Cống thủy lợi trăm tỉ không phát huy hết tác dụng

Hệ thống cống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng với nguồn vốn hàng trăm tỉ đồng nhưng lại không đồng bộ, khép kín nên chưa phát huy hiệu quả, hiện chỉ để ngăn triều cường, nước bẩn vào vùng nuôi tôm.

Cống thủy lợi Ký Thuật (xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi) vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chưa phát huy hiệu quả

Gần 10 năm trước, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt đầu tư dự án xây dựng hệ thống thủy lợi tiểu vùng 17 (huyện Đầm Dơi), tổng số vốn đầu tư trên 558 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là cung cấp, tiêu thoát nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản, ngăn triều cường và kết hợp xây dựng đường giao thông nông thôn, điều tiết nước phục vụ sản xuất tôm- lúa. Riêng dự án thủy lợi tiểu vùng 18 có nguồn vốn đầu tư lớn hơn (trên 880 tỷ đồng), cũng có mục tiêu tương tự.

Từ khi dự án được phê duyệt cho đến khi xây dựng quá dài nên một phần mục tiêu ban đầu thay đổi. Cụ thể, mục tiêu điều tiết nước phục vụ sản xuất tôm- lúa thì đã lạc hậu, không còn phù hợp. Theo đó, ở hai tiểu vùng 17 và 18, hiện đã chuyển sang chuyên nuôi tôm nên mục tiêu ban đầu của các cống ở hai tiểu vùng này không còn đúng. Đó là chưa nói đến việc đã có nhiều cống xây xong không vận hành…

Hệ thống cống thủy lợi xây dựng không đồng bộ, chưa khép kín như vậy nên không phát huy hiệu quả là điều dễ hiểu. Ông Nguyễn Công Danh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi) nhìn nhận hệ thống cống trên địa bàn mình quản lý chưa ổn, vì lúc đầu xây để phục vụ phát triển lúa- tôm nhưng vùng này đã chuyển sang nuôi tôm hết. “Việc cần thiết nhất hiện nay là nạo vét khơi thông kênh thủy lợi, tạo nguồn nước thông thoáng để nuôi tôm”, ông Danh nói và cho biết một số cống xây dựng có khẩu độ nhỏ gây cản trở giao thông và hạn chế dòng chảy.

Lo ngại lãng phí khi các hệ thống cống xây xong không phát huy hết tác dụng, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau trước đó đã tiến hành giám định dự án. Qua lấy lấy ý kiến người dân và lãnh đạo địa phương thì nhiều người chưa đồng tình xây cống. Với lý do ở các vùng này có ưu thế sử dụng điều kiện tự nhiên như biên độ triều rộng đủ khả năng cấp thoát nước. Ngoài hai tiểu vùng nói trên, nhiều cống thủy lợi xây dựng ở tiểu vùng 3 thuộc huyện Trần Văn Thời và huyện Cái Nước cũng làm người dân lo ngại vì tính hiệu quả thật sự chưa xứng tầm với nguồn vốn của Nhà nước đã bỏ ra.

Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau cho biết trên địa bàn có 23 tiểu vùng thủy lợi. Trong đó nam Cà Mau có 18 tiểu vùng, bắc Cà Mau có 5 tiểu vùng. Hiện mới hoàn thiện và khép kín 3 tiểu vùng. Ông Tô Quốc Nam, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết, do thiếu vốn nên hệ thống cống thủy lợi hiện chưa được đầu tư khép kín đồng bộ. Theo ông Nam, ở tiểu vùng 18 quy hoạch kín, riêng tiểu vùng 17 quy hoạch để ngăn nước bẩn, triều cường dâng, phục vụ nuôi tôm.

Các tiểu vùng ở huyện Phú Tân, Trần Văn Thời, Cái Nước hiện tại cống ở đây chưa vận hành do chưa hoàn thiện hệ thống.

“Bộ NN-PTNT ủng hộ việc gom 3 tiểu vùng 2, 3, 5 thành một dự án mới để đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống, với nguồn vốn 500 tỷ đồng”, ông Nam nói. Lãnh đạo ngành nông nghiệp Cà Mau cũng cho biết, sau khi công trình hoàn thành, đơn vị sẽ xây dựng quy trình vận hành phù hợp nhằm phát huy hiệu quả.

BẢO KHANH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cong-thuy-loi-tram-ti-khong-phat-huy-het-tac-dung-post200969.html