Công ty TNHH MTV Môi trường – Vinacomin: Áp dụng kỹ thuật hiện đại xử lý nước thải hiệu quả

Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam là đơn vị khai thác khoáng sản quy mô lớn, hoạt động hiệu quả của Tập đoàn góp phần quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, quá trình sản xuất đã phát sinh ra một lượng lớn chất thải, đặc biệt là nước thải công nghiệp từ hầm lò, các moong khai thác lộ thiên, các trạm rửa xe ô tô, thiết bị chuyên dùng, bãi than…, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động rất xấu đến môi trường. Trước thực tế đó, Công ty TNHH MTV Môi trường – Vinacomin (Công ty Môi trường) đã được Tập đoàn giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng và xử lý toàn bộ lượng nước thải công nghiệp thuộc các đơn vị trong Tập đoàn tại các khu vực Quảng Ninh, Thái Nguyên và Lạng Sơn, giải quyết vấn đề nêu trên.

Hiện tại, Công ty Môi trường có hai Xí nghiệp chuyên xử lý nước thải (XLNT) là: Xí nghiệp XLNT Cẩm Phả (chịu trách nhiệm XLNT ngành than trong khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả) và Xí nghiệp XLNT Uông Bí (chuyên XLNT vùng than Uông Bí, Đông Triều và khu vực hai tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn). Đến nay, Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành 24 trạm XLNT mỏ đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường nước thải mỏ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tiêu biểu là: Trạm xử lý nước thải cửa lò +32 Khe Chàm (Công ty Than Khe Chàm); + 41 Lộ Trí (Công ty Than Thống Nhất); +38 và 40 Dương Huy (Công ty Than Dương Huy); Bắc Bàng Danh, Hà Khánh, +71 Đông Tràng Bạch… Đặc biệt, với ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái vịnh Bái Tử Long, Trạm xử lý nước thải + 25 Núi Nhện đã được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn là 1 trong 10 công trình gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015- 2020.

Trạm xử lý nước thải +25 Núi Nhện do Công ty TNHH MTV Môi trường – Vinacomin đầu tư, tại phường Cao Sơn.

Nguyên lý xử lý nước thải

Nước thải mỏ hầm lò, moong khai thác được bơm lên theo đường ống chảy về bể chứa điều lượng. Tại đây một số cặn kích thước lớn được lắng đọng xuống đáy bể, phần nước phía trên được bơm cấp lên bể trung hòa, tại bể trung hòa nước thải được cấp dung dịch sữa vôi và sục khí làm hòa trộn đều sữa vôi với nước thải để trung hòa pH và khử sắt. Sau đó nước thải tự chảy sang bể khuấy trộn hóa chất. Tại đây, hóa chất là keo tụ cùng với dung dịch PAC, PAM được thêm vào bể và trộn đều bằng hệ thống máy khuấy để làm keo tụ các hạt cặn lơ lửng. Sau đó nước thải tiếp tục được chảy sang bể lắng Lamell, dưới tác dụng của tấm lắng Lamell, phần lớn cặn lơ lửng được lắng đọng và được thu hồi tại cuối bể lắng. Phần nước thải phía trên tiếp tục được chảy sang bể lọc cát Mangan (bể được phủ 1 lớp cát Mangan) có tác dụng hấp thu và khử hàm lượng ô nhiễm Mangan trong nước thải. Đến đây, nước thải đã đạt tiêu chuẩn cột B được chảy qua các rãnh thu hồi vào bể nước sạch và thải ra môi trường theo quy định của pháp luật. Một phần nước sau xử lý được tái sử dụng để pha hóa chất, bơm tưới đường vận chuyển, dập bụi và cấp nước phục vụ sản xuất cho chính đơn vị khai thác than.

Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải

Hàng ngày, tại mỗi trạm XLNT, công nhân vận hành tiến hành kiểm tra thường xuyên bằng máy đo pH và bằng cảm quan về chất lượng nước thải sau xử lý; hàng tháng, lấy 02 mẫu nước thải đã qua xử lý, một mẫu dùng phân tích tại chỗ để kiểm soát các thông số trước khi xả ra môi trường, mẫu khác gửi lên phân tích tại Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh. Hàng quý, Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường tỉnh Quảng Ninh chủ động lấy mẫu tại các trạm XLNT mỏ (gồm cả mẫu nước trước, sau xử lý và mẫu bùn trước khi vận chuyển đổ thải) để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý tại các trạm XLNT mỏ. Công ty Môi trường thực hiện kê khai nộp phí bảo vệ môi trường theo từng quý đối với nước thải công nghiệp tại các trạm XLNT mỏ cho Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh đầy đủ và đúng quy định của pháp luật.

Thay đổi công nghệ hiện đại

Do đặc thù các đơn vị khai thác than nằm rải rác trên các mỏ, việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải cũng không thể tập trung mà phải xây dựng rất nhiều trạm gắn với đơn vị khai thác, làm tăng cao vốn đầu tư ban đầu. Thêm nữa việc đầu tư một nhà máy XLNT mỏ tốn rất nhiều tiền; việc duy trì hoạt động thường xuyên của các trạm XLNT chi phí cũng không hề nhỏ (tiền điện, hóa chất, nhân công…) làm giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công ty cũng như cả Tập đoàn. Để giải bài toán khó này, những năm gần đây Công ty đã áp dụng đồng thời hai giải pháp: thứ nhất là rà soát, quy hoạch và thiết kế các trạm XLNT một cách hợp lý cho từng mỏ, từng khu vực để giúp các doanh nghiệp tiết giảm được các loại chi phí đến mức tối đa. Thứ hai là sử dụng công nghệ (XLNT) hiện đại, đồng bộ, khép kín và thân thiện với môi trường. Nếu trước năm 2012, chủ yếu áp dụng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực thì nay đã áp dụng công nghệ mới hợp khối và tấm lắng nghiêng nhằm tăng tốc độ lắng, giảm diện tích xây bể lắng…, qua đó đã làm giảm giá thành, tăng cao hiệu quả kinh tế chung.

Được biết, chiến lược phát triển của Công ty những năm tới là tập trung cao nhất mọi nguồn lực, từng bước trở thành đơn vị làm công tác môi trường, sản xuất kinh doanh với trình độ công nghệ tiên tiến, đảm bảo kinh doanh các dự án môi trường đạt hiệu quả cao và đáp ứng được yêu cầu theo chiến lược phát triển của Vinacomin; đẩy mạnh tăng trưởng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất văn hóa, tinh thần cho CBCN-LĐ; giữ vững ổn định chính trị, xây dựng Công ty trở thành một trong những công ty mạnh trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Đồng thời hướng tới mục tiêu cùng các mỏ đạt tiêu chí “sạch – hiện đại – an toàn” mà Tập đoàn đã đề ra.

Nguyễn Quân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ap-dung-ky-thuat-hien-dai-xu-ly-nuoc-thai-hieu-qua/