Công ty TNHH Cán thép Kyoei Việt Nam: Khởi công xây nhà máy thép hiện đại hàng đầu Đông Nam Á

(baodautu.vn) Đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Công ty TNHH Cán thép Kyoei Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy luyện cán thép chất lượng cao, hiện đại hàng đầu ở Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư 218 triệu USD.

Từ Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp

Năm 2002, Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp chính thức đưa nhà máy cán thép với dây chuyền hiện đại vào hoạt động. Với tổng đầu tư trên 500 tỷ đồng, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ do Hãng VAI POMINI (Italia) cung cấp, nhà máy có công suất 360.000 tấn thép/năm, gồm các loại sản phẩm thép mang thương hiệu thép POMIHOA.

Trong 10 năm qua, các sản phẩm thép mang thương hiệu POMIHOA đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với chất lượng đảm bảo, tham gia nhiều công trình xây dựng trọng điểm của Ninh Bình và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước như Hà Nam, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… Với việc nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng liên tục trong nhiều năm, Công ty là một trong những đơn vị nộp ngân sách cao của tỉnh, tạo công ăn, việc làm ổn định cho trên 300 lao động, góp phần giảm nhập siêu đối với ngành thép, tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội của địa phương…

Các sản phẩm thép của Công ty được công nhận theo tiêu chuẩn ISO và được tặng nhiều huy chương vàng chất lượng ngành xây dựng, Giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giải thưởng Sao vàng Đất Việt trong các năm 2005, 2008 và 2010.

Công ty được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Lao động cùng nhiều bằng khen, cờ thưởng của các bộ, ngành Trung ương và tỉnh.

Đến Công ty TNHH Cán thép Kyoei Việt Nam

Ngày 15/2/2012, Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp và Tập đoàn Thép Kyoei (Nhật Bản) đã ký hợp đồng thành lập liên doanh và điều lệ liên doanh. Theo đó, Công ty TNHH Cán thép Kyoei Việt Nam ra đời, trong đó Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp góp 30% vốn, Tập đoàn Thép Kyoei góp 70% vốn, với mục tiêu xây dựng một nhà máy luyện cán thép chất lượng cao với tổng vốn đầu tư là 218 triệu USD (tương đương 4.578 tỷ đồng), trong đó vốn tự có là 48 triệu USD, vốn vay ngân hàng Nhật Bản là 170 triệu USD.

Liên doanh này ra đời nhờ có sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 DN trong nhiều năm qua. Tập đoàn Thép Kyoei (Nhật Bản) là đối tác tin cậy, cung cấp nguyên liệu phôi thép cho Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp trong suốt 10 năm trở lại đây. Từ tình hình thực tế sản xuất và cung cấp nguyên liệu, lãnh đạo hai công ty đều nhận thấy những lợi thế khác biệt hơn hẳn, nhất là về hiệu quả kinh tế khi liên doanh với nhau để xây dựng nhà máy cán thép tại Ninh Bình.

Theo phân tích của lãnh đạo 2 công ty, nguyên liệu đầu vào chủ yếu tại Việt Nam; thị trường thép đã có và nhất là thép dự ứng lực dùng trong xây dựng ở Việt Nam vẫn thiếu nhiều so với nhu cầu và chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Hơn nữa, Nhà máy Cán thép Tam Điệp cũng đã có cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, đội ngũ nhân lực kỹ thuật và kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất thép.

Phía Nhật Bản sẽ không phải vận chuyển nguyên liệu phôi từ Nhật Bản, mà vẫn có thép phục vụ các công trình tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Ông Đặng Hướng Dương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cán thép Kyoei Việt Nam cho biết, đây là một nhà máy công nghệ tự động hóa tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á. Do tính hiện đại, ưu điểm vượt trội của công nghệ sản xuất, chỉ số tiết kiệm điện cao (chỉ bằng 65% các nhà máy tương đương)..., nên giá thành thép sẽ thấp hơn 18-20% so với thép cùng loại.

Về bảo vệ môi trường, nhà máy đảm bảo an toàn và hợp lý tuyệt đối. Tất cả các phế thải, khí thải, nguyên liệu thải, nước, khói, bụi… đều được thu gom quay trở lại tái sản xuất. Khi đi vào sản xuất hoàn chỉnh, mỗi năm, Nhà máy sẽ có sản lượng 1 triệu tấn phôi thép chất lượng cao, kích cỡ lớn liên hoàn, từ đó sản xuất được 500.000 tấn thép chất lượng cao dự ứng lực, doanh thu xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, giải quyết trên 1.500 lao động, đóng góp ngân sách cho nhà nước khoảng 700 tỷ đồngn

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ nâng tổng công suất phôi thép trong cả nước từ 6 triệu tấn lên 7 triệu tấn/năm, góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu thép.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/thongtindoanhnghiep/5d7b07797f00000101d73e21cd7c0f43