Công ty thủy sản Duy Nhất xây công trình kiên cố trên đất 'mượn'?

Mặc dù được chính quyền tạo điều kiện cho “mượn” khoảng 4.000m2 đất trong 3 năm rồi di chuyển trụ sở làm việc ra khỏi nơi dự án, nhưng Công ty này lại xây dựng các công trình, hạng mục kiên cố!?

Việc này khiến người dân khu vực Đầm Hồng, phường Khương Đình bất bình, phản ánh lên quận Thanh Xuân (Hà Nội) và cơ quan ngôn luận.

Tiền trảm, hậu tấu

Qua tiếp cận nguồn tin và các tư liệu thu thập được, được biết Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Duy Nhất (Cty Duy Nhất) có thuê đất nông nghiệp (48.000m2) của TP. Hà Nội ở khu vực đầm Hồng, phường Khương Đình (năm 1992) phục vụ cho hoạt động của công ty nhưng đã hết thời hạn hợp đồng từ năm 2007. Một điều mà ngay cả người dân khu vực này cũng không hiểu vì lý do gì lại “thả nổi” việc quản lý đất từ thời điểm đó (năm 2007) đến năm 2014, mảnh đất mới được “quan tâm” thu hồi vì nằm trong dự án của thành phố?!

Vậy trong thời gian này, tiền thuế thuê đất ai là người nộp và nộp về đâu? Một số người dân hoài nghi, có sự “khuất tất” ở đây chăng? Sự việc càng khó hiểu hơn khi có văn bản chỉ đạo theo kiểu “tiền trảm, hậu tấu” của UBND quận Thanh Xuân.

Được UBND quận Thanh Xuân “ưu ái” cho xây công trình tạm (mái tôn 01 tầng) nhưng Cty Duy Nhất lại xây dựng với quy mô lớn và kiên cố.

Cụ thể, Văn bản số 436/UBND-TN&MT ngày 22/4/2014 của UBND quận Thanh Xuân do Phó chủ tịch quận Đặng Hồng Thái ký về việc: “Tạm thời giữ lại khoảng 4.000m2 đất bàn giao sau để di chuyển tạm trụ sở, cơ sở SXKD trả lại mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công của Dự án Thoát nước giai đoạn II”, chỉ đạo: “Sau khi xin ý kiến của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân; UBND chỉ đạo như sau: Chấp thuận về nguyên tắc của Cty Duy Nhất xin tạm thời giữ lại khoảng 4.000m2 (nằm trong phần diện tích khoảng 48.000m2 đất đã hết hạn hợp đồng thuê đất phải thu hồi theo Thông báo số 05/TB-UBND ngày 10/01/2013 của UBND thành phố) bàn giao sau để di chuyển tạm thời trụ sở, cơ sở SXKD, trả mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công của dự án Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội – dự án II. Vị trí được giao nằm kẹt giữa khu tập thể A23; đường vành đai 2,5; Bệnh viện Đa khoa Thanh Xuân và khu vực cụm dân cư số 2 phường Khương Đình.

Sau khi được chấp thuận tạm thời để lại bàn giao sau khoảng 4.000m2 đất (bàn giao sau cho UBND phường), UBND quận yêu cầu: Thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng nhà tạm, lán tạm, xưởng,… trên phần đất khoảng 4.000m2 nói trên theo đúng quy định. Công ty phải chủ động liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền xem xét để giao thuê đất, đảm bảo nốt phần diện tích (khoảng 4.000m2) nói trên trong thời hạn chậm nhất là 24 tháng (kể từ ngày ký biên bản)”.

Thế nhưng, ngày 16/6/2014, UBND TP. Hà Nội mới có Văn bản số 4339/UBND-TNMT đồng ý về việc thu hồi đất 48.000m2 đất nông nghiệp và di chuyển trụ sở, cơ sở sản xuất của Cty Duy Nhất để thi công kè hồ Khương Trung 1, quận Thanh Xuân; đồng thời “cho phép Cty Duy Nhất được sử dụng 4.000m2 đất tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân trong thời hạn tối đa không quá 3 năm kể từ ngày ký văn bản này để di chuyển trụ sở làm việc, cơ sở kinh doanh trong thời gian tìm địa điểm làm việc, kinh doanh mới theo quy định của pháp luật; diện tích còn lại (khoảng 44.000m2 đất), Cty Duy Nhất phải bàn giao ngay cho UBND quận Thanh Xuân quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật”.

Xây dựng có đúng quy định?

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND quận Thanh Xuân ra văn bản cho Cty Duy Nhất xây dựng các công trình “tạm thời”. Cụ thể, ngày 25/8/2014, UBND quận Thanh Xuân có Văn bản số 577/UBND-QLĐT chấp thuận cho Cty Duy Nhất xây dựng một số công trình tạm (11 nhà mái tôn 01 tầng) làm trụ sở làm việc của công ty. Tiếp đó, ngày 5/8/2014, chính quyền quận Thanh Xuân tiếp tục ra Văn bản số 882/UBND-QLĐT do Phó chủ tịch UBND quận Đặng Hồng Thái ký về việc xây nhà tạm của Cty Duy Nhất chấp thuận: “Việc Cty Duy Nhất được xây dựng các công trình tạm thời theo nội dung bản vẽ gửi kèm theo hồ sơ”, với 10 nhà tạm 01 tầng lợp mái tôn có kích thước khác nhau.

Thế nhưng, trên thực tế, khi chúng tôi tiếp cận, công trình được xây dựng kiên cố, cột, móng được đổ bê tông cốt thép, và có căn được làm 2 tầng…

Ông N.T.M. (người dân xin được giấu tên) cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần đưa sự việc này ra phường, quận nhưng vẫn đâu lại vào đấy. Cty Duy Nhất “qua mặt” bằng cách ngoài bịt tôn kín nhưng bên trong thì cho người tiến hành xây dựng các nhà, phân thành lô vững chắc”.

Việc dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II chậm tiến độ có phải do việc chậm bàn giao mặt bằng khiến dự án đội vốn nhiều lần?

Báo Kinh doanh & Pháp luật tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PVĐT/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/hn-cty-nuoi-trong-thuy-san-xay-cong-trinh-kien-co-tren-dat-muon-p41687.html