Công trình khoa học thay đổi diện mạo ngành Y

GD&TĐ - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016 đã xướng tên các đề tài đạt giải trong từng lĩnh vực. Năm nay, lĩnh vực y dược ghi dấu ấn mạnh với các nhà khoa học bởi 2 đề cụm đề tài của các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Trung ương Huế.

Thành công của 2 đề tài trên không chỉ là sự ghi nhận công sức của đội ngũ bác sĩ làm khoa học mà còn đem lại nhiều cơ hội cho người bệnh.

Mở ra nhiều cơ hội

Giải nhất trong lĩnh vực y dược được trao cho Cụm công trình nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu của 13 tác giả tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Khởi nguồn từ ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn phục vụ cá nhân, các bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhận thấy nhu cầu chữa bệnh của người bệnh cao trong khi nguồn tế bào từ dây rốn ngoài cộng đồng đang bị lãng phí.

Từ đó, ý tưởng nhân rộng thành ngân hàng tế bào gốc dây rốn cộng đồng hình thành và từng bước phát triển. Đến nay, đã có hơn 3.300 mẫu máu cuống rốn được xin từ các bà mẹ vừa sinh con để lưu trữ, phục vụ cho cộng đồng.

Nhờ “của để dành” trên, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống qua ghép tế bào gốc. Những bệnh lâu nay tưởng như vô phương cứu chữa (ung thư máu, suy tủy xương, ghép da bỏng…) nay có cơ hội điều trị.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đại diện nhóm tác giả, với khả năng tự sửa chữa những hỏng hóc trong cơ thể của tế bào gốc, đến nay, tỷ lệ ghép tế bào gốc thành công ở nhóm ghép tự thân là 70%, nhóm ghép đồng loại là 63,3%. Kết quả ghép thành công ở nhóm bệnh lành tính lên đến gần 90%, nhóm bệnh ác tính thành công 56,5%.

Một công trình khác được các nhà khoa học ghi nhận là Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên điều trị ung thư đại trực tràng của nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

PGS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ: Đại trực tràng có cấu trúc hình ống dài và có thể thu nhỏ lại nên có thể được đem ra ngoài qua vị trí lỗ đang dùng để phẫu thuật sau khi giải phóng khối u, do đó bệnh nhân ít đau, mau hồi phục, nhu động ruột trở lại sớm, thẩm mỹ...

Nhờ kỹ thuật trên, hàng trăm bệnh nhân đã được điều trị thành công, được nhân rộng ra nhiều bệnh viện và được các nhà khoa học thế giới ghi nhận…

Trước đó, các công trình Kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông của PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch (Bệnh viện Việt Đức) với đề tài phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống hay, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm với công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi nhi khoa… đều được vinh danh và tạo nên sự thay đổi cho ngành Y.

Khoa học vì cuộc sống

Điểm chung dễ nhận thấy của các cụm công trình trong lĩnh vực y dược là tính hiện đại song hành với khả năng ứng dụng cao. Xuất phát từ công việc hàng ngày, qua việc tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân, họ hiểu nhu cầu, nguyện vọng cũng như khả năng đáp ứng nền y học với tình trạng bệnh tật của mỗi người. Từ đó, các bác sĩ mày mò, đổi mới và nghiên cứu ra phương pháp điều trị mới.

Theo PGS.TS Phạm Như Hiệp, đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực y học luôn đáp ứng yêu cầu mới mẻ, tính sáng tạo, có bản sắc Việt Nam (dựa trên sự phối hợp dụng cụ mới với các dụng cụ phẫu thuật nội soi truyền thống), tính khả thi (phẫu thuật đang được thực hiện thường quy tại bệnh viện), được công bố trên nhiều tạp chí và hội nghị khoa học trong nước và quốc tế (giới khoa học công nhận).

Thực tế việc ứng dụng đề tài trong điều trị bệnh cho thấy các kỹ thuật trên đã đem lại cơ hội cho nhiều bệnh nhân, hỗ trợ việc đào tạo phẫu thuật nội soi nâng cao trong ung thư đại trực tràng, thu hút được nhiều học viên từ các nước trong khu vực (Malaysia, Phillipines, Indonesia, Singapore) đến học tập.

Còn rất nhiều, rất nhiều sáng kiến của đội ngũ y bác sĩ nảy sinh trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Có công trình được cộng đồng biết đến nhưng cũng có nghiên cứu chỉ người bệnh cảm nhận được và với nhiều người, sự đồng cảm của bệnh nhân đủ làm động lực để họ không ngừng tìm tòi kỹ thuật mới.

Với GS.TS Nguyễn Anh Trí, giải thưởng là sự thừa nhận của các nhà khoa học, xã hội. “Với bác sĩ, người làm khoa học, đôi khi sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội quan trọng hơn tiền bạc. Đây là động lực để chúng tôi bước tiếp với mục tiêu vì cộng đồng”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cong-trinh-khoa-hoc-thay-doi-dien-mao-nganh-y-2598836-b.html