Công trường Thủy điện Lai Châu: Thợ LILAMA trước ngày phát điện tổ máy số 3

Thủy điện Lai Châu đã bước sang những ngày cuối Thu tháng 10 năm Bính Thân. Từ thị trấn mới của huyện Nậm Nhùn đến tận sân nhà máy chỉ khoảng vài ba ki-lô-mét đường bê tông trải nhựa phẳng lì, nhà máy với tổng công suất 1.200MW (lớn thứ ba trong cả nước). Vào những ngày này năm ngoái, công trường còn ngổn ngang sắt thép, bê tông cùng hàng nghìn công nhân các lực lượng xây dựng như: Binh đoàn xây dựng 365, TCty LICOGI, LILAMA, cùng với các đơn vị chuyển ngành trực thuộc nhà Tổng thầu Sông Đà luôn hối hả thi công trải rộng trên khắp các hạng mục toàn nhà máy.

Hôm nay, con đập ngăn sông với trên 2 triệu mét khối bê tông đầm lăn đã sừng sững đứng ở độ cao 110m, dài hơn 900m chặn ngay dòng chảy phía thượng nguồn sông Đà hung dữ xưa kia. Thật đẹp và hùng vĩ cùng với 6 cửa xả trơn tru, bền chắc, lộ rõ tấm biển hiệu đỏ ngời mang dòng chữ “NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN LAI CHÂU”.

Đường vào nhà máy rộng, sạch, bóng loáng nhưng chỉ thi thoảng mới có bóng xe bóng người qua lại. Được biết nhà máy đang có 2 tổ máy vận hành từ tháng 12/2015, đến nay đã sản xuất gần 4 tỷ KWh lưới điện quốc gia, góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng.

Theo chân Phó Ban điều hành nhà thầu lắp thiết bị LILAMA Nguyễn Thanh Oai vào thang máy, đi từ tầng số 11 xuống mặt bằng cuối cùng dưới lòng sông nơi đặt những tấn thiết bị đầu tiên của nhà máy, ông Nguyễn Thanh Oai cho biết: Những thiết bị dưới đây như côn, khuỷu, bánh xe công tác, tua bin, buồng xoắn, khoảng trên 6.000 tấn đã được định vị an toàn, chính xác, theo thiết kế. Riêng chiếc rotor nặng 1.000 tấn là hạng mục quan trọng cuối cùng đã được hoàn thành vào ngày 06/9 vừa qua. Vào gian tua bin - máy phát, tôi may mắn được gặp hai vị đội trưởng - ông Hoàng Văn Trác (Đội trưởng Đội lắp tua bin) và ông Nguyễn Đức Nhung (Đội trưởng Đội lắp Stator), không là kỹ sư nhưng đều là thợ bậc 7 vượt khung, cả hai đã từng kinh qua hàng chục công trình trọng điểm lớn như: Hòa Bình, Ialy, Sesan 3, Pleikrong, Sơn La... Lai Châu ắt sẽ là công trình vĩ đại mang ấn tượng rất đậm về phong cách, tinh thần tự lực của sự tiếp cận rồi lắp đặt thành công những thiết bị hiện đại tiên tiến của thế giới trên chính đất nước của mình trước khi kết thúc những năm tháng lao động miệt mài góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Theo đội trưởng Nguyễn Đức Nhung, cho đến thời điểm ngày 26/10, 3 pha 500KW, toàn bộ tua bin đã đặt đúng vị trí, được căn chỉnh ổn định hệ thống máy biến áp, biến thế đã đóng điện xung kích, theo tiến độ quy định đến hết ngày 03/11. Những công việc còn lại như: Các ổ đỡ hướng trên, 3 ổ trong tua bin để ghép bạc, sau đó kiểm tra, rà soát tất cả xuống tới trục khuỷu, cắt tăng đơ van hạ lưu, xuống buồng xoắn, sau cùng tiến hành nốt phần việc lắp vành cổ góp, đậy nắp đường ống phát chân không. Đó là phần việc quyết định cho tổ máy vận hành vào trung tuần tháng 11 tới.

Đội trưởng đội lắp đặt thiết bị Chu Văn Tú có thân hình cao to, nặng tới 76kg, sinh ra từ đất Hòa Bình. Đội của anh lúc cao điểm có tới cả 100 nhân lực. Họ đảm nhận thi công nhiều hạng mục khó khăn, vất vả nhất như lắp toàn bộ tuyến ống áp lực dài 126,5m, đường kính 10,5m, có độ dốc 53º, lắp các tuyến ống xả, lắp đặt các loại cửa van sự cố, van sửa chữa, van đập tràn, đặc biệt là công tác tổ hợp và lắp đặt rotor 1.000 tấn.

Nói về rotor, đội trưởng Tú cho biết: Bản thân anh đã từng chỉ huy tổ hợp, lắp vài chục chiếc rotor cho nhiều nhà máy thủy điện, nhưng ở Sơn La và Lai Châu là loại rotor lớn nhất, nặng nhất, gấp ba bốn lần những rotor ở các thủy điện khác, kể cả Hòa Bình. Rotor của Thủy điện Lai Châu giống y chang rotor của Thủy điện Sơn La, cùng là 1.000 tấn, công suất 1 tổ máy cũng là 400MW, đội của Chu Văn Tú cũng là đơn vị thi công trọn bộ, có khác chăng là khi làm ở Lai Châu đội của anh đã rút ngắn thời gian được 21 ngày công khi vận chuyển và tổ hợp 650 tấn tôn cilic, đồng thời ở công đoạn sấy rotor đã có sáng kiến kích, nâng ten sấy ở dưới gầm lên cao 5m, tạo thuận lợi cho các thao tác thi công, rút ngắn tiến độ cả tuần, tiết kiệm đến 500 triệu tiền điện, lại giảm bớt được nhân lực.

Còn việc tổ hợp và lắp rotor thì sao? Tôi hỏi Chu Văn Tú. Anh chỉ nói rất gọn rằng: Kỹ sư, công nhân trong đội đều có kinh nghiệm, quen việc từ 15 năm trước. Bây giờ lại có cơ chế khoán việc đến tận người lao động, có sáng kiến, hoặc tăng năng suất đều có chế độ khen thưởng. Đồng thời còn nhờ có các phương tiện thi công tiên tiến, vì thế dù cho công việc nặng nhọc, gian khổ, thậm chí nguy hiểm nhưng hầu hết người thợ đều tự nguyện, kiên trì, hăng hái lao động.

Trong kết cấu nhà máy thủy điện, không chỉ rotor là quan trọng mà stator, buồng xoắn cũng quan trọng không kém. Theo ông Lê Kim Hải - kỹ sư, Trưởng phòng kỹ thuật của Ban Điều hành LILAMA Lai Châu, thì do Thủy điện Lai Châu có công suất lớn, stator có đường tròn tới 16m, nên phải chia nhỏ thành từng mảnh từ nơi nhà sản xuất mới vận chuyển tới chân công trình được. Đây cũng là một công việc hóc búa, ông Hải cho biết: Đội làm stator phải chia thành nhiều nhóm. Nhóm tổ hợp khung sườn rồi hàn nối các khung với nhau (thợ hàn có chứng chỉ Asme), rồi tiến hành xếp 252.000 tấn tôn cilic và 792 thanh dẫn. Nhóm khác tổ hợp khung sườn, làm thanh mang cá rồi xếp đặt 360 tấn tôn, lắp các tấm keo làm những sợi dây cuốn, cuối cùng là nhóm lắp 66 cực từ đường tròn đường kính 16cm để bàn giao cho đơn vị thí nghiệm và tiến hành thử cao thế.

Tính đến thời điểm này (26/10/2016) LILAMA đã hoàn thành trên 95% trong tổng số trên 10.000 tấn thiết bị, đồng thời còn chế tạo hơn 3.000 tấn thiết bị cơ khí thủy công cung cấp cho lắp đặt các cửa xả sàn, cửa van trên, đập tràn. Trao đổi với chuyên gia cung cấp thiết bị - hãng Alstom, ông Zhung Guo Sheng - Giám đốc hiện trường nhận xét: Đã ngót 8 năm, từ Thủy điện Sơn La đến Lai Châu, nhóm giám sát và hướng dẫn lắp đặt đã liên tục ngày đêm làm việc cùng với cán bộ, công nhân LILAMA. Ông cho rằng thợ Lilama làm việc có kỷ luật, thông minh, sáng tạo, tiếp thu công nghệ nhanh, lao động chất lượng, chúng tôi hài lòng về thái độ lao động và tính cách thân thiện của họ. Ông nhấn mạnh: Những năm tiếp theo, thợ LILAMA cần đưa thương hiệu lớn của mình đi làm việc ở nước ngoài. Và quả như vậy, thợ LILAMA những năm gần đây đã mang thương hiệu của mình ra nước ngoài để đầu tư và thi công các gói thầu lớn ở các dự án.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thúc Khiết - một chuyên gia hàng đầu ngành Điện lực Việt Nam, là giám đốc đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện ông là chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước tại Lai Châu, ông đưa ra một nhận định công tâm và chân thành về những người thợ lắp máy Việt Nam rằng: Họ xứng danh được xướng tên là DN Cơ khí lắp máy hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Gần 60 năm qua, lớp lớp thế hệ con cháu đã nối nghiệp cha anh của họ vào ngành Lắp máy làm nên nhiều kỳ tích hào hùng trên những công trình của đất nước từ Nam ra Bắc, từ Tây Nguyên đến Tây Bắc. Mong ước của hàng vạn người thợ LLILAMA ngày nay không chỉ đã làm nên những công trình to lớn, an toàn, chất lượng, mà phải phấn đấu trở thành nhà chế tạo ra những sản phẩm cơ khí đạt tiêu chuẩn trong khu vực và thế giới.

Theo dự kiến, tổ máy số 3 sẽ được ngập nước từ ngày 03 - 05/11 và phát điện vào trung tuần tháng 11 tới, toàn bộ công trình đã hoàn thành trước tiến độ một năm. Tiếp đó, sẽ khánh thành toàn bộ nhà máy vào ngày 20/12/2016.

Cơ chế đặc thù cho 6 nhà máy điện lớn Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Theo đó, có 6 nhà máy điện lớn, gồm: Thủy điện Sơn La (công suất lắp đặt 2.400MW); Thủy điện Hòa Bình (1.920MW); Thủy điện Lai Châu (1.200MW); Thủy điện Ialy (720MW); Thủy điện Trị An (400MW); Thủy điện Tuyên Quang (342 MW). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế giá điện, cơ chế đặc thù trong vận hành và tham gia thị trường điện của các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức và quản lý sản xuất - kinh doanh đối với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, Bộ Công Thương xem xét, quyết định danh mục các nhà máy điện phối hợp vận hành với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh có trách nhiệm tổ chức xây dựng các phương án bảo vệ an toàn công trình trong quá trình vận hành theo quy định hiện hành để đảm bảo an ninh, an toàn nhà máy điện, phòng tránh và ứng phó kịp thời đối với các sự cố có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Bộ Công Thương có trách nhiệm rà soát, đánh giá các nhà máy điện được đưa vào vận hành để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung vào Danh mục các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. PT

Lê Nguyên Tất

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/cong-truong-thuy-dien-lai-chau-tho-lilama-truoc-ngay-phat-dien-to-may-so-3.html