đất Công ty được giao, thuê. Quy mô diện tích đất dưới 500ha, phân tán sản xuất kinh doanh kém hiệu quả thì khi giải thể phải chuyển giao về địa phương quản lý”.

Những bức xúc của các hộ nhận khoán đã được giải tỏa khi báo chí lên tiếng.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về “sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, đạt được kết quả”, nhằm đổi mới cơ chế quản lý, phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích.

Theo đó, công tác quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh được củng cố, rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất, rừng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, xác định rõ diện tích cần giữ lại chuyển sang thuê và thực hiện các hình thức khoán để quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả hơn, chuyển giao một phần diện tích đất không có nhu cầu sử dụng, sử dụng hiệu quả thấp về địa phương quản lý.

Tuy nhiên, nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra chưa đạt được: Chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất, trách nhiệm quản lý của chính quyền và doanh nghiệp chưa được làm rõ, nhiều công ty chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp: Hầu hết các công ty có vốn, tài sản nhỏ bé và còn nhiều khó khăn về tài chính, hiệu quả sử dụng đất thấp và kết quả sản xuất, kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên rừng, đất đai được giao, việc làm, thu nhập của người lao động và người dân trong vùng chậm được cải thiện.

Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa thấy hết được vị trí, vai trò của nông, lâm trường và sự cần thiết phải sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh.

Một bộ phận lãnh đạo nông, lâm trường chậm đổi mới nhận thức, không chủ động tháo gỡ khó khăn, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo cơ chế quản lý mới. Một số cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tạo được chuyển biến căn bản trong quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về nông, lâm trường còn nhiều bất cập, năng lực, trình độ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu, một bộ phận suy thoái về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật. Sự phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn đối với các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, chuyển giao đất, rừng về địa phương quản lý ở nhiều nơi còn yếu, chưa chặt chẽ. Hoạt động của các tổ chức Đảng, trong các Công ty nông, lâm nghiệp chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết của một số địa phương chưa quyết liệt, phối hợp thiếu đồng bộ.

Ngày 12/03/2014 Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 30/NQ/TW, ngày 17/12/2014 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ ra đời và năm 2015 Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đổi mới lại các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2015 tại điểm 7, khoản 1,2,3 của Nghị định có nêu rõ: Các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh không có hiệu quả, khoán trắng đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích đất chiếm từ ¾ tổng diện tích đất Công ty được giao, thuê. Quy mô diện tích đất dưới 500ha, phân tán sản xuất kinh doanh kém hiệu quả thì giải thể chuyển giao về địa phương quản lý”.

Trong Nghị quyết 30/NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP đã nêu rõ như viện dẫn ở trên, nhưng khi thực hiện cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương không bám sát các chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước còn “Chống lưng” cho kẻ vi phạm.

Hiện nay diện tích 260ha đất Công ty cà phê Cư Pul đang sử dụng, chuyển giao cho Công ty TNHH hai thành viên để chuyển đổi cây trồng là không đúng mục đích. Vì diện tích đất này chỉ thích ứng với cây cà phê, đang được bà con chăm sóc có hiệu quả, cho năng suất cao, là cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Đăk Lăk.

Theo Nghị định Chính phủ là phải xác định rõ diện tích các loại đất không có nhu cầu sử dụng.

- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất.

1. a) Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các công ty nông, lâm nghiệp. Chỉ đạo các công ty tiếp tục rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định rõ diện tích các loại đất, sử dụng đúng mục đích từng loại đất. Đến năm 2015 hoàn thành việc chuyển giao đất và hồ sơ đất không có nhu cầu sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, hoang hóa, các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai về địa phương quản lý, sử dụng. Kiên quyết thu hồi đất giao lại cho địa phương khi nông, lâm trường không có nhu cầu sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích.

b) Đến năm 2015 hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

c) Hình thức quản lý sử dụng đất

- Giao đất không thu tiền sử dụng đối với. Đất giao cho các công ty nông, lâm nghiệp là đất rừng phòng hộ, đất sử dụng để thực hiện nhiệm vụ công ích, không phục vụ kinh doanh.

Đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thuộc diện được miễn nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với đất liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư:

Nếu doanh nghiệp mới được thành lập sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả thì tách ra khỏi diện tích đất của công ty và chuyển sang thuê đất. Nếu sử dụng không đúng mục đích thì thu hồi và giao lại địa phương để quản lý, sử dụng.

1. e) Đối với đất ở, đất kinh tế hộ gia đình mà công ty đã giao cho cán bộ, công nhân viên thì công ty phải bàn giao về địa phương quản lý hoặc quy hoạch lại thành khu dân cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bàn giao cho địa phương quản lý.

Căn cứ vào các quy định nêu trên thì Công ty Cư Pul nằm trong diện giải thể. Thế nhưng UBND tỉnh Đak Lak không thực hiện mà chuyển đổi Công ty TNHH MTV Cà phê Cư Pul làm ăn kém hiệu quả, diện tích đất phân tán, manh mún, lãnh đạo Công ty có nhiều sai phạm trong quản lý, giao nhận khoán, quyền lợi của các hộ nhận khoán không bảo đảm nhiều sai phạm chưa giải quyết xong đáng lẽ ra phải giải thể công ty giao đất cho địa phương quản lý, nay lại cho thành lập Công ty TNHH hai thành viên là đi ngược lại Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ.

Đây là một vấn đề rất hệ trọng mà bấy lâu nay quyền lợi của người dân chưa được giải quyết, chưa quy trách nhiệm cho người đứng đầu Công ty vi phạm. Việc UBND tỉnh Đak Lak chuyển đổi Công ty TNHH MTV thành Công ty TNHH hai thành viên là tạo cơ hội để cho những kẻ vi phạm “thoát tội”, không thực hiện đúng với sự chỉ đạo của Nghị quyết số 30 Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2015. Vậy ai là người đang chống lưng cho kẻ vi phạm? Cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời mới bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Với tâm tư nguyện vọng của bà con đề nghị các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, UBTW MTTQ Việt Nam chỉ đạo xem xét giải quyết và thực hiện đúng với tinh thần của Nghị quyết số 28 và 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ, Nghị quyết Quốc hội. Đồng thời giải thể Công ty TNHH MTV Cà phê Cư Pul chuyển giao diện tích đất của Công ty Cà phê Cư Pul đang quản lý về cho UBND huyện Krông Pắk và UBND xã Hòa Đông quản lý để cấp quyền sử dụng đất lâu dài. Nhằm đảm bảo đời sống an sinh cho người dân lao động bảo đảm cuộc sống và ổn định tình hình An ninh – Chính trị trên địa bàn.

HỒ VĂN TRINH/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/cty-ca-phe-cu-pul-dat-ho-nhan-khoan-phai-giao-ve-dia-phuong-p42000.html