Công ty BIO Việt Nam bị "tố" sản xuất phân bón kém chất lượng

Tin vào những hy vọng “kì diệu” để sử dụng phân bón của công ty BIO, người dân đã ngã ngửa khi biết loại sản phẩm này chưa được phép sản xuất.

Được quảng cáo là có nhiều tác dụng như: “Tăng khả năng trao đổi chất giúp cây phát triển nhanh đồng đều, tiết kiệm lượng phân bón cho cây. Giúp cây ra nhanh rễ….” các sản phẩm H1 – Pro được kỳ vọng là mang đến những đột phá để tạo năng suất cây trồng cho người dân.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nhiều người dân cảm thấy sản phẩm này không mang lại được những hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, các vựa lúa sau khi sử dụng phân bón H1 – Pro do Công ty Nông Nghiệp Xanh phân phối vẫn còn xuất hiện các tình trạng: thân cây lúa còi cọc, khô đầu lá, đất chai, hư nền đất,…

Phản ánh với PV, bà Ng. chia sẻ: “Dùng sản phẩm phân bón này hơn 2 tháng mà tôi chả thấy có hiệu quả gì, những cây lúa của tôi trước khi dùng loại phân này còn to mập hơn thế này rất nhiều.”

“Thấy đất càng ngày càng khô và cằn cỗi đi, cây thì có biểu hiệu héo hon nên tôi đã phải tạm dừng ngay không dùng phân nữa. Không thì mất ngay cả mùa vụ.” – Ông H. nói.

Sản phẩm của công ty BIO Việt Nam đang được bán tràn lan.

Theo thông tin trên bao bì, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển BIO Việt Nam là đơn vị trực tiếp sản phẩm này có cơ sở chính tại Tây Sơn (Đống Đa – Hà Nội). Nhóm PV đã đến tìm hiểu theo địa chỉ này thì phát hiện đây là địa chỉ không có thực.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Cường – Phó cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNN) cho biết, sản phẩm của H1 – Pro đang bị người dân khiếu nại nằm trong nhóm phân hữu cơ. Các sản phẩm phân hữu cơ muốn được lưu thông trên thị trường phải đạt 2 yếu tố: phải được “Cấp phép sản xuất” và “Chứng nhận hợp quy hoặc được các tổ chức chứng nhận do Bộ Công Thương chỉ định”.

Trên trang thông tin chính thức của Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNN) công bố bản “Danh sách các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác”. Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển BIO Việt Nam không có tên trong danh sách này. Điều đáng nói ở đây là các sản phẩm của công ty BIO Việt Nam đang được phân phối rộng rãi đến tay nhiều người nông dân.

“Tôi khẳng định công ty BIO Việt Nam này chưa được cấp phép và đương nhiên tất cả những sản phẩm của công ty này chưa được sản xuất. Vậy theo nghị định 202 thì đây là một hành động bị nghiêm cấm.” – ông Cường nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm, với những mặt hàng không được cấp phép thì đều là hàng giả và sắp tới sẽ kiến nghị lập đoàn thanh tra toàn diện công ty này.

Điều 6/NĐ202. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Sản xuất phân bón khi chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón.

2. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón giả, phân bón đã bị cấm sử dụng.

3. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi, tiếp thị phân bón không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc kinh doanh phân bón đã hết hạn sử dụng.

4. Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh phân bón không có hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh rõ về nguồn gốc nơi sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón kinh doanh.

5. Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng phân bón.

6. Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp quy, các dấu hiệu gian lận khác về chất lượng phân bón.

7. Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng phân bón so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

8. Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng phân bón, về nguồn gốc và xuất xứ phân bón.

9. Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của phân bón đối với con người và môi trường.

10. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hoạt động quản lý nhà nước để cản trở bất hợp pháp, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân hoặc bao che hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực phân bón.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hải Đăng – Xuân Tùng

Nguồn: Nguoiduatin

Clip đang được xem nhiều:

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/cong-ty-bio-viet-nam-san-xuat-phan-bon-gia-van-ban-tran-lan-a163011.html