Cột cờ Thủ Ngữ - Một dấu chỉ hiện đại của đô thị Sài Gòn cuối thế kỷ XIX

Liên quan đến dự án Công viên Cảng Bạch Đằng, UBND TP.HCM đã chỉ đạo tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế nhằm lựa chọn phương án kiến trúc tối ưu cho công trình điểm nhấn kiến trúc tại vị trí cột cờ Thủ Ngữ. Trải qua gần 150 năm, khi hệ thống cảng Sài Gòn đã di dời gần hết ra khỏi thành phố, thì có lẽ cột cờ Thủ Ngữ và bến Nhà Rồng là chứng tích cuối cùng của một thời thương cảng Sài Gòn sầm uất.

Theo tài liệu lịch sử, sau khi chiếm Sài Gòn (1859) Pháp xây dựng công xưởng hải quân (tức Xưởng Ba Son) ngay sát Xưởng Thủy của triều Nguyễn, nơi được coi là vị trí rất tốt cho việc đặt các ụ sửa tàu, có khả năng tiếp nhận nhiều loại tàu thuyền vào cập bến. Bên cạnh công xưởng hải quân, Pháp cũng thiết lập một hải cảng thương mại quốc tế mới ở sông Sài Gòn phía cửa rạch Bến Nghé. Chỉ một năm sau (1860) Pháp đã quyết định mở thương cảng cho tự do thông thương và khu vực cảng này hoàn tất vào năm 1863, đánh dấu bằng sự hiện diện của tòa nhà trụ sở Công ty vận tải đường biển Pháp (Messageries Maritimes) tức bến Nhà Rồng.

Cột cờ Thủ Ngữ được xây dựng vào tháng 10.1865 tại khu vực ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng, nay ở đầu đường Hàm Nghi. Cột cờ là một bộ phận kỹ thuật có chức năng điều hành tàu ra vào cảng. Kiến trúc của cột cờ Thủ Ngữ khá độc đáo gồm ba tầng giật cấp, phần dưới cùng là nền cao, phía trên xây một ngôi nhà bao quanh chân cột cờ, gian chính giữa cao hơn có phần mái hình bát giác…Trên một tấm ảnh chụp ghi năm 1882 đã thấy cột cờ Thủ Ngữ và Nhà Rồng tạo nên một cảnh quan đẹp tại nơi “thoi loi đất” ngã ba sông rợp cây xanh và lộng gió.

Ảnh TL

Theo Đại Nam quấc âm tự vị, “Thủ” có nghĩa là “giữ, giữ gìn”. Cột cờ “Thủ ngữ” mang nghĩa là “điểm/vị trí giữ cửa/cảng biển”. “Gia Tân nền tạm thuở xưa, Ngày nay có dựng cột cờ gần bên” như Gia Định phong cảnh vịnh của Trương Vĩnh Ký đã miêu tả. Vương Hồng Sển ghi trong Sài Gòn năm xưa về chức năng của cột cờ Thủ Ngữ: “Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo ám ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ, tức là ám hiệu báo tin cho tàu bè biết hiệu lịnh tránh lỗ rạn hiểm nguy, ghe thuyền qua lại, trong lúc vô ra sông Sài Gòn”.

Thời đó, lúc chưa có xe hơi, sang lắm mới đi xe ngựa, phần lớn dân chúng đi bộ… thì việc những chiếc tàu thủy từ phương xa theo sông Sài Gòn vô tận bến cảng là biểu hiện của quá trình “hiện đại hóa” vào nửa sau thế kỷ XIX. Cột cờ Thủ Ngữ có vị trí ngay bến cảng, cấu tạo bằng sắt cao vút với nhiều bộ phận, chức năng, khác biệt với những cột cờ truyền thống trong thành quách, cung điện xưa… đã trở thành một dấu chỉ hiện đại của đô thị Sài Gòn.

Ngày nay các công trình như bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cầu Mống cùng với cột cờ Thủ Ngữ tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, chứng nhân của quá trình phát triển cảng Sài Gòn và nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Sài Gòn - TP.HCM.

* * *

Vào tháng 5.2016, cột cờ Thủ Ngữ đã được UBND TP.HCM xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Gần đây chính quyền thành phố có chủ trương chỉnh trang Công viên Cảng Bạch Đằng mở rộng kết hợp với những chiếc cầu sẽ được xây dựng dẫn qua khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Tại đó sẽ có các hoạt động giải trí dọc bờ sông kết hợp với thương mại một cách hài hòa, đồng thời phải bảo tồn di tích lịch sử tượng Trần Hưng Đạo, cột cờ Thủ Ngữ.

Với ý nghĩa lịch sử của cột cờ Thủ Ngữ đối với thương cảng Sài Gòn nói riêng và thành phố nói chung, từ góc độ bảo tồn di sản đô thị, nên chăng ngôi nhà dưới chân cột cờ cần được trùng tu và xây dựng thành phòng trưng bày nhỏ về cảng Sài Gòn từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX - giai đoạn Pháp bắt đầu xây dựng và mở mang khu vực cảng và phát triển thương mại đường biển. Đồng thời trùng tu, bảo quản toàn bộ cấu trúc kỹ thuật của cột cờ. Phục dựng và định kỳ “diễn lại” chức năng kéo cờ hiệu kết hợp với tàu du lịch ra vào phía bến Nhà Rồng. Hoạt động này sẽ làm cho cột cờ Thủ Ngữ trở thành “điểm nhấn” thu hút du khách, như những trường hợp phục dựng sinh hoạt cổ xưa tại nhiều di tích lịch sử văn hóa trên thế giới.

Nhân đây tôi cho rằng không nên tiến hành nghi thức chào cờ và hạ cờ mỗi ngày ở cột cờ Thủ Ngữ (như đã có phương án dự kiến) vì đó là “nghi thức mới”, không phải chức năng vốn có của di tích này. Nghi thức chào cờ và hạ cờ cần được tiến hành ở một không gian trang trọng như quảng trường trước UBND TP.HCM thì phù hợp hơn.

Ngoài ra, khu vực bến Nhà Rồng - cầu Mống - tòa nhà Ngân hàng Quốc gia - tòa nhà Hải quan - bến Bạch Đằng - cột cờ Thủ Ngữ cần được gìn giữ bảo vệ như “không gian di sản”của thành phố - giống như khu vực đường Nguyễn Huệ - UBND TP.HCM - Nhà thờ Đức Bà - Bưu điện - Dinh Thống Nhất, vì đây là những nơi tập trung các công trình được xây dựng vào thời kỳ sớm của đô thị Sài Gòn.

Nguyễn Thị Hậu

Bảo tồn di tích lịch sử tượng Trần Hưng Đạo, cột cờ Thủ Ngữ

Theo văn bản kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi họp nghe báo cáo kết quả nghiên cứu thiết kế dự án Công viên Cảng Bạch Đằng - tháng 5.2017, UBND TP.HCM chấp thuận giao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Công ty cổ phần đầu tư Sài Gòn An Phát phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị có liên quan hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Công viên Cảng Bạch Đằng theo phương án do đơn vị tư vấn BDP đề xuất và Phương án tổ chức giao thông ngầm đường Tôn Đức Thắng và đường Hàm Nghi (bao gồm bãi đậu xe và khu thương mại ngầm) do đơn vị tư vấn Nippon Koei đề xuất.

Trong đó lưu ý: tuân thủ các nội dung của đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu thành phố (930ha) và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị Thủ Thiêm; đảm bảo tầm nhìn thông thoáng từ trụ sở UBND TP.HCM hướng về phía sông Sài Gòn và quận 2; bảo tồn di tích lịch sử tượng Trần Hưng Đạo, cột cờ Thủ Ngữ. Riêng công trình điểm nhấn kiến trúc tại vị trí cột cờ Thủ Ngữ phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế, nhằm lựa chọn phương án kiến trúc tối ưu.

Ảnh TL

Phương án tổ chức giao thông cần nghiên cứu kỹ nút giao tại giao lộ đường Hàm Nghi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng, đường dẫn cầu Khánh Hội và đường dẫn cầu Thủ Thiêm. Nghiên cứu kết nối khu vực để xe, khu trung tâm thương mại ngầm với khu vực nhà ga đường Hàm Nghi; cập nhật vị trí bến taxi thủy tại khu vực Vườn Kiểng; tổ chức thiết kế bến trung tâm làm đầu mối giao thông các tuyến taxi thủy và các tuyến giao thông công cộng nhằm đảm bảo mỹ quan kiến trúc Công viên Cảng Bạch Đằng; đảm bảo tuân thủ mép bờ cao của sông Sài Gòn. Đối với hai cầu đi bộ, nghiên cứu đề xuất thiết kế đảm bảo thuận lợi cho người đi bộ từ hướng quận 1 sang quận 2 và vị trí hai trụ cầu bên phía quận 1 không lấn sâu bên trong mặt đường Tôn Đức Thắng. (Hà Ngọc)

_____________________________________________

Cột cờ Thủ Ngữ tọa lạc tại số 2 đường Tôn Đức Thắng (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM). Tính đến 2017 di tích lịch sử này đã có 252 tuổi.

Cột cờ Thủ Ngữ còn là một trong những chứng tích lịch sử Nam bộ kháng chiến ngày 23.9.1945. Ngay dưới chân cột cờ Thủ Ngữ năm đó, một tiểu đội tự vệ chiến đấu của quân dân Sài Gòn - Gia Định đã chiến đấu ngoan cường chống trả một đại đội quân Anh được trang bị vũ khí hiện đại và anh dũng hy sinh... Kiến trúc sư Hùynh Tấn Phát trong một lần làm việc với cán bộ ngành văn hóa TP.HCM về việc triển khai dự án xây dựng nhà hát Hòa Bình (1980) từng nhắc nhở: “Xây những giá trị mới như nhà hát Hòa Bình và phải giữ những giá trị cũ của Sài Gòn. Cột cờ Thủ ngữ mà thiếu niên thời chúng tôi từng lui tới như một trong những biểu tượng của Sài Gòn là một nơi như thế. Nơi đây không chỉ là lịch sử đánh dấu cột mốc giao thương của Sài Gòn thời Pháp thuộc mà còn là nơi ghi dấu công lao gìn giữ Sài Gòn của đồng bào, chiến sĩ ta. Vì ý nghĩa đó mà phải gìn giữ di tích lịch sử quý giá này” (ghi chép của phóng viên Thế Thanh - Báo Phụ Nữ TP.HCM năm 1980).

Ảnh TL

Tháng 4.2009, UBND TP.HCM đã bàn giao công trình cột cờ Thủ Ngữ cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trùng tu. Hiện nay, mặt bằng cột cờ Thủ Ngữ được bố trí theo hình ngôi sao 8 cánh như mặt bằng thành Gia Định xưa (thành Bát quái), gồm ba tầng giật cấp thụt vào, và giữ nguyên hiện trạng của cột cờ Thủ Ngữ tạo thành điểm nhấn cảnh quan và biểu tượng cổng vào của thành phố theo đường thủy, là điểm mở đầu của trục đường Hàm Nghi và Nguyễn Huệ.

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/hon-pho/di-san/9670/cot-co-thu-ngu-mot-dau-chi-hien-dai-cua-do-thi-sai-gon-cuoi-the-ky-xix.ndt