Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Thanh Hóa: Sai phạm gia tăng

Kết luận thanh tra số 53/KL-TTTH ngày 16/01/2012 của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ những sai phạm liên tiếp của Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Thanh Hóa về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản và sai phạm của cá nhân Tổng giám đốc Nguyễn Văn Mạnh trong việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ, khoán sai định mức và mua vật tư, thiết bị của doanh nghiệp.

Kết luận thanh tra số 53/KL-TTTH ngày 16/01/2012 của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã chỉ rõ những sai phạm liên tiếp của Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Thanh Hóa về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ bản và sai phạm của cá nhân Tổng giám đốc Nguyễn Văn Mạnh trong việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ, khoán sai định mức và mua vật tư, thiết bị của doanh nghiệp.

CôngThương - Những sai phạm tày đình

Với tư cách là người đứng đầu Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Thanh Hóa (gọi tắt là Công tyCấp nướcThanh Hóa), ông Mạnh đã bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý cấp phó, trưởng phòng và chức danh tương đương trái với quy định tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo. Trong đó phải kể đến trường hợp của ông Nguyễn Trọng Đạt đang làm Giám đốc Công ty Lâm Phát được “hô biến” thành Phó giám đốc, rồi Giám đốc Chi nhánh sản xuất nước thành phố Thanh Hóa, bất chấp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2005.Đặc biệt hơn là trường hợp bổ nhiêm bà Nguyễn Thị Liên vào vị trí Phó tổng giám đốc công ty. Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cán bộ chủ chốt, ban hành kèm theo Quyết định số 572TC/CT ngày 02/3/2005 của Chủ tịch HĐQT công ty thì: “Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật”. Tuy nhiên, tại thời điểm làm qui trình bổ nhiệm Phó tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Liên đang trong thời gian 1 năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật.

Theo kết luận thanh tra: “Trong số 55 lượt người được bổ nhiệm mới, chỉ có 4 người làm quy trình bổ nhiệm, số còn lại chỉ thông qua ban lãnh đạo công ty” và “Việc tuyển dụng chỉ thông báo trong nội bộ, chủ yếu con em cán bộ, công nhân viên trong công ty nộp hồ sơ… Từ năm 2005 đến nay, công ty đã tuyển dụng 176 người, trong đó có 16 người là cháu, người thân của ông Mạnh. Hiện tại trong công ty có 44 người là người thân của ông Mạnh”.

Ngoài ra, việc công ty 2 lần tự mua thiết bị (trong cải tạo nâng cấp Nhà máy nước Mật Sơn) là vi phạm qui định của Luật Đấu thầu và Nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu. Số tiền mua, vượt dự toán đã phê duyệt (trên 300 triệu đồng và trên 1 tỷ đồng) được kết luận là sai.

Hàng năm,công ty mua phèn và đồng hồ đo nước với số lượng và giá trị lớn, nhưng không lựa chọn phương thức chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu, không đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo qui định của pháp luật về đấu thầu.

Không chỉ có vậy, kết luận thanh tra còn chỉ ra hàng loạt các sai phạm khác về chi tiêu tài chính, như khoán sai chi phí nhân công và chi phí chung so với quy chế khoán của công ty (ở 3 công trình) cho các chi nhánh do ông Châu làm giám đốc với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Nghiệm thu, thanh toán sai tăng tại 3 công trình: Cải tạo, nâng công suất Trạm cấp nước Quảng Xương; tuyến ống cấp nước bổ sung cho khu vực phía tây nam thành phố Thanh Hóa; cải tạo, nâng công suất Nhà máy nước Mật Sơn, với tổng số tiền gần 170 triệu đồng. Phê duyệt dự toán công trình cải tạo nâng cấp Nhà máy nước Mật Sơn sai tăng hơn 845 triệu đồng và chi phí khảo sát thiết kế sai tăng trên 25 triệu đồng…

Thực hiện các công trình cấp nước thuộc dự án Ngân hàng Thế giới (WB)tại các thị trấn Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Nông Cống cũng có nhiều sai phạm.WB đã gia hạn đến lần thứ 2 (đến ngày 28/2/2012), nhưng việc thi công công trình vẫn khó đảm bảo theo đúng tiến độ. Tổng giá trị sai do khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu, thanh toán đã phát hiện ở 4 gói thầu, phải giảm trừ quyết toán, không thanh toán lên tới gần 2,5 tỷ đồng; phải thi công lại 3 tuyến ống.

Vì sao chưa xử lý hình sự?

Những sai phạm rất nghiêm trọng đã được làm rõ, nhưng Thanh tra tỉnh Thanh Hóa chỉ kiến nghị một số biện pháp kiểm điểm, xử lý chung chung, không chỉ ra được biện pháp xử lý cụ thể để giải quyết dứt diểm những sai phạm, lấy lại niềm tin nơi cán bộ, công nhiên viên công ty cũng như những người dân đang dõi theo diễn biến vụ việc.

Cụ thể, kết luận thanh tra kiến nghị: “Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty phải tổ chức kiểm điểm, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với cá nhân có liên quan đến các sai sót, khuyết điểm đã kết luận”; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh: “Chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cty TNHH Một thành viên Cấp nước Thanh Hóa”.

Điều 44 Nghị định của Chính phủ số 86/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra nêu rõ: “Trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự”.

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao với những sai phạm đã quá rõ ràng như trênmà Thanh tra tỉnh lại không chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 44 Nghị định của Chính phủ số 86/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra?

Cần lưu ý rằng, trong vòng 4 năm, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa phải ban hành 2 kết luận thanh tra về những sai phạm tại Công ty Cấp nước Thanh Hóa. Lần đầu tiên vào ngày 15/1/2008, kết luận thanh tra số 30/KL-TTTH nêu: “Tổng giám đốccông ty phải chịu trách nhiệm về quản lý trong việc để xảy ra những sai sót”, từ đó đi đến kiến nghị: Công ty Cấp nước Thanh Hóa phải “chấn chỉnh và khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã được chỉ ra… Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân đối với các sai sót đã kết luận và xử lý nghiêm những cá nhân có nhiều khuyết điểm, sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao”. Thực hiện kết luận thanh tra số 30/KL-TTTH nêu trên, ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty đã “nghiêm khắc” nhận hình thức kỷ luật là “nhắc nhở, rút kinh nghiệm”.Vậy nhưng, sau 4 năm,không những ông Nguyễn Văn Mạnh và những người liên quan không rút kinh nghiệm mà những sai phạm còn liên tiếp xảy ra nhiều hơn, với mức độ và tính nghiêm trọng cao hơn. Vậy, tính nghiêm minh của pháp luật ở đâu? Câu hỏi này xin chuyển tới Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và tới các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c232n19247/cong-ty-tnhh-mot-thanh-vien-cap-nuoc-thanh-hoa-sai-pham-gia-tang.htm