Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển phải được tôn trọng

Trước sự việc của Bắc Kinh bất chấp phán quyết đã được PCA đưa ra, cũng như việc Trung Quốc đe dọa rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhà báo Nopporn Wong-Anan, Phó Tổng biên tập tờ Bangkok Post đã đăng bài viết khẳng định Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS mà nước này là một thành viên, hành xử một cách tích cực và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực.

TTXVN bác bỏ thông tin sai lệch của báo chí Trung Quốc về Biển Đông

AMM 49 ra Tuyên bố bày tỏ hết sức quan ngại về vấn đề Biển Đông

Chân lý không thể phụ thuộc vào kẻ mạnh

Hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố với các ngoại trưởng từ 26 quốc gia tới tham dự Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin tại châu Á rằng Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và sẽ phối hợp với Đông Nam Á nhằm đưa biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Tuy nhiên, chưa đầy một tuần trước phán quyết ngày 12-7 của Tòa trọng tài về tranh chấp hàng hải với Philippines, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành "diễn tập chiến đấu" bắn tên lửa ở khu vực nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam, phía Nam Trung Quốc. Các hình ảnh về máy bay chiến đấu và tàu bắn tên lửa, máy bay trực thăng cất cánh và tàu ngầm nổi lên được trình chiếu trên truyền hình Nhà nước Trung Quốc trong khi nhật báo của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết cuộc tập trận "tập trung vào các hoạt động kiểm soát trên không, tác chiến trên biển và chống tàu ngầm”. Một ngày sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định sự bành trướng của nước này trên biển Đông, Bắc Kinh đã công bố Sách trắng quốc phòng trắng trợn nói rằng các đảo ở biển Đông là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”.

Hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông đang bị chỉ trích kịch liệt. Ảnh tư liệu

Trung Quốc đã tẩy chay quá trình tố tụng của PCA sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đệ đơn kiện vào năm 2013 thách thức tuyên bố của Bắc Kinh. Sách trắng của Trung Quốc cũng công kích Manila đã vi phạm một thỏa thuận song phương để giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và cho rằng cáo buộc của Philippines xuyên tạc sự thật và toàn là dối trá.

Sau đó, Trung Quốc lại tiến hành một cuộc tập trận quân sự nữa. Ngày 18-7, Cục An toàn hàng hải Trung Quốc đã ra thông báo cấm tàu bè qua lại khu vực ở phía Đông ngoài khơi đảo Hải Nam từ ngày 19 đến 21-7 trong khi diễn ra các cuộc tập trận tại đây. Trong khi khẳng định tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển tranh chấp với hành động tuần tra hải quân và không quân, Bắc Kinh cũng phát động một chiến dịch thông tin với sự góp sức của các cơ quan truyền thông Nhà nước để gửi đi các thông điệp trên khắp khu vực Đông Nam Á.

Khoảng 20 nhà báo từ Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Philippines và Malaysia đã được mời tham gia một sự kiện báo chí ở Singapore hôm 19-7, trong khi hơn 20 PV từ các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc, từ Hồng Kông và các Thủ đô Đông Nam Á đã tham dự đưa tin về “Hội thảo học giả về biển Hoa Nam và hợp tác và phát triển khu vực”. Có 10/25 diễn giả là những học giả Trung Quốc; còn lại là những học giả từ Campuchia, Malaysia, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nhiều người trong đó đã chất vấn về phán quyết của Tòa trọng tài. Hội nghị kéo dài một ngày này được đồng tổ chức bởi trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và đã trở thành một diễn đàn để công kích Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Tòa Trọng tài.

Trong khi Bắc Kinh đòi hỏi phương tiện truyền thông khu vực Đông Nam Á cho họ không gian để phát ngôn và đưa ra tuyên bố rằng hàng chục quốc gia đã ủng hộ lập trường của họ về biển Đông, thì phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đưa tin sai một số phát biểu của các nhà lãnh đạo châu Á, trong đó có Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 9-7 nói rằng Sri Lanka "hiểu và hoan nghênh" lập trường của Trung Quốc về vấn đề trên biển tại một cuộc họp giữa Ngoại trưởng hai nước ở Colombo. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg tại Singapore hôm 17-7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesingtie lại cho biết rằng việc sử dụng từ "hoan nghênh" là không chính xác. Các trường hợp như vậy rõ ràng đã chứng minh rằng Bắc Kinh đã không hành động đúng như cam kết của họ là đưa tuyến hàng hải chiến lược này thành một vùng biển “hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.

Theo nhà báo Wong-Annan, mặc dù đơn phương khẳng định quyền lịch sử của họ ở biển Đông, Bắc Kinh cũng phải tôn trọng UNCLOS mà họ là một bên ký kết. Theo Reuters, các quan chức quân sự và ngư dân tại tỉnh Pangasinan phía Tây Bắc của Philippines nói rằng tới ngày 15-7 tàu tuần tra của Trung Quốc vẫn đóng tại tại các vị trí tranh chấp ở Bãi cạn Scarborough, ngăn chặn ngư dân nước này vào đánh cá, hành động vốn là một trong những lý do chính khiến Manila đưa đơn Bắc Kinh ra Tòa trọng tài ở La Hay. Nếu Trung Quốc thực sự nghĩ đúng với những gì họ nói về hòa bình ở khu vực thì có lẽ họ nên tuân thủ các điều khoản trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, vốn đã được các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh vào năm 2002 và có những đóng góp thiết thực vào việc đưa tuyên bố này thành một cam kết cụ thể hơn. Tháng trước, Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan của Singapore từng nói đã đến lúc ASEAN “không thể chấp nhận lý lẽ rằng chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Đại sứ Philippines tại Praha, ông Victoriano Lecaros cảnh báo về sự liều lĩnh của Trung Quốc. Ảnh tư liệu

Trung Quốc phải tôn trọng UNCLOS

Sau phán quyết của PCA, trong đó lên án việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo và các hoạt động bất hợp pháp khác, cũng như bác bỏ các yêu sách phi lý của Bắc Kinh về chủ quyền ở biển Đông, Trung Quốc đã không công nhận, thậm chí còn dọa tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Đông. Xung quanh vấn đề này, Đại sứ Philippines tại Praha Victoriano Lecaros trong bài trả lời phỏng vấn báo Novinky (CH Séc), đã cảnh báo về sự liều lĩnh của Trung Quốc. Theo ông Lecaros, phán quyết của PCA làm rõ các yêu sách của cả hai bên trong vụ kiện, những gì các nước này được hưởng và những gì không. Tòa khẳng định rõ ràng rằng hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là vi phạm luật pháp quốc tế. Họ không có quyền hiện diện ở đó. Nhận định việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa, coi điều này là vô nghĩa và thậm chí đe dọa áp đặt ADIZ, Đại sứ Lecaros cho biết chưa phải thời điểm để đưa ra ý kiến về điều này khi mà Trung Quốc mới chỉ đặt ra giả thiết, bởi nó giống như một trận cờ vua, “anh đi quân vua đến đâu thì tôi sẽ chiếu đến đấy”.

Thực tế, Trung Quốc đã từng đưa ra tuyên bố tương tự cách đây vài năm, nhưng theo Đại sứ Lecaros, tuyên bố này không được quốc tế chấp nhận. Mặc dù có xuất hiện một số lời phàn nàn từ các hãng hàng không và các cơ quan hàng không dân dụng hoạt động ở vùng trời này, song các hãng hàng không của “các tay chơi lớn” thì không mấy để tâm.

Về tính chất quan trọng của bản án mà Tòa trọng tài đưa ra, theo ông Lecaros, là một thể chế do Liên hợp quốc lập ra, Tòa trọng tài phán quyết những gì là phù hợp với luật pháp, tuy không làm thay đổi thế giới, song chỉ ra những gì cần làm để đạt sự tiến bộ. Trung Quốc nói rằng họ sẽ không tuân thủ, họ tuyên bố về quyền lịch sử đối với các đảo đá ngầm và rặng san hô ở biển.

Về câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để đoạt lấy lợi ích kinh tế như lời họ đe dọa, ông Lecaros cho rằng khả năng là có. Theo ông, điều này phụ thuộc vào giới cầm quyền và cách họ nắm bắt tình hình trong khu vực. Cách đây gần ba năm, họ còn đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra nhiều ầm ĩ và đụng độ tàu thuyền của hai bên. Trung Quốc hiện có tàu sân bay và các vũ khí hiện đại khác nên họ cảm thấy mình là một siêu cường. Nếu Trung Quốc không có khả năng kinh tế và quân sự như bây giờ thì đã không có nhiều chuyện như vậy. Họ làm những gì họ muốn, bất chấp luật pháp và dư luận thế giới. Đây cũng là lý do tại sao Philippines yêu cầu được pháp luật bảo vệ. Trước pháp luật thì các nước lớn và các nước nhỏ đều bình đẳng. Pháp luật không thể vận hành theo cách khác được.

Liên quan đến việc Philippines có cân nhắc phối hợp với một số nước khác cũng có tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Brunei để giải quyết vấn đề hay không, Đại sứ Lecaros cho rằng đây là một trong những sự lựa chọn. Theo ông, sự hỗ trợ của bất cứ bên nào với Philippines đều được hoan nghênh. Ông cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) luôn nói rằng họ không nghiêng về bên vào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, song cả hai bên đều nói rằng phán quyết của Tòa trọng tài phải được tôn trọng.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quoc-te/cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-luat-bien-phai-duoc-ton-trong-114990