Cột cờ Thủ Ngữ thành phòng trọ?

Mặc dù là di tích lịch sử đã được công nhận, nhưng hằng ngày cửa vào phòng trưng bày ngay dưới chân di tích Cột cờ Thủ Ngữ (TP.HCM) vẫn hầu như đóng kín.

Di tích hơn 150 tuổi

Đối diện với bến Nhà Rồng bên sông Sài Gòn, cạnh chân cầu Khánh Hội tấp nập, giữa không gian toàn những tòa nhà cao vút là Cột cờ Thủ Ngữ 151 tuổi.

Thủ Ngữ có ý nghĩa là điểm giữ của cảng. Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng thủ ngữ là ngôn ngữ dấu hiệu bằng tay (với cờ hiệu). Đây là công trình đầu tiên ở Sài Gòn dùng để canh tuần tàu biển và treo cờ để tàu thuyền ra vào cảng biết nên vào ngay hay chờ đợi. Công trình được làm bằng sắt, cao khoảng 30 m, trên chóp cột treo cờ bằng vải màu hoặc một quả bóng sơn đen làm hiệu cho tàu thuyền ra vào cảng lúc ban ngày, về đêm thì treo đèn màu trắng, có khi màu đỏ, để làm hiệu.

Ngày nay, Cột cờ Thủ Ngữ không còn giữ chức năng báo hiệu nữa. Các công trình ở gần bên như: bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM), cầu Mống, cầu Khánh Hội cùng với cột cờ Thủ Ngữ tạo thành một cụm di tích có lịch sử - văn hóa tiêu biểu, chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Sài Gòn - TP.HCM.

Cột cờ Thủ Ngữ xưa Ảnh: T.L

Cuốn Lịch sử Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ghi những sự kiện lịch sử tại cột cờ này: “Rạng sáng ngày 23.9.1945, các toán quân Pháp được quân đội Hoàng gia Anh hỗ trợ đã nổ súng tập kích vào các cơ quan đầu não của ta. Các lực lượng phải đánh trả quyết liệt với giặc tại dinh Đốc lý, trên các tuyến đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Tại Cột cờ Thủ Ngữ, một tiểu đội tự vệ chỉ với súng săn, dao găm, lựu đạn, đã chiến đấu ngoan cường chống lại một đại đội quân Anh cho đến người cuối cùng. Cũng tại cột cờ này, các chiến sĩ quân giải phóng đã kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong sự vui mừng chiến thắng ngày 30.4.1975”.

Hình ảnh nhếch nhác trong nhà trưng bày ở khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ Ảnh: Quỳnh Trân

“Ở trọ” trong khu di tích ?

Trong vai một du khách đến tham quan, PV Thanh Niên gõ cửa khu di tích vào lúc 9 giờ sáng. Phải kiên trì và lớn tiếng kêu cửa thì mới có người ra mở. Vào bên trong nhà trưng bày của di tích, chúng tôi thực sự bất ngờ trước sự lộn xộn nơi đây: bên cạnh những hình ảnh trưng bày về Sài Gòn xưa là áo quần cũ, khăn lau mặt treo vắt vẻo trên cửa sổ, chén đũa bếp núc bỏ chỏng chơ trên sàn nhà… Còn các góc thì chất thùng cũ, đồ chơi trẻ em, xe đạp hỏng… không khác gì một phòng trọ cho thuê mướn khá tồi tàn. Năm 2009, UBND TP.HCM có giao cho Sở VH-TT-DL trùng tu sửa chữa lại nhưng hiện nay phần gạch nền nhà đang bị bong tróc và bể khá nhiều.

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 10.6, đại diện Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM nói: “Trước đây, do di tích Cột cờ Thủ Ngữ bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công đại lộ Đông Tây nên chúng tôi có tiến hành sửa chữa, trùng tu lại và đơn vị thi công sau khi làm xong đã cho người đến ở, bảo vệ giúp đến giờ. Sắp tới, Sở VH-TT chuẩn bị bàn giao di tích đã được xếp hạng cho UBND Q.1 quản lý và chúng tôi sẽ có nhiệm vụ phối hợp để phát huy giá trị độc đáo của khu di tích”.

Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH - TT TP.HCM), Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10.1865 trên nền cũ của dinh quan thủ ngự chuyên chăm lo về thương chính của nhà Nguyễn. Người Pháp đặt tên cho cột cờ là Mât des Signaus. Phần chân cột cờ có kiến trúc độc đáo hình ngôi sao tám cánh như mặt bằng thành Gia Định xưa (thành Bát quái) gồm 3 tầng giật cấp. Công trình được lãnh đạo UBND TP.HCM ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố vào tháng 5.2016.

Lê Công Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/cot-co-thu-ngu-thanh-phong-tro-712611.html