Công việc tín dụng cần kinh nghiệm gì?

TTO - Tôi mới tốt nghiệp Học viện Tài chính, ngành ngân hàng - tài chính, khoa tài chính doanh nghiệp. Tôi tốt nghiệp bằng khá với điểm trung bình khoảng 7,7. Tôi là nữ, cao 1,58m, nói chung ngoại hình xinh xắn, ưa nhìn. Ngoài ra tôi đã có chứng chỉ TOEIC ở mức điểm là 635 điểm.

Tôi muốn làm tín dụng trong ngân hàng ở khu vực Hà Nội, nhưng thấy nhiều ngân hàng ưu tiên tuyển nam và người có kinh nghiệm trong khi tôi chưa có kinh nghiệm nhiều ngoài việc đi thực tập ở vị trí "nhân viên quản lý tín dụng" tại Ngân hàng VP. Tôi có hai câu hỏi muốn nhờ anh, chị giải đáp. 1. Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm như tôi, nếu làm tín dụng sẽ gặp phải những khó khăn gì? 2. Khi viết lý lịch ứng viên làm sao tôi có thể "ăn điểm" với nhà tuyển dụng khi mình chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc? Cảm ơn anh, chị đã dành thời gian trả lời thắc mắc của tôi. Chào bạn, Hầu hết các bạn mới ra trường đều có chung tâm trạng băn khoăn và hồi hộp. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng bởi bạn có rất nhiều lợi thế để tìm được một công việc trong ngành ngân hàng: - Điểm tốt nghiệp cao và xếp loại khá, đúng chuyên ngành ngân hàng – tài chính - Ngoại hình dễ nhìn, dễ tạo thiện cảm - Ngoại ngữ: tiếng Anh tốt (TOEIC 635 điểm) Riêng bạn, bạn rất quan tâm đến vị trí nhân viên tín dụng và tôi nghĩ bạn nên tìm hiểu kỹ công việc của một nhân viên tín dụng ở ngân hàng là gì. Người làm tín dụng (thực hiện trực tiếp nghiệp vụ tín dụng) là cầu nối giữa ngân hàng (tổ chức có vốn) và khách hàng (cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp có nhu cầu vốn). Hầu hết các hệ thống ngân hàng đều chia tín dụng thành hai mảng: 1. Chuyên viên tín dụng cá nhân: phụ trách mảng tín dụng cá nhân. 2. Chuyên viên tín dụng doanh nghiệp: phụ trách mảng doanh nghiệp. Với hai câu hỏi của bạn, tôi xin chia sẻ như sau: Vấn đề thứ nhất: Bạn muốn tham khào những khó khăn đối với một sinh viên mới ra trường. Thông thường, mỗi ngành nghề đều có những khó khăn và áp lực khác nhau. Cái quan trọng đầu tiên là bạn nên tìm hiểu những kỹ năng và phẩm chất của bản thân có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không? Với công việc tín dụng đòi hỏi bạn phải có những phẩm chất và kỹ năng quan trọng sau: • Trung thực: yếu tố quan trọng nhất, bạn phải trung thực trong mọi tình huống để tránh xa những cám dỗ. Mọi hành vi không trung thực đều có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. • Nhanh nhẹn, khả năng tư duy, nắm bắt cơ hội tốt: khả năng này sẽ giúp bạn nhanh chóng làm cho khách hàng hài lòng và đến với bạn nhiều hơn, cũng như tìm kiếm được nhiều khách hàng mới hơn. • Có kiến thức chuyên môn về tín dụng và kiến thức kinh tế tổng hợp, có khả năng phân tích nhanh, tốt. Quyết đoán trong công việc. • Ngoài ra, tùy thuộc vào đặc tính của các ngân hàng khác nhau mà cần phải có những phẩm chất, kỹ năng khác nhau. Khi được lựa chọn, bạn sẽ được tham gia những khóa đào tạo về nghiệp vụ và quy trình làm việc của hệ thống ngân hàng. Do vậy, bạn đừng quá lo lắng mà thay vào đó hãy tự tin chuẩn bị tinh thần học hỏi cao nhất từ môi trường, các anh chị đồng nghiệp để có thể thích ứng tốt với công việc mà bạn lựa chọn. Ở vấn đề thứ hai, bạn lo lắng cho sơ yếu lý lịch của mình không có phần kinh nghiệm. Không phủ nhận kinh nghiệm là một trong những phần quan trọng giúp ứng viên tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Do vậy, ở phần này, bạn nên liệt kê ra những kinh nghiệm nghề nghiệp theo thứ tự thời gian. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm chính thức, bạn có thể chia sẻ cho nhà tuyển dụng những công việc bán thời gian bạn đã làm qua. Bên cạnh đó, bạn nên chia sẻ những trách nhiệm mà bạn đảm đương trong quá trình thực tập. Đó sẽ là những điểm sáng trong hồ sơ mà bạn không nên bỏ qua. Tôi hy vọng với những thông tin trên phần nào giúp bạn có thêm sự tự tin vào bản thân. Chúc bạn thành công ở công việc yêu thích. Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://chuyentrang.tuoitre.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=442801&ChannelID=269