Công ty CP Đường Bình Định thất hứa

Ngày 12/9 vừa qua, Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) thông báo chính sách đầu tư trồng mía niên vụ 2016-2017 trên địa bàn tỉnh. Chính sách nêu nhiều điều khoản “ngọt như mía lùi”. Tuy nhiên, từ đó đến nay chẳng thấy BISUCO triển khai thực hiện.

Ăn cây này, rào cây kia

Từ năm 2014, BISUCO đã có dấu hiệu “lơ là” với việc đầu tư vùng nguyên liệu mía. Tuy trước mỗi niên vụ BISUCO đều đưa ra chính sách đầu tư rất đầy đủ, nhưng khi thực hiện thì rất “nhỏ giọt”, gọi là có.

Nhiều năm qua người trồng mía không được BISUCO đầu tư trồng mía

Thậm chí nghĩa vụ đối với BCĐ Phát triển vùng nguyên liệu mía tỉnh Bình Định và các địa phương vùng nguyên liệu cũng không được BISUCO thực hiện. Những năm gần đây thì tịnh, 1 “giọt” đầu tư cho nông dân cũng không có.

Đã thế, khi mua mía của nông dân thì nợ dài, đến khi nông dân rủ nhau đến nhà máy “đòi nợ tập trung”, rồi được chính quyền can thiệp BISUCO mới rục rịch trả nợ. Có năm BISUCO mua mía xong, sau đó trả bằng đường tồn kho, nông dân ngậm đắng nuốt cay nhận đường mang về bán tháo để thu hồi vốn.

Mà nào có phải BISUCO làm ăn thua lỗ, năm nào cũng lãi, thậm chí lãi lớn. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định: “Họ chưa bao giờ thua lỗ, có năm lãi ròng lên đến vài chục tỷ. Ngặt nỗi, chủ của Nhà máy Đường Bình Định cũng là ông chủ của nhiều nhà máy đường khác, ông ta lấy lãi của Nhà máy Đường Bình Định đi “đổ” vào sự thua lỗ của các nhà máy khác”.

Cũng ông Dũng cho biết, hiện nay BISUCO đã thế chấp Nhà máy Đường Bình Định để vay các ngân hàng thương mại số tiền lớn, hiện các ngân hàng đã “cạch” không cho vay nữa, nên BISUCO lâm cảnh khủng hoảng tài chính.

“Vừa rồi có 1 số ngân hàng mà BISUCO thế chấp nhà máy có làm việc với tôi, họ đề nghị cho phát mãi Nhà máy Đường Bình Định, chuyển cho chủ khác để chủ mới đầu tư nâng cấp nhà máy nhằm đưa nhà máy đi vào hoạt động ổn định”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, cho biết thêm.

Không để nông dân khổ

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, ngày 12/9 vừa qua, BISUCO đã ra thông báo chính sách đầu tư trồng mía vụ trồng 2016-2017 trên địa bàn Bình Định.

Theo đó, BISUCO sẽ đầu tư các hạng mục chính gồm: Đầu tư và hỗ trợ trồng mới từ 800 đến 1.000 ha cho cả trồng mới và phá gốc trồng lại; đầu tư và hỗ trợ cho chăm sóc cho 800 ha mía gốc; đầu tư cho việc phát triển mới…

Ngoài ra, BISUCO còn hứa hẹn sẽ giới thiệu và cung cấp cho nông dân 1 số giống mía mới như KK3 và VN09-108 mà không tính lãi. Tuy nhiên, “BISUCO ra thông báo rồi từ đó đến nay không thấy thực hiện. Nóng ruột quá, tôi gọi điện liên lạc nhắc nhở thì lãnh đạo BISUCO bảo là hãy đợi”, ông Hổ cho biết.

Cũng theo ông Hổ, song song với BISUCO, Nhà máy Đường An Khê (thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi) cũng đã làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định với nội dung xin đầu tư vùng nguyên liệu mía tại Bình Định. Mới đây nhất, vào ngày 5/10, đường An Khê tiếp tục báo cáo cụ thể về kế hoạch đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và thu mua mía vụ ép 2016-2017 trên địa bàn Bình Định.

Báo cáo nêu cụ thể: Nếu được Bình Định đồng ý, đường An Khê sẽ vào vụ từ ngày 15/11/2016, kế hoạch sẽ thu mua 30.000 tấn mía cây nguyên liệu; giá mía bảo hiểm là 900.000đ/tấn tại ruộng, sẽ điều chỉnh tăng theo diễn biến giá đường trên thị trường, nhưng không thấp hơn giá mía bảo hiểm.

Về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đường An Khê sẽ đầu tư 1.000 ha mía trên địa bàn Bình Định, chính sách và đơn giá đầu tư sẽ được áp dụng theo “Đơn giá đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và thu hoạch mía bằng máy liên hợp vụ 2016-2017” của đường An Khê.

Theo quan điểm của ông Hổ, về vấn đề đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía tại Bình Định, nếu BISUCO quyết tâm thì tỉnh sẽ ưu tiên. Nhưng nếu BISUCO ra thông báo rồi để đó, không thực hiện, thì ngành chức năng sẽ chọn hướng đi khác, để người trồng mía đỡ khổ vì họ sẽ được đầu tư trong SX, và nhất là đầu ra của cây mía được đảm bảo.

“Nếu đến giữa tháng 10 mà BISUCO không triển khai thực hiện đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn theo thông báo thì chúng tôi sẽ mời Nhà máy Đường An Khê làm việc theo nội dung báo cáo của đơn vị này”, ông Hổ kiên quyết.

“Do thời gian qua BISUCO không mặn mà đầu tư cho người trồng mía và thu mua mía nguyên liệu không “tiền ròng bạc chảy”, nên nông dân Bình Định ngày càng “quay lưng” với cây mía, nhiều diện tích mía trên địa bàn đã bị phá bỏ để trồng cây khác. Đã có lúc Bình Định quy hoạch vùng nguyên liệu mía lên đến 10.000 ha, nhưng hiện nay chỉ còn 700-800 ha”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cong-ty-cp-duong-binh-dinh-that-hua-post177228.html